08/11/2010 07:41 GMT+7

Lũ bùn Cao Bằng: Sự cố đáng ngờ

BẰNG GIANG - HOÀI THANH
BẰNG GIANG - HOÀI THANH

TT - Đến ngày 7-11, hậu quả lũ bùn do thủng chân đập chứa chất thải của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng (xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng) đêm 5-11 vẫn chưa được khắc phục.

0K6WcRpw.jpgPhóng to
Dùng xe máy ủi chở người dân qua khu vực có lũ bùn - Ảnh: H.Thanh

Cao Bằng: Vỡ đập chắn thải, dân lo sợ nạn “bùn đỏ”

Vụ thủng đập này khiến hàng ngàn mét khối bùn đổ ập chảy xuống dòng suối dài hơn 5km, làm thiệt hại nhà cửa, hoa màu, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Dân hứng chịu thiệt hại

Tại hiện trường cho thấy bùn quánh đặc, đỏ ngầu, dày hơn 1m, chảy từ chân đập loang rộng, vùi lấp các cánh đồng, theo dòng suối tràn vào khu dân cư. Đường vào Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng tràn ngập toàn bùn đỏ, một chiếc máy xúc đang cố gắng xúc từng đợt bùn để mở đường cho xe và người đi qua.

Ông Nguyễn Văn Túc (xóm 4, Nà Gà, Duyệt Trung) cho biết từ khi Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng hoạt động, dòng suối nơi đây trở nên đỏ quạch, tôm cá chết sạch và không thể dùng được nước suối làm nước sinh hoạt. Chính con suối này chảy ra sông Bằng là con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng vạn người dân. Đây là bùn từ nước tuyển rửa quặng nên người dân rất lo ngại bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ông Lê Ngọc Quang, phó chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng, cho biết đây không phải là lần đầu tiên người dân ở hạ nguồn mỏ sắt Nà Lũng bị ngập bùn. Xí nghiệp đã nhiều lần xả bùn làm ngập ruộng và gây thiệt hại cho dân.

Có cống ngầm dưới đáy đập?

Theo ông Lê Hồng Hải, chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường, sáng 7-11 sở đã có cuộc làm việc với Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ lũ bùn và tìm giải pháp khắc phục. Ông Hải cho biết xí nghiệp thừa nhận sự cố là do bờ đập xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập bị thủng. Tuy nhiên, một số công nhân lại cho biết dưới đáy đập có một cống lớn dùng để xả thải, mỗi khi có mưa lũ thì lượng bùn đất trong đập sẽ theo đó ra sông Bằng.

Thông tin từ những công nhân trùng khớp với thông tin của ông Lê Hồng Hải: năm 2008, xí nghiệp này bị xử phạt 70 triệu đồng do hành vi xả thải trộm. Theo ông Hải, khi làm việc với nhóm công nhân xả thải vào năm 2008, có người nói lãnh đạo xí nghiệp nghe dự báo thời tiết sẽ có mưa lũ về nên ra lệnh cho xả thải trước. Thế nhưng năm đó mưa lũ lại không về nên hành động xả thải trộm này bị lộ và bị bắt quả tang.

Ông Đoàn Ngọc Báu, chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, nói: “Năm 2005, Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị thủng), đồng thời đập này nằm ngoài phạm vi đất được cấp. Dù đây là đập cấp quốc gia nhưng xí nghiệp không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động môi trường. Việc làm này bị thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên đến hôm qua, khi được lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường yêu cầu, xí nghiệp vẫn chưa có các thủ tục nói trên.

Tính đến chiều tối qua, con đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn vẫn nằm “ăn vạ” trên hoa màu và trong nhà dân. Biện pháp duy nhất để khắc phục tình trạng tắc đường là dùng máy bơm bơm nước từ sông vào rồi sử dụng máy xúc bùn đổ ra một con suối nhỏ và... đưa ra sông Bằng - nguồn nước của hàng vạn người dân. Sau khi đi kiểm tra đập chắn thải bị vỡ - tác nhân gây ra cơn lũ bùn, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo phải dừng ngay việc bơm nước đẩy bùn ra sông Bằng.

Không độc hại?

Chiều 7-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nông Văn Páo cho biết các cơ quan chức năng của tỉnh đang tập trung xử lý trận lũ bùn xảy ra trên địa bàn xã Duyệt Trung. Theo ông Páo, nguyên nhân gây ra lũ bùn không phải vỡ đập của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng mà là rò rỉ dưới lòng đất. Đập chắn này được xây dựng từ lâu và tạo thành một hồ chứa lớn “to như một quả núi”.

Nước thải tuyển rửa quặng lâu ngày tích tụ vào lòng hồ, xói mòn xuống lòng đất tạo thành các lỗ rò rỉ ra môi trường. Từ các lỗ rò rỉ ngầm này, bùn chảy vào rừng rồi chảy ra suối, tràn vào nhà dân, phá hủy hoa màu thì mới phát hiện được. Đến nay tỉnh Cao Bằng vẫn chưa đo đếm hay ước lượng chính xác có bao nhiêu mét khối bùn tràn ra môi trường. Hiện các dòng suối, ruộng và nhà dân quanh khu vực đều bị ngập bùn.

Sau khoảng 10 giờ kể từ khi phát hiện trận lũ bùn, các lỗ rò rỉ đã được khắc phục, bịt lại từ trong lòng hồ chứa. Đối với số bùn tràn ra ngoài, tỉnh đã điều phương tiện và huy động người dọn dẹp, trước hết là khu vực nhà dân và cứu hoa màu. Sở Tài nguyên - môi trường đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá, đo kiểm mức độ độc hại của bùn và xác định bùn này không gây ô nhiễm về mặt hóa học, chỉ là bùn đất đơn thuần chảy ra, ô nhiễm môi trường chủ yếu là gây bẩn cho khu vực xung quanh.

Ông Đinh Ngọc Đăng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ mỏ VN - cũng đánh giá bùn này không độc hại. Ông Đăng nói thêm ông chưa nhận được thông tin về vụ việc, chưa thị sát thực địa nên chưa đánh giá được chính xác tình hình. Tuy nhiên, với thông tin ban đầu về sự cố đập chắn nước thải tuyển rửa quặng của Xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng làm bùn tràn vào nhà dân thì ông Đăng nhận định không có nguy hiểm về mặt hóa chất.

Trong khi đó, một lãnh đạo Tổng hội Địa chất VN cho rằng quặng sắt với quặng bôxit đều giống nhau, đều có các nguyên tố độc hại bên trong, khi tuyển rửa sẽ có các chất kim loại nặng, ví dụ như chì (có ảnh hưởng đến con người). Vị lãnh đạo này cho rằng qua sự cố gây ra lũ bùn ở Cao Bằng, cần tiếp tục đưa ra những cảnh báo về độ an toàn của hồ chứa, đập chắn đối với các dự án khai thác quặng.

M.QUANG

BẰNG GIANG - HOÀI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên