Nhiều loại dược liệu được rao bán tràn lan có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/kg, nhưng lại mập mờ về nguồn gốc và công dụng. Thực hư ra sao?
Cam kết trị được bách bệnh?
Tháng 2-2023, ông N.N.L. (80 tuổi, Đồng Nai) được phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, vì sức khỏe quá yếu không thể tiếp tục điều trị tại bệnh viện nên gia đình đã xin về nhà. Trong thời gian dưỡng bệnh tại nhà, ông được nhiều người xung quanh mách bảo về bài thuốc sử dụng hoa đu đủ đực ngâm với mật ong chữa ung thư phổi rất hiệu quả.
Có bệnh vái tứ phương, chị P.H. (47 tuổi, người nhà ông L.) đã tìm hoa đu đủ đực ở nhiều nơi ngâm mật ong để chữa ung thư phổi.
"Do nhà không trồng được hoa đu đủ đực nên tôi phải dò kiếm ở nhiều nơi trên các trang mạng. Tuy nhiên, nhiều nơi bán giá cả rất mập mờ, giới thiệu là hoa đu đủ phơi khô nhưng cũng không dám chắc có phải không. Nhiều người hét giá lên đến vài trăm ngàn đồng, mặc dù không biết có chữa được ung thư thật hay không nhưng còn nước còn tát tôi đành nhắm mắt mua đại, mua bán bằng sự tin tưởng", chị H. kể.
Công dụng của hoa đu đủ đực chưa biết thế nào nhưng thông tin lan truyền ghi rằng đây là "thần dược" trị ung thư. Đồng thời, nhiều tài khoản quảng cáo còn khẳng định hoa đu đủ đực có thể trị được ung thư phổi, gan, tuyến tiền liệt, dạ dày...
Tài khoản Facebook L.N. rao bán hoa đu đủ đực với quảng cáo "khắc tinh của ung thư", giao hàng toàn quốc. Người này rao giá bán 450.000 đồng/kg hoa đu đủ đực khô, ngoài ra còn có thêm tam thất cũng có công dụng chữa ung thư khoảng 1 triệu đồng/kg. L.N. khuyên có thể sắc nước uống trực tiếp hoặc ngâm với mật ong để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Khi thắc mắc về việc hoa đu đủ đực có thực sự chữa được ung thư, người này cho hay: "Cũng chỉ biết lấy về bán, thấy nhiều người uống chữa ung thư, có bệnh thì vái tứ phương".
Chưa đủ bằng chứng khoa học
TS Nguyễn Thành Triết - phó trưởng bộ môn dược học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết trong thời gian gần đây, rất nhiều thông tin cho rằng lá và hoa đu đủ, đặc biệt là hoa đu đủ được xem là một thần dược có tác dụng chữa nhiều loại ung thư khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh việc sử dụng lá và hoa đu đủ đực trong phòng bệnh, điều trị ung thư.
Việc ngâm hoa đu đủ đực với mật ong uống điều trị ho, viêm phế quản, hen, hiện nay cũng chưa có nghiên cứu có thể khẳng định. Tuy nhiên các hợp chất trong hoa đu đủ đực cho thấy rất giàu các hợp chất flavonoid như kaempferol, quercetin, quercitrin... hợp chất này từ lâu đã được chứng minh các tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa.
Trong khi mật ong theo y học cổ truyền là một dược liệu có tác dụng bổ dưỡng, kháng viêm, nâng cao miễn dịch, chữa ho rất tốt. Sự kết hợp này có thể là cơ sở cho việc sử dụng bài thuốc này với các tác dụng trị ho, viêm phế quản...
Bị nâng giá cao dù chưa được công nhận
Còn theo bác sĩ Đoàn Hữu Nghị - nguyên phó giám đốc Bệnh viện K, phó chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội - các bài thuốc, dược liệu với lời "quảng cáo" điều trị ung thư được xếp vào nhóm phương pháp điều trị ung thư chưa được công nhận.
Hiện có rất nhiều dược liệu được sử dụng như hoa đu đủ đực, hoàng cung trinh nữ, xạ đen... một số người ca ngợi có tác dụng điều trị ung thư nhưng chưa được khoa học chứng minh về hiệu quả điều trị.
"Bản thân tôi đã đi phỏng vấn, tìm hiểu rất nhiều gia đình nói là chữa khỏi ung thư nhờ thuốc này, thuốc kia. Tuy nhiên, tôi thấy không ổn, không có bằng chứng khoa học.
Ung thư là bệnh mãn tính, sau điều trị vẫn phải duy trì thăm khám định kỳ. Một số người có thể trong quá trình điều trị có sử dụng thêm các bài thuốc, sau đó bệnh thuyên giảm, ổn định thì cho rằng bài thuốc đó điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, không có cơ sở khoa học", bác sĩ Nghị cho hay.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nghị cũng khuyến cáo đối với bệnh nhân ung thư cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng các nhóm thuốc, thực phẩm dinh dưỡng.
"Một trường hợp bệnh nhi ung thư được gia đình bồi bổ rất nhiều thực phẩm, ăn nhiều trứng vịt lộn để hồi phục sức khỏe. Thế nhưng, chẳng những sức khỏe không tốt lên mà còn khiến khối u phát triển nhanh hơn. Vì vậy, đối với bệnh nhân ung thư cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng cũng như phác đồ điều trị của bác sĩ có chuyên môn", bác sĩ Nghị nói.
TS Nguyễn Thành Triết cho biết hiện nay độc tính của lá và hoa đu đủ chưa được đánh giá đầy đủ, do đó có thể sử dụng chúng như trà uống thông thường nhưng cần phải chú ý liều lượng.
Có thể sử dụng theo liều thông thường khoảng 4-12 g/ngày trong một khoảng thời gian nhất định (không uống thay nước), cần thận trọng với một số đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai và người bị loét dạ dày.
Khi sử dụng cho mục đích điều trị hay hỗ trợ điều trị bệnh thì đều cần phải hỏi ý kiến của chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền để có cách sử dụng phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận