18/03/2020 10:08 GMT+7

Loài khủng long chỉ bằng con chim ruồi, nhỏ nhất thế giới

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Khi nghiên cứu mẩu hổ phách kỳ lạ có tuổi đời 99 triệu năm, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện vết tích loài nhỏ nhất trong gia đình khủng long.

Loài khủng long chỉ bằng con chim ruồi, nhỏ nhất thế giới - Ảnh 1.

Loài khủng long nhỏ nhất được mô phỏng trên máy tính - Ảnh: AFP

Theo Nature, mẩu hổ phách vừa được nhóm nghiên cứu tìm thấy ở miền bắc Myanmar có niên đại khoảng 99 triệu năm. Quan sát kỹ, nhóm nhận ra một mẩu hộp sọ nhỏ. 

Hộp sọ dài khoảng 1,27cm, được xác định là của loài Oculudentavis khaungraae, hiện đang giữ kỷ lục là loài khủng long nhỏ nhất từng được ghi nhận.

Khi sử dụng phần mềm máy tính phác họa hình dáng dựa trên số liệu và tỉ lệ sẵn có, nhóm ước tính con khủng long từ mẩu hổ phách dài khoảng 5cm và nặng khoảng 28g ngoài thực tế. Kích thước này gần tương đương với chim ruồi.

Ngoài ra, hổ phách trên cũng để lại một số dấu vết cho thấy Oculudentavis khaungraae trước đây có rất nhiều răng, khoảng 100 cái, đồng thời sở hữu đôi mắt giống thằn lằn.

Nhóm nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật học có xương sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) lý giải hàm răng nhiều chiếc giúp chúng linh hoạt khi tìm kiếm thức ăn cũng như giúp đa dạng loại thức ăn từ côn trùng đến những động vật có xương sống cỡ nhỏ.

Trong khi đó, đôi mắt đặt trong một hốc lớn điều tiết ánh sáng hiệu quả, cho thấy chúng khá linh hoạt ban ngày.

Loài khủng long chỉ bằng con chim ruồi, nhỏ nhất thế giới - Ảnh 2.

Mẩu hổ phách 99 triệu năm tuổi vừa được phát hiện - Ảnh: AFP

GS Jingmai O'Connor - Viện Cổ sinh vật học có xương sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - rất bất ngờ với khám phá của nhóm mình.

"Lần đầu tiên tôi thấy một hộp sọ từ thời đại Trung sinh (251 triệu - 65 triệu năm trước) được giữ gần như nguyên vẹn trong hổ phách", GS O'Connor nói, thêm rằng thông thường hổ phách phần nhiều giữ lại thông tin các loài côn trùng, còn động vật có xương sống, đặc biệt là hộp sọ, rất hiếm.

GS O'Connor cũng cho biết phát hiện này cho thêm bằng chứng về quá trình tiến hóa trong sinh vật. Những loài bò sát có cánh như Oculudentavis khaungraae phát triển thành các loài chim lông vũ khoảng 150 triệu năm trước.

Trong khi đó GS Roger Benson - nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Oxford (Anh), người không tham gia nhóm nghiên cứu - cho rằng từ hổ phách trên có thể thấy xu hướng động vật thời đại bấy giờ là thu nhỏ kích thước để dễ thích nghi hơn với những thay đổi khắt nghiệt của Trái Đất.

"Luôn có mối liên kết chặt chẽ giữa môi trường sống và sự tiến hóa các loài. Với Oculudentavis khaungraae và những loài động vật cổ đại cỡ nhỏ khác, chắc chắn vẫn còn nhiều bí ẩn thú vị bên trong các mẩu hổ phách", GS Benson nói.

Thông khủng long quý thế nào mà Úc phải mở Thông khủng long quý thế nào mà Úc phải mở 'chiến dịch' giải cứu?

TTO - Bộ trưởng Năng lượng và môi trường Úc cho biết việc cứu những cây thông khủng long tựa như một chiến dịch quân sự, nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa từng có.

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên