Phóng to |
Đoàn kiểm tra phát hiện dòng nước đỏ au và bốc khói từ nhà xưởng chảy ra mương thoát nước vệ sinh công ty dệt Thái Tuấn - Ảnh: N.Triều |
Giải trình với cảnh sát môi trường, một phó tổng giám đốc của công ty cho rằng dòng nước đỏ au, bốc khói nghi ngút chảy theo mương hở hòa vào kênh Tham Lương chỉ là nước giải nhiệt và súc rửa máy móc. Nội dung giải trình thoạt nghe hợp lý, vì con mương này được nhà máy xác định là mương thoát nước giải nhiệt và vệ sinh nhà xưởng.
Còn nước thải trực tiếp từ sản xuất đã có hệ thống thu gom và xử lý công suất 300m3/ngày đêm nằm ngay đó. Song về tính hợp pháp thì chính vị phó tổng giám đốc cũng thừa nhận “lẽ ra nước súc rửa máy móc, vệ sinh nhà xưởng cũng phải thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường”.
Trao đổi qua điện thoại, ông Thái Tuấn Chí - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty - cho biết hơi bất ngờ và do đang đi công tác nên chưa được báo cáo chi tiết vụ việc. Nhưng ông khẳng định quan điểm là hoạt động của doanh nghiệp không chỉ hướng tới lợi nhuận mà còn phải đảm bảo quyền lợi của cộng đồng và quan tâm bảo vệ môi trường.
Mức độ vi phạm của Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn đến đâu sẽ được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, câu chuyện các doanh nghiệp bị “thổi còi” vì không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường không phải bây giờ mới có. Những công ty như Vedan (Đồng Nai), Hào Dương (TP.HCM), Tung Kuang (Hải Dương)... dường như chưa thể cảnh tỉnh để các doanh nghiệp tự soi lại mình, đối chiếu với quy định của pháp luật để điều chỉnh, khắc phục những sai phạm trước khi “bị lộ”.
Vì thế những vụ việc như Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (Đồng Nai), những doanh nghiệp ở Củ Chi (TP.HCM) mà Tuổi Trẻ thông tin mấy ngày qua, và mới nhất là Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn vẫn liên tục xảy ra. Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), vi phạm về môi trường đang trở thành một hiện tượng phổ biến (Tuổi Trẻ ngày 2-8), gần như kiểm tra đến đâu là phát hiện vi phạm đến đó.
Khi bị phát hiện sai phạm, hầu hết các chủ doanh nghiệp thường đổ lỗi do không nắm hết các quy định pháp luật, do cấp dưới làm trái, thậm chí đổ lỗi do sự cố khách quan. Đành rằng từng có một thời gian dài vì ưu tiên phát triển kinh tế mà vấn đề môi trường chưa được xem xét đúng tầm mức nên chuyện các cơ sở sản xuất xả thải ra sao, bằng ống nổi hay ống chìm cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Ngày nay, khi vấn đề môi trường đã trở thành một trong các yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội mỗi quốc gia thì việc đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên bàn cân được - mất, việc siết chặt các quy định pháp lý là đòi hỏi tất yếu. Hơn ai hết, chủ doanh nghiệp phải tự cập nhật và tuân thủ các quy định liên quan, chứ không thể bảo rằng không biết để thoái thác trách nhiệm.
Có thể là muộn với những doanh nghiệp đã “chẳng may bị lộ” một khi bị phát hiện vi phạm các quy định pháp luật về môi trường. Nhưng sự “muộn” của doanh nghiệp này cũng là bài học cảnh tỉnh những doanh nghiệp khác “chưa bị lộ”. Vì thế các doanh nghiệp đừng chần chừ, hãy tự soi xét lại mình, nếu đã có thời đặt môi trường sau lợi nhuận thì nay nên có những điều chỉnh. Trước mắt là thể hiện sự thượng tôn pháp luật, giữ uy tín, thương hiệu với khách hàng, với đối tác và trên hết là để chung tay bảo vệ môi trường cho chính mình và con cháu mai sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận