Phiên chào bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng của BSR dự kiến diễn ra ngày 17-1-2018. Ảnh: BSR
Thông tin này được lãnh đạo Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa ra tại buổi trao đổi với báo chí hôm 14-12.
Với giá trị vốn hóa trên thị trường lên đến 3,2 tỉ USD, BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Dự kiến vào ngày 17-1-2018 tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), BSR sẽ bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO) 7,79% vốn điều lệ, tương đương 242 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần.
Lý giải về tỉ lệ này, ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng giám đốc BSR, cho biết BSR là đơn vị lớn khi có vốn điều lệ 31.000 tỷ, nên cứ 1% vốn được bán ra sẽ tương đương 25 triệu USD (500 tỉ đồng).
Việc nâng tỉ lệ thoái vốn được dựa trên những đánh giá về dòng tiền của thị trường đang tốt lên.
"Nếu tung lượng hàng quá nhiều sẽ thành hàng ế, mất giá, nên chúng tôi tính toán chắc chắn về khả năng hấp thụ thị trường. Con số gần 8% IPO được đánh giá là giá trị tối ưu, còn mục tiêu của doanh nghiệp bán được 49% cho nhà đầu tư chiến lược mới quan trọng", ông Nguyên nói.
11 tháng đầu năm, doanh thu BSR đạt 71.900 tỉ đồng, vượt 15,8% so với kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước 9.060 tỉ đồng, vượt 2.000 tỉ đồng (26,3%) so với kế hoạch.
Các chỉ số tài chính của BSR đều ở mức cao.
Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%; tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56% và tỉ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%.
Dự kiến, lợi nhuận năm 2018 của BSR sẽ đạt khoảng 3.500 tỉ đồng.
Theo ông Nguyên, đợt IPO này sẽ thu về cho Nhà nước khoảng 4.000 tỉ đồng. Giai đoạn tiếp theo, BSR sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%, thu về cho Nhà nước thêm gần 1 tỉ USD.
Với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu, theo ông Nguyên, nhà đầu tư "chưa mua đã có lãi ngay", lý do là BSR lên sàn "sẽ nằm trong top 30 doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất".
Cuối tuần này, theo ông Nguyên, BSR sẽ gửi bản cáo bạch tới nhà đầu tư có chi tiết kế hoạch doanh thu, lợi nhuận các năm tiếp theo, với tỉ lệ chia cổ tức 7% bằng tiền mặt.
Trước đó, sau khi gửi thư mời tới quan tâm tới các nhà đầu tư, BSR đã làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn muốn tham gia làm đối tác chiến lược.
Trong số đó, có hai công ty nước ngoài kinh doanh lĩnh vực hóa dầu định mua tối đa cổ phần cho phép (ở mức 49%), gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).
Bên cạnh các đối tác nước ngoài, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng mong muốn trở thành đối tác chiến lược thông qua việc mua cổ phần của BSR, và ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch BSR, cho biết hai bên Petrolimex và BSR đã có tính toán chiến lược hợp tác.
Điều đó có nghĩa là với việc Petrolimex sẽ mua cổ phần chiến lược của BSR trong tương lai gần và tới đây sẽ có những buổi làm việc cụ thể về việc mua cổ phần, tỉ lệ và các điều kiện ràng buộc.
Lãnh đạo BSR cho biết toàn bộ số tiền thu được từ IPO sẽ được nộp về ngân sách nhà nước.
Kế hoạch nâng cấp mở rộng cũng đang được triển khai, công ty đang thu xếp vốn và thực hiện ký hợp đồng EPC.
Theo phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn dầu khí Việt Nam sẽ nắm giữ 1,3 tỉ cổ phần, chiếm chiếm 43% vốn điều lệ của BSR.
Số lượng cổ phần ưu đãi bán cho người lao động trong doanh nghiệp là 6 triệu cổ phần, chiếm 0,21%.
Sẽ có 241,5 triệu cổ phần được bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ.
Trong khi đó 1,51 tỉ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ của BSR.
Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận