Ngày cuối tuần, hàng chục em học sinh có mặt trong khuôn vườn nhà bà H'Phiết Uông ở buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) để học làm gốm thủ công.
Trong khu vườn của nghệ nhân già
Nghệ nhân H'Phiết Uông cho biết lâu nay vào ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, thiếu nhi buôn Dơng Băk và buôn Yok Đuôn (xã Yang Tao) đến học bà cách làm gốm.
Nghệ nhân già tỉ mẩn hướng dẫn các em cách tìm và nhận biết loại đất sét không bị lẫn tạp chất để làm gốm.
Rồi bà ân cần chỉ cách cho các học viên nặn hình, cách tạo hoa văn, làm mịn mặt ngoài sản phẩm.
Cuối cùng, bà chỉ cho các cháu cách nung gốm lộ thiên (nét độc đáo của gốm M'nông - PV) để có những sản phẩm đen bóng, bắt mắt. Muốn cho màu gốm có màu đen đẹp mắt, nghệ nhân cho vỏ cam, bưởi vào khi nung.
Lớp truyền dạy có thêm niềm vui khi nghề gốm xã Yang Tao mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tiếng cười nói rộn ràng của các học viên nhỏ tuổi khi lần đầu tiên nặn thành hình được chú voi, con trâu, cái ché đựng rượu cần…
Bà H'Phiết cho biết hơn trăm năm trước, gốm của người M'nông đạt cực thịnh, được rất nhiều người ưa chuộng. Các sản phẩm không chỉ phục vụ trong gia đình mà còn dùng để trao đổi, mua bán với các dân tộc khác không biết nghề làm gốm.
Ngày nay, khi công nghệ phát triển, người ta chuộng đồ sứ, thủy tinh,… nên gốm M'nông cũng gặp nhiều khó khăn.
Người ta mua gốm M'nông về để trưng bày hoặc trao tặng, chứ không sử dụng trong đời sống hằng ngày nhiều như trước. Dù thế, những người "giữ lửa" ở buôn Yang Tao vẫn hằng ngày miệt mài tạo ra những vật dụng từ đôi bàn tay khéo léo để lưu giữ văn hóa dân tộc mình.
Làm gốm để giữ nét văn hóa truyền thống
Bà H'Loan Uông - chủ tịch UBND xã Yang Tao - cho biết thời gian qua, chính quyền địa phương luôn khuyến khích bà con duy trì và truyền dạy nghề làm gốm thủ công cho các thế hệ trẻ.
Hiện nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch diện tích đất khoảng 3.000m2 để phục vụ xây dựng làng nghề làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm. "Qua đó, thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho bà con, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa", bà H'Loan nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Huyên, bí thư Đảng ủy xã Yang Tao, thông tin xã Yang Tao có đến 90% đồng bào M'nông sinh sống. Gốm Yang Tao nổi tiếng, nhưng hiện cả xã chỉ còn 6 người làm gốm mà toàn người già.
Để giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân làm gốm biến tấu sản phẩm cho hợp xu thế. Theo đó, sản phẩm gốm Yang Tao không chỉ là thau, chậu, chén bát như xưa nữa mà có thêm ấm trà, khay, đĩa, ly, tách, ché, con voi, con rùa… chế tác tinh xảo hơn.
Không đứng ngoài cuộc, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với chính quyền địa phương mở nhiều lớp dạy làm gốm cho thanh thiếu niên, và giới thiệu sản phẩm gốm Yang Tao với các đơn vị du lịch.
Gốm Yang Tao vì thế cũng được tạo điều kiện tham gia trưng bày tại các lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, trưng bày tại Festival gốm Thanh Hà - Hội An và luôn tạo ấn tượng với khách.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021, nghệ nhân xã Yang Tao được ban tổ chức đặt chế tác 200 con voi bằng gốm dành tặng đại biểu, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông.
Ông Trần Quang Năm - phó giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk - cho biết các lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công sẽ mở ra cơ hội để nghề làm gốm truyền thống ở xã Yang Tao có điều kiện phát triển.
"Thông qua lớp học sẽ giúp thế hệ trẻ tự hào, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình", ông Năm nói.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định đưa nghề làm gốm của người M'nông xã Yang Tao (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Đây là niềm vui của những nghệ nhân ở xã Yang Tao, huyện Lắk vì đã miệt mài giữ lửa làng nghề hàng chục năm qua. Niềm vui ấy giúp các nghệ nhân già có thêm động lực để truyền dạy nghề thủ công độc đáo ấy đến thế hệ trẻ", lãnh đạo này nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận