23/07/2010 08:12 GMT+7

Loay hoay thay đổi viện phí

PHẠM LƯƠNG SƠN (trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội VN) LAN ANH ghi
PHẠM LƯƠNG SƠN (trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội VN) LAN ANH ghi

TT - Điều chỉnh viện phí lẽ ra trước tiên phải thành lập nhóm tính toán, có đủ thành phần bộ, ngành chức năng như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội VN.

Đề xuất tăng giá 350 dịch vụ y tế: Có dịch vụ tăng 70 lầnTăng viện phí: ảnh hưởng đến 33 triệu dânKhi viện phí tăng gấp 10...

Bên cạnh đó, phải xây dựng được một cơ cấu tính giá thành để xác định giá viện phí chi tiết đầy đủ, bao gồm định phí là khấu hao tài sản, nhà cửa (phần định phí này hiện vẫn do ngân sách nhà nước chi trả) và biến phí là tiền thuốc, vật tư tiêu hao, một phần chi thường xuyên như chi điện, nước, chi duy tu bảo dưỡng thiết bị... Từ những chi tiết này mới có phương án tính viện phí.

Tuy nhiên, quy trình xây dựng viện phí mới của Bộ Y tế vừa qua là quy trình ngược, chủ yếu là tập hợp, thống kê từ giá các bệnh viện gửi lên. Các bệnh viện gửi giá lên lẽ ra phải gửi kèm cơ cấu tính giá. Từ cơ cấu này, nhóm thẩm định mới có cơ sở để xác định tính hợp lý.

Trong viện phí có ba nhóm chính là tiền khám bệnh, tiền ngày giường và các dịch vụ kỹ thuật. Phần liên quan đến các dịch vụ kỹ thuật, rất cần thiết phải có cơ cấu chi phí, trong đó có yêu cầu cơ cấu của mỗi vùng, miền khác nhau, không thể lấy cơ cấu của bệnh viện trung ương đánh đồng với cơ cấu của bệnh viện tỉnh còn nghèo hoặc huyện vùng sâu vùng xa.

Trong những ngày vừa qua, báo chí đã tạo áp lực xã hội để liên bộ Y tế - Tài chính đưa ra quyết định thực hiện lại từ đầu quy trình tính viện phí mới. Đổi mới viện phí vì mức giá hiện tại đã không phù hợp, nhưng đổi mới như thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của hàng chục triệu người bệnh, đặc biệt là quyền lợi của gần 40% người dân chưa có thẻ bảo hiểm y tế là yêu cầu rất quan trọng.

Theo tôi, xây dựng viện phí lần này chỉ nên đưa ra một mức giá trần, không nên đưa giá tối thiểu và tối đa sẽ khó cho các địa phương khi phê duyệt giá. Các chuyên gia thẩm định cũng cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở dữ liệu điều trị, số liệu ngày giường bình quân, cơ cấu chi phí, tác động của viện phí đến quỹ bảo hiểm y tế... Bên cạnh đó phải có mức giá theo hạng bệnh viện, cung cấp dịch vụ y tế mức độ khác nhau thì tính giá cũng phải khác nhau.

Trong biểu giá dự kiến đã được Bộ Y tế gửi lấy ý kiến, mức giá nhiều dịch vụ khá cao, thậm chí cao hơn giá dịch vụ bệnh viện tư nhân, trong khi tính viện phí lần này vẫn là thu một phần viện phí, vẫn chưa phải là “tính đúng tính đủ”, mà cơ sở y tế tư nhân thì phương án tính giá luôn là tính đúng tính đủ!

Viện phí liên quan đến đời sống của toàn thể người dân, vì thế điều chỉnh phải có nguyên tắc, như có quy trình xây dựng viện phí, trong đó cơ sở điều trị chủ động đưa ra mức giá của bệnh viện, tập hợp với yếu tố vùng miền để đưa ra cơ chế chuẩn.

Theo tôi, mức giá dịch vụ y tế hợp lý là mức giá đảm bảo bệnh viện thu hồi được chi phí bỏ ra để cung cấp dịch vụ, trong đó có phần do ngân sách nhà nước cấp và phần viện phí do người dân chi trả. Có đảm bảo nguyên tắc này, cùng với lộ trình cải thiện chất lượng dịch vụ mới thuyết phục được người dân chi trả mức viện phí mới.

PHẠM LƯƠNG SƠN (trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội VN) LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên