27/09/2005 06:04 GMT+7

Lớp học tiếng Việt ở Đức

THANH LUYẾN
THANH LUYẾN

TT - Ơ...t... ớt... quả ớt, a...t...át... cái bát... Tôi đứng lặng ngoài cửa phòng học nghe tiếng trẻ ngân nga tập đánh vần. Cảm giác xúc động lan nhanh sau bao ngày tháng chỉ nghe tiếng nước ngoài; giờ được nghe tiếng Việt với cái giọng ê a như hát của ngày thơ ấu.

h88SNvkx.jpgPhóng to
Lớp học tiếng Việt ở Leipzig - Ảnh: Giáp Nguyệt Lan
TT - Ơ...t... ớt... quả ớt, a...t...át... cái bát... Tôi đứng lặng ngoài cửa phòng học nghe tiếng trẻ ngân nga tập đánh vần. Cảm giác xúc động lan nhanh sau bao ngày tháng chỉ nghe tiếng nước ngoài; giờ được nghe tiếng Việt với cái giọng ê a như hát của ngày thơ ấu.

Chờ đến khi giải lao tôi bước vào phòng học... “ngoại ngữ” một trường phổ thông của thành phố Leipzig, Đức. Rõ ràng là người Việt tóc đen, da vàng thế mà những em học trò tôi gặp chiều nay không ít lần phải nhăn mặt, nhíu mày tìm từ để diễn đạt đúng những câu mà bình thường các em 4-5 tuổi ở quê nhà đã nói vanh vách.

Môn ngoại ngữ thứ hai

Vừa nghe giới thiệu là người VN và muốn tìm hiểu về các lớp học tiếng Việt do Sở Giáo dục bang Sachsen tổ chức, tiến sĩ Marc Tawalbeh (phụ trách các vấn đề của người nước ngoài) hồ hởi giới thiệu ngay: “Để có được và duy trì bốn lớp học tiếng Việt ở khu vực này như bây giờ chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn...”.

Hiện tại Đức có 85.000 người Việt sinh sống. Tuy nhiên, cộng đồng này không sống tập trung mà rải rác khắp nước Đức. Trước đây, việc học tiếng Việt và giáo dục về văn hóa, tập quán của quê hương phụ thuộc vào ý thức của mỗi gia đình.

“Nhưng từ khi có cái này... - tiến sĩ Marc Tawalbeh chỉ vào một tệp giấy dày trên bàn thì thế hệ người Việt trẻ ở đây không lo bị mất gốc nữa”.

Sau một ngày “đánh vật” với số tài liệu mà vị tiến sĩ dành nhiều cảm tình cho người Việt ấy cung cấp, tôi hiểu, tiếng Việt của mình được dạy trong trường phổ thông là do cách làm việc đến tận “gốc rễ” vấn đề của ngành giáo dục Đức: “Giáo sư ngành giáo dục học Ingrid Gogolin cùng hai đồng nghiệp làm việc tại Trường đại học Hamburg đã nghiên cứu và phát triển một công trình khoa học nhấn mạnh đến yếu tố: các trẻ em nước ngoài nếu được dạy và học tốt ngôn ngữ mẹ đẻ thì cũng sẽ học tốt tiếng Đức và trên cơ sở đó phát triển đều các môn học khác.

Công trình khoa học này là cơ sở để Bộ Giáo dục Đức thí điểm môn tiếng Việt vào trường phổ thông ở một số bang như một ngoại ngữ thứ hai.

Vậy là người Đức lo cải thiện giáo dục, người Việt lại được “lợi cả đôi đàng”, con em vừa học tốt trong trường vừa gìn giữ được tiếng Việt. Những lớp học đầu tiên được mở ở các thành phố lớn tập trung đông người Việt như: Berlin, Leipzig, Zwickau... và bây giờ vẫn đang tiếp tục mở rộng đến nhiều thành phố nhỏ hơn.

Lớp học đầu tiên tôi đến thăm do một chị có con đang theo học giới thiệu. Hằng ngày, cô con gái 12 tuổi của chị Phương tự đi xe buýt về nhà, nhưng hôm nay Phương lái xe hơn 10km đón con tiện dẫn tôi đến lớp.

Trên xe, chị kể nhiều về cuộc mưu sinh ở xứ người, về sự khốn khổ của việc bất đồng ngôn ngữ ngay trong gia đình chị. Ngày xưa, cả hai vợ chồng chị chỉ qua lớp căn bản tiếng Đức mà công việc cũng ít tiếp xúc với người Đức nên chỉ nói bồi.

Trong khi đó đứa con trai đầu của chị 16 tuổi, học trường Đức, giao tiếp với bạn Đức, nói tiếng Đức, tiếng Việt mẹ dạy từ nhỏ không phát triển và cũng không thích nói.

Chị than thở: “Nhìn con mặc quần lụng thụng, đáy tận đầu gối, suốt ngày bịt tai bằng hai dây nghe của CD Walkman mình mắng, nó vùng vằng nói mấy câu tiếng Đức rồi bỏ vào phòng”.

Trả lời câu hỏi sao không cho cậu ấy đến lớp học tiếng Việt cùng em gái, chị thở dài: “Muộn mất rồi!”. Chị tiếp: “Trẻ con ở đấy khiếp lắm, 14-15 tuổi đã biết nhân danh tự do cá nhân rồi, không ép được chúng đâu”.

Niềm vui của chị phần nhiều do cô con gái mang lại. Ánh mắt chị vui hơn khi kể từ lớp học “ngoại ngữ” cô bé đã biết tập làm văn tả về gia đình, bố mẹ và bạn bè bằng tiếng Việt.

Chị Thơ, sống ở thành phố nhỏ Werdau có hai con học ở lớp tiếng Việt, thì lo xa hơn: “Mình chú trọng dạy con tiếng Việt từ nhỏ nên hai cháu có thể nói cả hai ngôn ngữ, nhưng muốn biết tiếng Việt chuẩn phải được dạy theo phương pháp sư phạm. Mình không muốn sau này lớn lên con mình có lúc trách rằng mình đã để chúng “mù chữ” tiếng mẹ đẻ”.

n3WL1iGH.jpgPhóng to
Giờ trả bài kiểm tra cô cùng trò sôi nổi sửa lỗi chính tả - Ảnh: Giáp Nguyệt Lan
“Ráng cho con học lấy tiếng nói của mình!”

Trước khi bắt đầu bài học mới ở lớp của cô Linh Seidel (thành phố Zwickau) bốn nam sinh tự nguyện “gửi” cô giáo điện thoại di động. Cô giải thích: “Để lớp được yên tĩnh”.

Lớp học ở đây cũng thật đặc biệt. Trong khi các em nhỏ ở những bàn đầu mới tập đánh vần thì các em lớn đã có thể viết những bài văn ngắn. Cô giáo cứ phải chạy lên chạy xuống như con thoi, hết sửa giọng cho em này lại chỉnh câu văn cho em khác.

Sở dĩ có tình trạng này vì số học sinh VN trong trường Đức không đủ nhiều để chia lớp theo từng trình độ. Tất cả các em có cùng một cô, một phòng nhưng lại học theo trình độ của mình.

Ngoài học tiếng các em còn học về văn hóa và truyền thống VN. Một bé mẫu giáo ở VN cũng dễ dàng phân biệt ông bà nội, ông bà ngoại, cô, dì, chú, bác, mợ, thím... nhưng những khái niệm đó với các em trong lớp học ở đây đã là một bài tập khó.

Cô bé Nga Schneider (con lai, có bố là người Đức) cứ viết rồi lại xóa ở cây phả hệ gia đình vì chưa chắc chắn chồng của em gái của bố lớn tuổi hơn bố thì bố gọi là anh hay em.

Mặc dù cậu bạn Tuấn Minh ngồi bên nói chắc nịch: “Là anh!”, rồi cao giọng giảng giải: “Vì nó nhiều tuổi hơn bố mình, ai sinh ra trước người đó là anh mà”, thế nhưng nét mặt cô bé vẫn chưa tự tin lắm.

Các lớp ở trình độ thấp chú trọng đến việc dạy cho các em đọc thạo, viết tốt và hiểu được ý nghĩa của từ. Cao hơn, các em được học tập làm văn.

Cô Linh Seidel kể: “Mình muốn làm sao cho các em thấy được ngay thành quả của việc học tiếng Việt nên đề làm văn thường là những bức thư gửi ông bà, cô chú kể về cuộc sống của chính các em ở đây. Sau khi sửa lỗi, nếu em nào thích sẽ được tặng tem để gửi về VN”.

Anh Hoan, một du học sinh lấy vợ Đức, kể lại rằng cuộc sống gia đình anh hoàn toàn như một gia đình bản xứ. Chỉ đến khi cho con gái 7 tuổi về VN. Cô bé xa lạ với ông bà nội và họ hàng vì không hiểu mọi người nói gì.

Bố anh vài lần “mát mẻ”: “Ừ, thì đẹp như Puppe vậy thôi”, khi có người khen cô cháu nội lai đẹp quá. Tiễn con ở sân bay ông bố nắm chặt tay anh dặn dò: “Ráng cho con bé học lấy tiếng nói của mình, nghe con”.

Về Đức, anh đã cho con gái theo học lớp tiếng Việt. “Trước trong nhà chỉ nói tiếng Đức, giờ mỗi khi nghe cái giọng lớ lớ dễ thương của nó đọc tiếng Việt thấy “ghét ghê”, anh sung sướng khoe.

Những phụ huynh, những cô giáo tôi đã gặp, mỗi người một hoàn cảnh đẩy đưa hoặc tìm đến xứ sở này nhưng phần lớn đều chung một mong muốn thế hệ người Việt trẻ sinh ra ở đây học giỏi tiếng Việt.

Và trên nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ ấy các em được dạy bảo để giữ lại trong tâm hồn mình văn hóa gia đình của người Á Đông, có được sự quây quần, nương tựa vào nhau...

THANH LUYẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên