13/05/2011 07:45 GMT+7

Lớn lên từ chiếc nôi đầu tiên

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - 36 năm đã đi qua nhưng mỗi khi nhắc về những ngày đầu tiên ấy, các đội viên chi đội Lê Văn Tám - chi đội Thiếu niên tiền phong đầu tiên ở TP.HCM - đều xúc động và nói rằng từ chiếc nôi ấy họ đã lớn lên.

h14M06RM.jpgPhóng to
Các bạn nhỏ TP.HCM đến với triển lãm “Tự hào thiếu nhi TP anh hùng” sáng 12-5 - Ảnh: Minh Đức

Sinh hoạt Đội là tiết học kỹ năng

Nhiều đội viên ngày đó bây giờ là người đỗ đạt, trở thành nhân vật của công chúng như bác sĩ Đỗ Ngọc Đức (Bệnh viện Nhi Đồng 2), nghệ sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm (phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM), nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc...

Triển lãm “Tự hào thiếu nhi TP anh hùng”

Sáng 12-5, Hội đồng Đội TP.HCM đã khai mạc triển lãm “Tự hào thiếu nhi TP anh hùng”. 90 bức ảnh trong triển lãm này ghi lại những dấu ấn của hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi TP các thời kỳ, các phong trào lớn đánh dấu sự trưởng thành của Đội trong nhịp phát triển cùng TP và đất nước.

Triển lãm là một trong những hoạt động lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong tại TP.HCM, kéo dài đến ngày 2-6, trong khuôn viên công viên Chi Lăng và dọc tuyến đường Đồng Khởi đối diện công viên Chi Lăng (Q.1).

Q.LINH

Những ngày đầu tiên

Chỉ một tuần sau giải phóng, ngày 7-5-1975, lễ kết nạp những đội viên đầu tiên được tổ chức một cách trang trọng. Và dịp sinh nhật Bác 19-5-1975 được chọn để ra mắt chi đội đầu tiên mang tên Lê Văn Tám tại số 4 Duy Tân (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM), với phần lớn trong số 50 đội viên đầu tiên từng tham gia sinh hoạt trong đoàn thiếu niên Phù Đổng.

Những tháng ngày “ăn, ngủ cùng Đội” bắt đầu. Suốt mấy tháng hè, cả chi đội ăn, ở tập trung cùng nhau. Sáng sớm có kẻng đánh thức cùng tập thể dục, sau đó là học năm điều Bác Hồ dạy, tập văn nghệ. Một chị phụ trách chi đội ngày ấy nhớ lại: “Từ những lời dạy của Bác, chúng tôi khơi gợi các em đến những điều gần gũi nhất trong cuộc sống, từ yêu thương cha mẹ, bạn bè, biết quan tâm đến những bạn mồ côi... Có thể nói các em bắt đầu làm quen với những bài học chính trị đầu đời nhẹ nhàng như thế”.

Chi đội trưởng Đỗ Ngọc Đức kể: “Hồi đó ăn uống cực lắm, may mắn thì có cơm với nước tương, không là toàn ăn bo bo nhưng chẳng đứa nào muốn về nhà”... Phần lớn thời gian cả chi đội cùng xuống đường dọn vệ sinh, cùng phụ trách xóa các tàn tích văn hóa độc hại, có khi đi khắp nơi quảng cáo cho báo Tuổi Trẻ những số đầu tiên... Đâu đâu cũng có đội viên chi đội Lê Văn Tám.

Hết những ngày hè, các đội viên trở về trường học làm lực lượng nòng cốt gây dựng phong trào, tổ chức Đội tại trường. Cũng chính lực lượng này cùng sự giúp sức của cán bộ làm công tác thiếu nhi phường xã xây dựng Đội tại địa bàn dân cư. Hai năm sau ngày ra mắt chi đội đầu tiên ấy, Đội đã có mặt tại hầu hết các xã, phường trên toàn TP. “Hát cũng cố hát thật hay, làm gì cũng làm hết mình. Người đội viên luôn để lại trong mắt người dân là hình ảnh dễ thương, tổ chức Đội gần gũi” - bác sĩ Đức nói.

Trưởng thành từ bài học nhỏ

Chị Nguyễn Thị Mỹ Liêm - một trong bốn phân đội trưởng chi đội Lê Văn Tám ngày đó, nay là phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi đến với Đội một cách say mê. Những bài học nho nhỏ thời đó ai cũng học nghiêm túc”. Bác sĩ Đức hồi tưởng: “Không khí đất nước thời điểm đó rất hồ hởi phấn khích nhưng cũng khó khăn trăm bề, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao có thể truyền đạt để các em biết thể hiện lòng yêu nước. Đó trước hết là yêu thương gia đình mình, bạn bè mình”.

Những bài học ấy hôm nay vẫn đi cùng một lớp thế hệ đội viên đầu tiên của TP. “Tôi nghĩ chính việc thấm đẫm tinh thần sẵn sàng của Đội mà 16 tuổi tôi tạm gác việc học, tình nguyện đăng ký đi bộ đội. Sau này, trong bất cứ công việc gì tôi cũng luôn thực hiện với một tâm thế sẵn sàng” - bác sĩ Ngọc Đức chia sẻ. Trong khi đó chị Mỹ Liêm bày tỏ: “Từ những bài học nhỏ những tháng ngày ấy mà sau này tôi biết sắp xếp công việc một cách khoa học, mạch lạc”.

Những đội viên đầu tiên ấy nay đều đã bước qua tuổi 50. Nhiều người trong số họ là bác sĩ, như bác sĩ Phan Văn Báu nay là phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115. Từ nơi ấy cũng xuất hiện nhiều nghệ sĩ, nổi tiếng như nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, đạo diễn Đoàn Khoa... Nhưng dù ở đâu, làm gì họ đều nhớ về chi đội Lê Văn Tám không chỉ như một kỷ niệm của tuổi thơ mà còn là mái nhà chung - nơi đã cho họ những bài học làm người, ươm mầm và nuôi dưỡng bao khát vọng, ước mơ vào đời.

Từ đoàn thiếu niên Phù Đổng

Trước năm 1975, để xây dựng và tập hợp lực lượng, chỉ đạo từ trong cứ của Thành đoàn khi ấy phải làm sao tập hợp được thiếu nhi. Năm 1972, đoàn thiếu niên Phù Đổng ra đời, thường xuyên tổ chức sinh hoạt tại công viên Tao Đàn. Có những thời điểm đoàn thiếu niên Phù Đổng lên đến 200 thiếu nhi. Ở đó, các bạn nhỏ được tập các bài hát gắn liền với phong trào sinh viên học sinh, được học về năm điều Bác Hồ dạy, dĩ nhiên là bí mật.

Sau giải phóng, một số đội viên của đoàn thiếu niên Phù Đổng trở thành đội viên Đội Thiếu niên tiền phong chi đội Lê Văn Tám.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên