01/06/2009 12:06 GMT+7

Lớp học đồi hồng

QUANG DUY 
QUANG DUY 

Đi về hơn 400 cây số, mỗi cuối tuần, thầy giáo Phước Thiện lặn lội từ TP.HCM lên đồi cát Mũi Né (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) dạy tiếng Anh cho tụi trẻ con bỏ học kiếm sống ở đây. Thầy Thiện không nhìn thấy bọn trẻ được bằng đôi mắt, nhưng tấm lòng người thầy nhân hậu thì hiểu rõ khao khát của bọn trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiệt thòi.

Những đứa trẻ thất học

Khu phố 15, phường Mũi Né (TP.Phan Thiết) có bảy - tám chục đứa trẻ độ tuổi đến trường học thì có tới hơn 50% đã rẽ ngang sang kiếm tiền, khi mới học hết tiểu học. Nguyễn Văn Hùng (16 tuổi) có em gái Nguyễn Thị Thư (14 tuổi), cả hai anh em đều thôi học khi qua lớp 5. Theo Hùng thì chỉ cần biết chữ đủ để đọc, viết và làm tính được. Vì thế, cũng từ 6 - 7 năm nay, thay vì đến trường thì hàng ngày mùa hè từ lúc 4g, khi vắng khách thì 5g, Hùng lên đồi cát và ở đó tới tối mịt.

xmKd3Vxf.jpgPhóng to
Út Phượng với bài học tiếng Anh đầu tiên bỡ ngỡ và háo hức.
Nguyễn Thị Kim Phượng - năm nay 9 tuổi, nhưng đã có 5 năm thâm niên làm trên đồi cát. Ngược lại, em mới chỉ học đến lớp 2. Út Phượng đi học muộn và học 2 lần năm lớp 1. Bây giờ, buổi sáng Út đi làm, chiều đi học. Quanh năm phơi nắng chang chang, lũ trẻ đã nhỏ bé lại càng lọt thỏm giữa đồi cát mênh mông. Bói mãi chẳng ra một đứa nào trông có da có thịt. Út Phượng mặt đen nhẻm, người chỉ nhỏ như trẻ con 5 - 6 tuổi ở thành phố, cái ván trượt cắp bên hông còn to hơn người. Út bảo, em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh. Nhưng không biết, thời khoá biểu hàng ngày như hiện nay có dẫn em tới cánh cửa trường cấp II hay không, nói chi đến trường đại học.

Với diện tích gần 50ha, đồi cát Mũi Né nổi tiếng bởi màu vàng truyền thống, nhưng lại có khả năng biến thiên huyền ảo cả hình dáng và màu sắc sau mỗi lần mưa hoặc mỗi đợt gió lớn, hoặc qua ngày sau. Vì thế, kỳ quan này đã lọt vào danh sách kỷ lục Việt Nam trở thành điểm thu hút khách du lịch. Lũ trẻ lũ lượt lên đó, làm nghề cho thuê ván trượt cát.

Ông Đoàn Ngọc Thanh - Trưởng khu dân số 15 - cho biết: "Mùa vắng khách du lịch mỗi ngày có khoảng 100 đứa trẻ lên đồi, còn mùa hè, cũng là mùa đông khách thì ngót nghét 200 cháu. Quân số trên đồi cát thì có tới 60 - 70% là trẻ ở khu phố 15. Là khu phố mới thành lập, dân cư ở đây chủ yếu là người di cư, gia đình nào đi biển được thì bố đi lưới, mẹ đi bán con tôm, cái mực. Hầu hết đều chật vật kiếm miếng ăn. Vừa là bố mẹ bảo con lên, vừa bọn chúng tự mách nhau lên đó kiếm được tiền".

Làm công nhân vệ sinh trên đồi cát đã gần năm, chị Lương Bích Thủy chưa thấy đứa trẻ nào trong số gần 50 đứa bé kiếm sống ở đây đi học vượt lớp 7. Dẫn khách du lịch, cho thuê ván trượt, mỗi ngày chúng cũng kiếm được vài chục ngàn, mùa du lịch có khi được cả trăm ngàn. Bọn trẻ đen nhẻm đen nhèm, mồ hôi nhễ nhại, nhưng những đôi chân trần vẫn chạy thoăn thoắt từ đồi này sang đồi kia dưới cái nắng bỏng rát. Mỗi đứa cắp một chiếc ván trượt bằng nhựa, mời khách thuê trượt cát, thu nhập của chúng tuỳ thuộc vào tiền được cho.

Cuộc sống tự do và có tiền bạc hấp dẫn bọn trẻ hơn trường học. Trong số đó, có cả những đứa trẻ quên mất khái niệm lễ phép, thưa gửi. Đã có lần, một nữ Việt kiều du lịch phải nức nở khi có đứa trẻ cầm tờ giấy 5.000 đồng vò nhàu, ném trả lại, kèm theo một lời phán: "Keo kiệt, thế mà kiều". Chuyện chúng thụi nhau cũng như cơm bữa.

Học mà chơi, chơi mà học

Nhưng từ ba tháng nay, bọn trẻ trên đồi cát dường như đều ngóng cho nhanh đến cuối tuần. Đương nhiên, cuối tuần sẽ kiếm khá hơn. Nhưng còn vì tụi trẻ ngóng thầy Phước Thiện từ TP.HCM tới dạy tiếng Anh.

AUhhjeCp.jpgPhóng to
Lớp học giao lưu vừa học, vừa chơi cùng khách du lịch.

Thầy Thiện bị hỏng mắt khi mới học lớp 5. Cách đây đã 18 năm, thầy Thiện từng là học sinh khiếm thị đầu tiên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Hai mươi năm trước, khi mới hơn 10 tuổi, cậu bé Phước Thiện cũng mất đi đôi mắt vĩnh viễn sau một lần ngã. Cũng như nhiều người khiếm thị, ước mơ của Thiện lúc đó là trở thành nghệ sĩ đàn tranh. Nhưng rồi, chính tiếng Anh đã chọn Thiện. Đôi mắt không thể nhìn thấy những dòng chữ trên bảng, nhưng đôi tai và đôi chân vẫn đưa Thiện qua lớp học này tới lớp học khác.

Khi còn đi học ở trung tâm tiếng Anh, Thiện đã được nhiều bạn học hỏi bài. Từ chỗ nhờ kèm bài, bạn bè đã gợi ý Thiện tổ chức thành lớp học riêng. Sau những phút đầu tiên ngượng ngập thay đổi cách xưng hô, rồi dần ai cũng chuyển từ gọi bạn sang thầy Thiện. Hữu xạ tự nhiên hương, học trò của thầy Thiện tăng theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Không biết bao nhiêu lượt học trò đã đến và ra đời mang theo hành trang tiếng Anh được thầy bồi dưỡng.

Lần đầu tiên gặp các em, sự nhạy cảm của một người gần 20 năm dạy học đã mách thầy Thiện trước hết phải đoàn kết được các em lại, thì mới tính đến chuyện dạy chúng học gì. "Mỗi em mỗi tính nết, em bé thì còn nhát, em lớn thì mắc cỡ. Khi hát, tất cả nắm tay nhau, tự dưng chúng sẽ thấy gần gũi, thân thiết hơn. Trong chơi có học, trong học có chơi, ngay cả những đứa trẻ đã bỏ học sẽ đỡ sợ cầm quyển vở, cái bút".

Trước giờ vào lớp, thầy lại lên đồi cát, giao lưu truyền cảm hứng học cho bọn trẻ trước. Chúng tụm lại quanh thầy bên chân đồi, cùng nhau hát bài "Đồi hồng thân thương", mà thầy Thiện đã sáng tác tặng: "Này đồi hồng thân thương/ Anh em ta cùng nhau kết đoàn/ Cùng làm việc cùng vui chơi/ Cùng chăm ngoan giúp mẹ, phụ cha/ Đồi hồng ơi, tuổi thơ em gắn liền yêu thương".

Trời tắt nắng, từ đồi cát về, ăn uống tắm giặt xong là tụi trẻ hẹn nhau ở đầu xóm, đứa lớn dẫn đứa bé đến lớp, hết giờ học lại dẫn về. Gia đình chị Lương Bích Thủy tình nguyện cho mượn sân hè làm lớp học. Cứ tối thứ bảy, CN, khoảng sân bé ấy lại đông vui như hội: Tiếng bọn trẻ í ơi gọi nhau, ồn ào nô đùa, hoà chung giọng ê a đọc bài... Bọn trẻ vốn nói tiếng Anh bồi đã khá thạo nên nhiều em tiến bộ nhanh. Như em Hùng có thể hướng dẫn bằng tiếng Anh "nghề" không kém một "tourguide": Vì sao cát màu hồng, nơi nào chụp ảnh bình minh đẹp nhất...

Thầy Thiện đã nghĩ: Với những em đã lớn như Hùng, liệu vài ba năm nữa không còn là những đứa trẻ, chúng có thể làm gì để kiếm sống. Vì vậy, trước hết là bồi dưỡng cho các em có vốn tiếng Anh tốt hơn. Rồi lồng ghép hướng cho các em đến những thói quen sống hoà đồng với cộng đồng, những kỹ năng tránh bị lạm dụng và những kiến thức cơ bản để các em sau này có thể dần trở thành hướng dẫn viên du lịch tại địa phương.

Đó cũng là nguyện vọng của nhiều em. Chúng sẽ kế thừa được những kinh nghiệm đã và đang tích luỹ được và có thể phù hợp với trình độ học vấn của tụi trẻ... Nhưng đó là mục tiêu của cả quãng đường dài.

Trước mắt, uốn cho các em thói quen lễ phép, biết dạ thưa cũng không phải dễ dàng. "Chiến lược" của thầy Thiện được sự ủng hộ của Thanh Loan, gia đình cô Thuỷ, các phụ huynh và cả những học trò của thầy. Mỗi tuần thầy đi xuống Mũi Né, hai cô học trò Thủy và Hồng thay phiên nhau dẫn đường, rồi phụ thầy dạy học.

Ý tưởng về lớp học đồi hồng đầu tiên là do chị Thanh Loan nghĩ tới. Lúc 7 tuổi, chị Thanh Loan bị tai nạn giao thông, chân bên phải gãy. Nhà nghèo không có đủ tiền để chạy chữa triệt để, bên chân gãy teo hẳn, đi phải dùng nạng. Nhà ở gần đồi cát, hàng ngày thương bọn trẻ vất vả kiếm sống, có gia đình nheo nhóc bốn anh em như vậy mà chị quyết tâm mời thầy Thiện - người cùng cảnh ngộ - tới giúp các em.

Chị kể: "Một lần, vài em nhìn thấy thầy Thiện mà không chào. Thầy giận giả vờ thôi, nói không dạy học nữa. Tụi trẻ khóc quá trời, kéo tới nhà mình, nhờ thuyết phục thầy không bỏ chúng. Không ngờ lũ trẻ lại tình cảm và ham học đến vậy".

Đến đầu tháng 6 này, lớp học đồi hồng của tụi trẻ mới bước sang tháng thứ ba. Dù bận thế nào, thầy Phước Thiện vẫn đều đều cuối tuần cùng một học trò dẫn đường, tìm tới chân đồi dạy học cho các em nhỏ thiệt thòi ở đây. Chị Thanh Loan cũng đang đôn đáo tìm cách mua được một số ghế, để các em có thể kê vở viết.

Những con người chẳng giàu có, cũng không may mắn gì trong cuộc đời này đã không quản ngại vất vả, xa xôi, thầm lặng đem đến cho các em nhỏ thiệt thòi này phần nào tri thức và hành trang cho cuộc sống, xuất phát từ tình thương yêu không vụ lợi. Tất cả chỉ để mong rằng những em bé trên đồi hồng mai này có được một tương lai sáng hơn.

QUANG DUY 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên