20/04/2015 09:30 GMT+7

Lolita trở lại cùng câu chuyện dịch thuật

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Quyển sách Lolita của Vladimir Nabokov do Nhã Nam ấn hành vừa trở lại với bạn đọc VN bằng bản hiệu chỉnh sau thời gian ngót ba năm (in lần đầu năm 2012) kể từ khi ra mắt bản dịch đầu tiên.

Bìa của cuốn sách Lolita do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành vào năm 2012
Bìa của cuốn sách Lolita do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành vào năm 2012

Bản dịch đầu tiên đã gây ra ít nhiều sóng gió trong dư luận về những lỗi sai của dịch giả Dương Tường, kể cả sự minh bạch trong công việc làm chú thích...

Nay bản dịch của Dương Tường đã được hiệu chỉnh và ấn hành trở lại, đi kèm đó là hai cuộc trò chuyện xoay quanh câu chuyện dịch thuật và dịch Lolita được Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội (18-4) và TP.HCM (19-4) với diễn giả là An Lý (dịch giả đảm nhiệm phần hiệu chỉnh, biên tập Lolita bản in 2015) và dịch giả Ðinh Bá Anh.

Câu chuyện dịch thuật được An Lý và Ðinh Bá Anh trình bày ở đây như một trường hợp nghiên cứu (case study), và An Lý đã làm việc thật công phu với văn bản Lolita cả bản tiếng Anh nguyên tác, đối chiếu với các bản dịch sang nhiều thứ tiếng khác, và quan trọng hơn cả là đã khảo cứu khá kỹ về phong cách ngôn ngữ, những đóng góp của dịch giả Dương Tường cho bản dịch.

Tất nhiên, những lỗi sai ở bản dịch lần trước đã được tiếp thu và những “lỗi cơ học” (là lỗi người dịch hiểu nhầm hay hiểu sai nội dung một từ, một kết hợp từ hay một câu, hoặc hiểu sai ý chính của một đoạn văn - Ðinh Bá Anh) đã được chỉnh sửa đến hơn 95% - theo thông báo từ biên tập viên An Lý.

Tuy nhiên, điều đáng nói của câu chuyện dịch thuật ở đây không phải chỗ lỗi cơ học, mà khi đối diện với Lolita của Nabokov, người dịch phải đối diện với đầy đủ các khó khăn chung của vấn đề chuyển ngữ, ngoài ra còn đối diện với văn phong của tác giả Nabokov, cách chơi chữ của Nabokov, những liên kết văn bản ngầm...

Chơi chữ và “liên kết ngầm” trong văn phong Nabokov là vấn đề mà Ðinh Bá Anh trong một bài viết mới công bố cho rằng rất khó có ai dịch được, “có thể đến 80-90% những chỗ chơi chữ trong Lolita là không thể dịch hoặc không thể dịch hết ý. Bởi vậy ở đây cũng như ở liên kết ngầm, vấn đề là phải tìm ra một chiến lược thất bại cho đẹp”.

Ðinh Bá Anh cho rằng Dương Tường đã tiếp cận tác phẩm Lolita ở tổng thể, và ở đây ông có sự sáng tạo lớn, “ông đã đặt một cái khuôn rất khéo cho bản dịch”. Ðiều này rất quan trọng, nhất là với những tác phẩm nổi tiếng như Lolita.

Ông Ðinh Bá Anh trong bài viết của mình cũng nhấn mạnh rằng không thể có một bản dịch Lolita tiếng Việt để độc giả VN đọc và có cùng cảm nhận như độc giả Mỹ đọc bản gốc, dù có dịch theo cách nào.

“Những ấn tượng thẩm mỹ, những trình tự hình ảnh và liên tưởng, những sắc thái ngữ nghĩa... của bản gốc, tất cả sẽ bị xô lệch, biến dạng trong bản dịch, không có cách gì cứu vãn được”.

Ðể minh họa cho ý này, ông Bá Anh đưa ra hình ảnh Truyện Kiều để ví dụ về trường hợp: Lolita không phải là một cuốn sách khó đọc, độc giả Anh - Mỹ ai cũng có thể đọc nó (cũng như người VN ai cũng có thể đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du) nhưng hiểu kỹ và dịch nó thì lại là thách thức lớn với bất kỳ dịch giả nào.

Tại buổi tọa đàm ở TP.HCM sáng 19-4, ông Ðinh Bá Anh dẫn lại câu chuyện bản dịch Lolita ở Ðức năm 1959 do năm dịch giả đứng tên (trong đó có chính ông chủ xuất bản Rowohlt và hai nhà văn nổi tiếng) nhưng lại cũng gây tranh cãi về dịch thuật nhiều năm trời.

Trong khi An Lý cho rằng biên tập bản dịch Lolita của Dương Tường chỉ là làm phần việc tẩy bớt một vài vết nám, hay nốt sần trên mặt cô gái đẹp thì Ðinh Bá Anh so sánh việc nhìn thấy vết lỗi trên chiếc bình gốm dễ hơn rất nhiều so với làm ra chiếc bình ấy.

Cho nên câu chuyện dịch thuật không phải là phán quyết bản dịch nào hơn bản dịch nào, mà nên nhìn theo hướng bản dịch nào đã làm được gì và không làm được gì.

Ðời sống dịch thuật còn thiếu tầm và tâm

Dịch luôn là sai khác. Ai nói bản dịch của tôi đúng trăm phần trăm với bản gốc là nói sai. Mỗi bản dịch là một cách cảm nhận và sáng tạo của người dịch trong tiếng mẹ đẻ của mình từ một văn bản ở một ngôn ngữ khác.

Do đó mỗi tác phẩm dịch luôn là thành quả của hai người - tác giả và dịch giả. Khi nói đến sách nước ngoài, tên dịch giả luôn phải được nhắc kèm tên dịch giả là vì vậy. Hoàng tử bé của Saint - Exupéry từ tiếng Pháp sang tiếng Việt có hơn chục bản dịch, tất cả đều là Xanh Tếch (Saint - Exupéry), nhưng mỗi bản có một sự khác, đó là cái khác của mỗi dịch giả.

Nhìn từ góc độ này, bản dịch Lolita của Dương Tường là một sản phẩm đầu tiên trong nỗ lực đưa kiệt tác này của văn học thế giới đến VN. Còn những bàn cãi, tranh luận vừa qua quanh tiểu thuyết dịch Lolita của Nabokov - Dương Tường phản ánh một đời sống dịch thuật văn chương của ta còn thiếu tầm và thiếu tâm.

            Dch gi NGÂN XUYÊN

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên