Phóng to |
Bộ đôi Võ Văn An (phải) và Thi Quốc Vinh ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tay nghề thế giới tại Đức cuối tháng 6 - Ảnh: Hà Bình |
“Ai cũng có một lựa chọn, một lối đi cho riêng mình” - An bảo vậy khi nhìn lại chặng đường từ một học sinh trung bình ở phổ thông, đi học nghề và chuẩn bị bước ra sân chơi thế giới.
“Cho con đi từ từ”
Sáng 17-6, tại trung tâm cơ điện tử Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), An cùng đồng đội của mình - Thi Quốc Vinh - thực hành phối hợp đấu nối dây điện, lắp ráp mô hình... chuẩn bị cho kỳ thi. Bên cạnh họ, thạc sĩ Phạm Phú Thọ - chuyên gia cơ điện tử, tự động hóa của trường - bấm đồng hồ tính giờ sau khi hướng dẫn bài tập cho hai bạn.
"Tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mỗi người để chọn lối đi phù hợp. Tôi thấy mình không đủ khả năng vào đại học nên chọn học nghề..." |
Tranh thủ giải lao, An kể thi xong tốt nghiệp THPT năm 2010, bạn về nhà thưa với cha mẹ: “Cha mẹ ơi, bây giờ thi lên đại học - con không đủ sức chọi với cả trăm người. Cha mẹ thông cảm cho con đi từ từ...”. “Cái nào con thích thì tự chọn, cha không ép - cha đỡ đầu của An, ông Đặng Văn Chói, động viên con - Cha trao quyền tự quyết định cho con”.
Lúc ấy, trong khi bạn bè đi thi đại học, An nhờ người cậu ở TP.HCM tìm trường có đào tạo nghề điện đăng ký cho mình. “Hồi phổ thông tôi cũng tính sau này làm việc thiên về kỹ thuật - An bảo - Nhưng lúc đó mơ hồ lắm vì không được ai tư vấn, hướng dẫn. Chỉ biết đăng ký học đại...”. Cuối cùng, người cậu đăng ký cho An vào ngành điện công nghiệp Trường trung cấp nghề Kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương.
Tháng 9-2010, với kết quả tốt nghiệp THPT loại trung bình, An gói ghém vài bộ quần áo, khoác balô rời quê ở Vũng Liêm, Vĩnh Long lên Sài Gòn trọ học. Học điện công nghiệp được một học kỳ, An lại thích nghề cơ điện tử khi phát hiện “mô hình toàn bộ tự động hết rất thú vị”. Thế là An xin qua lớp cơ điện tử. Tiếp xúc mô hình tự động, lắp đặt hệ thống cơ điện tử An càng học càng say mê. Sáng đến trường, trưa An ở lại trường, chiều học tiếp, tối về nhà đọc thêm sách, tài liệu chuyên ngành và lên các diễn đàn học hỏi kinh nghiệm từ đàn anh đi trước... Cứ thế, kết quả học tập của An luôn đạt trung bình 8,0 và một số môn chuyên ngành đạt 9,0.
Đội tuyển “đặc biệt” Đội tuyển cơ điện tử đại diện Việt Nam thi tay nghề thế giới tại Đức năm nay có hai thành viên đặc biệt: một từng bỏ thi đại học và một thi trượt đại học. Cùng thi với An là thí sinh Thi Quốc Vinh, quê Lâm Đồng. Vinh kể năm 2009 thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Y dược TP.HCM nhưng không đủ điểm nên đăng ký “học đại” trường nghề để năm sau thi lại. “Hồi phổ thông tôi thích sau này làm kinh doanh cho nhẹ nhàng - Vinh nhớ lại - Nhưng tiếp xúc với nghề cơ điện tử, tôi say mê lúc nào không hay. Hiện tôi đang học thêm tại chức ở Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM để tích lũy thêm kiến thức cho công việc sau này”. |
“Tôi thấy ở An sự say mê học tập, tìm tòi những điều mới lạ - thạc sĩ Thọ nhận xét về cậu học trò của mình - Khi tôi hướng dẫn một vấn đề, An luôn hỏi, tìm hiểu chuyên sâu hơn. Khi thảo luận An cũng đưa ra những ý kiến rất hay...”.
Chinh phục những đỉnh cao
Việc học của An cứ thế tiến triển đến năm 2011, trường thông báo thi tuyển thí sinh đại diện trường đi thi tay nghề cấp thành phố. “Tôi đăng ký thi đại coi khả năng mình tới đâu” - An tâm sự. Kết quả, An và Vinh là hai học viên được chọn mang màu cờ sắc áo của trường đi thi giỏi nghề thành phố. Kết quả, hai bạn giành giải nhất. “Vui ghê lắm - An cười kể - Trước kia mình chỉ nghĩ đơn giản đi học kiếm cái nghề, ai ngờ đạt thành tích cao vậy”.
Sau khi đoạt giải nhất thành phố, bộ đôi An - Vinh tiếp tục dự thi tay nghề quốc gia ở Hà Nội. Và niềm vui một lần nữa lại đến khi bộ đôi này đoạt giải nhất quốc gia. Thành tích này đã đưa hai bạn đến hội thi tay nghề ASEAN tại Indonesia vào tháng 11-2012. Lần đầu ra nước ngoài, đại diện Việt Nam đi thi nên An và Vinh thấy khá áp lực, căng thẳng nhưng hai bạn đã cố gắng thi đấu thật tốt và đoạt huy chương bạc.
Kết quả ấy tiếp tục đưa An - Vinh đến với nước Đức từ ngày 26-6 đến 8-7-2013 để tranh tài cùng những thí sinh xuất sắc nhất của gần 40 quốc gia. “Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng - thầy Thọ nói về tình hình ôn luyện của đội - Đã được các chuyên gia Nhật Bản đến huấn luyện, tôi nghĩ hai em có thể yên tâm nằm trong top 10. Nhưng đội sẽ cố gắng hết sức để rút thứ hạng xuống trong tốp hai, ba...”.
Trước khi sang Đức dự thi, nhìn lại lựa chọn của mình trước đây An chiêm nghiệm: “Khi đi thực tập với nhiều anh chị sinh viên, tôi thấy anh chị nắm lý thuyết rất vững nhưng tay nghề chưa được va chạm nhiều. Ở nước ta, nếu doanh nghiệp coi trọng thực lực hơn bằng cấp thì học nghề sẽ là một lựa chọn tốt...”.
“Trước đây nhiều người coi thường cháu...” “Tui luôn để An tự chọn theo con đường của mình để cháu không áp lực. Sau này có gì cháu cũng không trách là cha mẹ ép con. Tui ít học nên không quan trọng lắm chuyện học nghề hay học đại học. Học gì cháu thích là được. Chỉ tội nghiệp khi cháu học phổ thông, rồi đi học nghề nhiều người coi thường cháu. Họ bảo: “Nó mà học hành cái gì...”. Lúc ấy tôi chỉ biết động viên cháu ráng phấn đấu, trước tiên vì bản thân con...” - ông Đặng Văn Chói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận