* (Nhân đọc bài “Thư gửi cô Dung” - bài dự thi Thầy tôi, Tuổi Trẻ ngày 4-11)
Trong tờ thông báo có số điện thoại. Tôi gọi và thật bất ngờ, người viết lời kêu gọi ấy là cô hiệu trưởng. Câu đầu tiên của cô là nhà trường “đuối lắm rồi” mới thông báo như thế. Cô cho biết cô chủ nhiệm lớp 2 cho tiền học phí, cô chủ nhiệm lớp 1 cũ nhận trách nhiệm đưa rước và cô bảo mẫu, chị bán căngtin cũng góp tí chút tiền ăn để lo cho cậu học trò nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt này. Gặp nhau, tôi bất ngờ khi một cô hiệu trưởng chạy xe phăm phăm vào hẻm hóc, dẫn tôi đến căn phòng trọ nghèo nàn của phụ huynh học sinh rồi kể về hoàn cảnh họ một cách rành rọt.
Có một điều gây ấn tượng đặc biệt cho tôi về ngôi trường này ấy là cứ mỗi sáng, khi đưa con đi học, tôi đều thấy cô hiệu trưởng đứng trước cổng trường đón học sinh. Nhiều lần như thế, tôi hỏi: “Có quy định là hiệu trưởng phải đứng đón học sinh tại cổng hả cô?”. Cô hiệu trưởng bật cười: “Đâu có quy định nào, thích thì vô sớm đón học trò tí cũng vui mà!”. Rồi cô kể: “Tâm lý con nít đơn giản lắm. Đầu tiên các em không có thói quen chào mình đâu. Lần thứ nhất mình chủ động: “Cô chào con!”, các em sẽ: “Con chào cô!”... cho đến lần thứ hai rồi lần thứ ba, chính các em sẽ cất tiếng “Con chào cô!” trước khi mình kịp chào. Giáo dục suy cho cùng nhiều lúc đơn giản như vậy thôi!”. Tôi giật mình về triết lý giáo dục “đơn giản” của cô hiệu trưởng. Đơn giản nhưng thật ra cũng không phải dễ làm, không phải ai cũng có thể tranh thủ vài mươi phút vào trước học sinh giữa cuộc sống bề bộn này.
Và, cũng đơn giản hơn nữa, ấy là khi cô đứng trước cổng trường nhìn thế giới trẻ con gần gũi lướt qua mắt mình, thì thế giới phụ huynh cũng sẽ gần hơn như thế. Cô biết có nhiều phụ huynh kẹt tiền trường, chưa đóng kịp nhưng để bước vào phòng hiệu trưởng xin khất sẽ ngại. Khi đưa con tới cổng trường, ba mẹ của trẻ nghèo chỉ cần mỉm cười chào một tiếng rồi nói nhỏ: “Cô à, tháng này kẹt quá, chắc đóng tiền cho cháu trễ chút nghen cô!”. Chuyện của cô hiệu trưởng này nhiều khi có chút têu tếu và tình cảm như thế, cũng như cái cách mà cô rất “đời” khi vui cười trên Facebook của mình với bạn bè, phụ huynh... Cuộc sống chỉ đôi khi bắt đầu bằng những việc làm rất nhỏ, mỗi sáng, trước cổng trường. Thời gian có thể đi qua, một đứa trẻ có thể trưởng thành nhanh qua ngôi trường tiểu học nhưng một tiếng “cô chào con!” và “con chào cô!” sẽ trở thành ký ức tốt đẹp nhất cho những thế hệ con người...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận