10/01/2017 11:46 GMT+7

Lớp tiếng Anh miễn phí cho sinh viên

HÀ THANH - PHƯƠNG NHI
HÀ THANH - PHƯƠNG NHI

TTO - Hai tiếng mỗi buổi học, sinh viên đứng lớp hướng dẫn cho các bạn sinh viên khác về phương pháp nghe - đọc tiếng Anh. Lớp học tạo hứng thú cho nhiều sinh viên mất căn bản tiếng Anh.

Mỗi khi sinh viên mệt mỏi, “giáo viên” Nguyễn Thị Nga dành 15 phút đệm đàn, hát tiếng Anh cho các bạn nghe

Đây là lớp học phục hồi tiếng Anh mất gốc cho sinh viên tại Học viện báo chí và tuyên truyền Hà Nội. Lớp đều đặn mở vào 18g30 tối thứ 5 và chủ nhật hằng tuần, hiện đang hướng dẫn khoảng 20 sinh viên.

Khi sinh viên trở thành “giáo viên”

Ở lớp học đặc biệt này, “giáo viên” là các bạn sinh viên học tốt tiếng Anh, còn sinh viên là các bạn bị mất gốc tiếng Anh.

Có những thời điểm học viên thấy oải, buồn ngủ, “giáo viên” dừng lại tổ chức hoạt động trò chơi khoảng 15 phút, có bạn “giáo viên” còn đệm đàn hay hát những bài hát tiếng Anh nhằm khơi dậy hứng thú cho các bạn trẻ.

Lớp học này được hình thành từ ý tưởng đề tài của nhóm bạn trẻ khoa xã hội học, đứng đầu là Nguyễn Thị Nga (22 tuổi, sinh viên năm 3 khoa xã hội học Học viện Báo chí và tuyên truyền). Giáo trình giảng dạy do Nga tự làm dựa trên cố vấn của thầy cô và vốn “chất xám” tích lũy được trong quá trình giảng dạy tại nhiều trung tâm tiếng Anh trên địa bàn thành phố.

“Rất nhiều sinh viên trong trường có điều kiện tài chính không đủ, có bạn là sinh viên dân tộc thiểu số, thậm chí có bạn mỗi khi về quê, bố mẹ phải bán đi thứ gì đó trong nhà mới đủ cho bạn ấy trả tiền phòng trọ. Tiền học phí còn chấp chới thì lấy đâu ra tiền học tiếng Anh. Trong khi đó chúng tôi nhận thấy tiếng Anh là phần rất quan trọng quyết định tương lai nghề nghiệp sau này nên quyết định mở lớp học này”, Nga chia sẻ.

“Giáo viên” Công Thị Vân Anh (sinh viên năm 4, ngành ngôn ngữ Anh, khoa ngoại ngữ) cho hay: “Em đang dạy tiếng Anh ở nhà nên tự tin sẽ giúp đỡ được các bạn. Em luôn đứng ở góc độ các bạn, xem các bạn cần gì, không hiểu ở điểm nào và hướng dẫn theo cách hiểu của em. Giúp đỡ được các bạn, em cũng thấy vui”.

Sinh viên học tốt tiếng Anh trở thành “giáo viên” hướng dẫn cho các bạn sinh viên bị mất căn bản tiếng Anh

Lớp học thân thiện, hiệu quả

Đó là tiêu chí mà Nga và 4 tình nguyện viên khác đặt ra khi mở lớp học dạy tiếng Anh cho sinh viên. Sau một tháng, lớp học được Đoàn trường quyết định “cấp chứng chỉ” hoạt động. Tên gọi CLB phục hồi mất gốc tiếng Anh EFC (Efficient - Friendly) hình thành từ đó.

Các “giáo viên” chia sẻ trong quá trình giảng dạy luôn thân thiện, đặt bản thân vào nỗi sợ của các bạn để hỗ trợ, luôn đặt câu hỏi: Vì sao các bạn ấy kém? Vì sao sợ phát âm? Vì sao đến lớp với gương mặt buồn?

Sau 9 buổi tham gia lớp học, Dương Thị Linh, sinh viên năm 3 khoa chính trị học, tâm sự: “Sau 9 buổi mình đã học được cách phát âm. Người dạy là sinh viên đồng trang lứa nên mình cảm thấy thoải mái khi trao đổi hơn, cảm giác như được gia sư cho mình vậy, không áp lực mà rất hiệu quả”.

Nga cho biết gặp khó trong việc tuyển tình nguyện viên và thiếu kinh phí photo tài liệu, giáo trình. Để khắc phục khó khăn, nhóm bạn triển khai gây quỹ 1.000 đồng, kêu gọi sự trợ giúp của thầy cô và cựu sinh viên trường.

Rất nhiều cựu sinh viên quay trở về ủng hộ các bạn trẻ và Đoàn trường đồng ý hỗ trợ toàn bộ kinh phí photo tài liệu phục vụ cho giảng dạy.

Nga cho hay hiện lớp tuyển thêm được 4 bạn tình nguyện viên có kiến thức tiếng Anh tốt tự tin đứng lớp giảng dạy.

Tâm đắc với mô hình lớp học của các bạn trẻ, thầy Phạm Tuyên - bí thư đoàn thanh niên Học viện Báo chí và tuyên truyền - cho hay CLB ra đời không chỉ hỗ trợ các bạn sinh viên yếu tiếng Anh mà còn đem lại giá trị lớn cho các tình nguyện viên tham gia về các kỹ năng và giá trị xã hội tốt đẹp được lan tỏa.

Phương pháp vượt qua nỗi sợ học ngoại ngữ

Nguyễn Thị Nga, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và tuyên truyền: Về phương pháp nghe, quan trọng nhất là tinh thần của người nghe, nghe và chép chính tả. Chưa nhiều vốn từ vựng nên chưa hiểu được, do đó phải chép chính tả. Bước một là nghe một lượt. Bước hai chép chính tả những phần phụ đề nhân vật A, B nói gì. Bước ba đọc lại và phân tích những từ vựng, cấu trúc mới. Bước 4 là cất hết tài liệu đi và nghe lại từ đầu, dừng lại ở mỗi câu để hiểu xem nhân vật nói gì. Lặp lại các bước với khoảng 60 video, chắc chắn sẽ tiến bộ.

HÀ THANH - PHƯƠNG NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên