Tràn lan phân bón giảPhân bón dỏm biến thành “xịn”
Phóng to |
Phân bón giả làm từ bột đá, hóa chất nhuộm màu bị quản lý thị trường TP.HCM thu giữ - Ảnh: Lê Sơn |
Dễ làm, lợi nhuận cao trong khi mức xử phạt quá nhẹ nếu bị phát hiện... chính là những điều kiện để các cơ sở phân bón kém chất lượng, phân bón giả nở rộ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo “Thực trạng thị trường phân bón” do Trung ương Hội Phân bón VN (FAV) và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an tổ chức tại TP.HCM ngày 20-9.
Bán đất, nước lã... lấy tiền
Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón và Cục Trồng trọt, hiện có gần 3.000 loại phân hữu cơ khác nhau đang lưu hành trên thị trường. Riêng sản phẩm phân bón lá có đến 400 công ty tham gia sản xuất và cho ra đời hơn 3.000 sản phẩm các loại. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hạc Thúy - tổng thư ký FAV - bức xúc cho biết: “Tình trạng phân bón giả, nhái nhãn mác, kém chất lượng bùng phát như hoa nở mùa xuân!”. Theo thống kê chưa đầy đủ của FAV, có hơn 100 cơ sở, tổ hợp cùng khoảng 30 công ty tổ chức sản xuất phân bón giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng để kiếm lợi, lừa người dân trên 40 tỉnh thành cả nước.
Những loại phân bón này ngoài bao bì ghi NPK: 16, 18, 8, 13 với tổng hàm lượng dinh dưỡng 53%, tuy nhiên kết quả kiểm định thực tế tổng lượng dinh dưỡng chưa đầy... 3%! Nhiều loại phân bón mang mác nhập khẩu đẳng cấp quốc tế nhưng khi bị thu giữ, cơ quan kiểm định các loại phân bón này toàn là bột đá, đất sét, bột cao lanh... Hàm lượng dinh dưỡng tương đương loại... đất tốt!
Hay một số đơn vị lấy vài thìa phân urê pha vào can 5 lít nước và bán với giá 50.000 đồng/can nhưng tuyên truyền cho nông dân là urê nước đậm đặc, vừa tốt đất vừa chống hạn ở vùng Tây nguyên, Phú Yên, Yên Bái... “Việc này chẳng khác nào lấy đất chỗ này xúc lên bán chỗ khác, bán nước lã kiếm lời” - ông Thúy bức xúc.
Theo ông Thúy, phân bón giả rất dễ làm, giống như xúc đất bỏ vào bao bì in ấn bắt mắt là được. Hiện nay, việc kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng được công khai với những cuộc hội thảo được tổ chức hoành tráng để lừa người dân. Điển hình là vụ Công ty Thabico (Tây Ninh) tổ chức hội thảo về cách sử dụng và giới thiệu sản phẩm phân bón ưu việt của công ty cho bà con nông dân huyện Cư Jut (Đắk Lắk).
Để tạo niềm tin, công ty biếu mỗi bà con túi mẫu phân bón dùng thử. Hơn 100 tấn phân bón được tiêu thụ khi sản phẩm dùng thử có hiệu quả. Tuy nhiên, khi người dân mua về sử dụng thật cho cây cà phê, bắp thì cây trồng rụng lá, chết hàng loạt! Tương tự, một công ty phân bón tại TP.HCM mời gọi bà con nông dân đến dự hội thảo tại quán cà phê sang trọng ở Tiền Giang để quảng bá sản phẩm phân bón đặc hiệu. Nông dân hào hứng mua về bón cho hoa nhưng hậu quả hơn 5.200 giỏ hoa, kiểng bị chết.
Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương, cho biết tình trạng vi phạm phân bón giả, kém chất lượng có sự góp mặt của đa dạng các đối tượng từ cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh, phân phối cũng như những đối tượng nhỏ lẻ. Đặc biệt, những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cũng chủ động tham gia mua tích trữ, sản xuất phân bón giả để bán cho người dân xung quanh do việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng. Chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2013, đơn vị phát hiện 258 vụ vi phạm, tịch thu trên 700 tấn phân bón giả, kém chất lượng.
Lỏng lẻo với phân bón giả, chặt chẽ với sản phẩm thật
Theo các nhà sản xuất và kinh doanh phân bón, tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng xảy ra tràn lan nhiều năm qua với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn là do khung pháp lý hiện tại quá yếu. Các văn bản quản lý hiện tại lại gây khó khăn cho doanh nghiệp làm đúng luật khi muốn đưa loại phân bón mới ra thị trường. Theo bà Nguyễn Kim Liên - cục phó Cục Hóa chất (Bộ Công thương), doanh nghiệp phải trải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau như giấy phép, khảo nghiệm, nghiệm thu... và tốn ít nhất hai năm mới có thể đưa một loại phân bón mới ra thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp làm phân bón giả, kém chất lượng chỉ cần vài trăm triệu đồng là có thể làm hàng chục loại phân bón giả với đủ loại nhãn mác để đưa ra thị trường. Cơ quan quản lý làm không xuể, còn nếu bị bắt thì chỉ xử phạt hành chính với mức phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận khủng từ phân bón giả đem lại.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, giám đốc Công ty phân bón miền Nam, cho biết: “Chỉ cần vài trăm triệu là có thể cho ra đời công ty phân bón. Có những công ty xưởng sản xuất chưa đầy 1ha nhưng sản xuất gần chục loại phân bón. Trên bao bì ghi rõ sản xuất theo công nghệ Mỹ, Nhật nhưng làm gì có hợp đồng chuyển giao công nghệ, thậm chí công nhân không được huấn luyện nghiệp vụ, máy móc công nghệ chỉ cần máy trộn... bêtông là đủ” - ông Đạt bức xúc.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công thương, thừa nhận việc kiểm soát phân bón giả còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa trong khi “cán bộ thị trường còn làm nhiều việc khác chứ không chỉ có quản lý phân bón”. Theo các đại biểu, việc ban hành một văn bản pháp lý mới phù hợp với tình hình sản xuất và kinh doanh phân bón tại VN cũng như có đủ tính răn đe những doanh nghiệp gian dối là điều rất cần thiết.
Bà Nguyễn Kim Liên cho biết theo nghị định mới thì sản xuất và kinh doanh phân bón sẽ là ngành có điều kiện. Tổ chức, cá nhân chỉ được hoạt động sản xuất phân bón sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất phân bón. Muốn có giấy này phải đáp ứng các điều kiện: đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng...
Hơn nữa, phân bón sẽ là sản phẩm được quản lý theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa nên tính chất răn đe sẽ cao hơn. “Qua điều kiện mới này thì có một nửa doanh nghiệp nhỏ lẻ bị loại vì không đủ điều kiện, cụ thể là từ trên 1.000 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ giảm còn 300-400 đơn vị và trên 500 cơ sở sản xuất phân vô cơ đang tồn tại sẽ chỉ còn 200-300 đơn vị” - bà Liên nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận