Ảnh: ttxvn |
Trời ơi, chọn nhà đầu tư mà năm trăm mấy chục ngày, hơn một năm như thế này thì còn làm ăn gì được nữa? Người ta lên vũ trụ, người bay lên Mặt trăng rồi về mấy lần rồi mà chọn ông đầu tư chưa xong thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cái gì nữa các đồng chí? |
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
Hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra ngày 21-4 sơ kết việc thực hiện nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tại hội nghị, trước thông tin lãnh đạo TP.HCM phản ảnh thủ tục chọn nhà đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng còn quá rườm rà, hết 588 ngày, Thủ tướng cho rằng vấn đề này cần kiên quyết khắc phục trong thời gian sớm nhất.
“Lựa chọn nhà đầu tư gì mà thủ tục mất 588 ngày? Như thế thì làm sao công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia? Chính chúng ta đặt ra và chúng ta phải sửa. Chúng ta phải quản lý nhưng cần phải cải cách cách thức quản lý, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng yêu cầu.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết 13 không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng, quan trọng hơn là nhận thức về vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng nguồn lực, qua đó đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá sau hơn ba năm triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng, trong điều kiện khó khăn khi đầu tư công bị cắt giảm mạnh đã mở ra hướng mới để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng dẫn chứng trước đây đầu tư công chiếm tới 70% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng giờ chỉ còn một nửa.
Thủ tướng khẳng định với chủ trương đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn, cũng như huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa để đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới.
Để làm tốt hơn nhiệm vụ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng.
“Chúng ta quản lý bằng quy hoạch, cái nào trái quy hoạch thì không cho, nhưng nếu quy hoạch trên trời thì không được, hoặc nếu quy hoạch không sát thực tế thì tính khả thi sẽ không cao. Tất cả lĩnh vực liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng đều phải rà soát để làm sao làm quy hoạch cho sát, cho chất lượng” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục huy động mạnh mẽ cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng.
Cùng với đó sẽ triển khai chính sách cho thuê, nhượng quyền quản lý khai thác hạ tầng hiện có mà Nhà nước đang quản lý nhằm tạo ra những nguồn tài chính mới để Nhà nước tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng công trình và dịch vụ.
“Doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng chính là dân. Người dân làm tốt thì để người dân làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
“Từ cơ chế chính sách phải tạo điều kiện cho người dân làm, cho xã hội đầu tư, cho nước ngoài đầu tư vào hạ tầng. Bây giờ dân làm thì không có mất đi đâu cả” - Thủ tướng cho biết và đề nghị thêm huy động vốn ngoài xã hội đầu tư cả những công trình mới, đồng thời với những công trình hiện có mà Nhà nước quản không tốt.
“Để người dân quản lý có lợi nhiều mặt: một là nguồn vốn thu lại được để làm cái khác; thứ hai là đồng tiền liền khúc ruột, họ quản lý tốt hơn thì có lợi hơn; chúng ta còn giảm được biên chế, giảm được nhiều thứ dài dài; của tư nhân thì không có tiêu cực vì họ đi lấy của họ làm gì nữa, còn mình của Nhà nước thì người khác xâm xỉa vào”- Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì xây dựng đề án về giải phóng mặt bằng; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng đề án về cho thuê và nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông; đồng thời lưu ý các bộ, ngành, địa phương xây dựng và đưa ra danh mục các dự án để kêu gọi và huy động vốn từ khu vực tư nhân, nước ngoài với mọi hình thức.
Bộ Kế hoạch và đầu tư chịu trách nhiệm tính toán nguồn vốn đầu tư công từ ba nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA trong năm năm tới để xây dựng kế hoạch trung hạn; đồng thời các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quản lý hết sức chặt chẽ đầu tư công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận