28/06/2016 17:02 GMT+7

Lỡ yêu nhiếp ảnh, lụy anh bung chài

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Giới nhiếp ảnh kháo nhau rằng nếu muốn chụp ảnh quăng lưới chài trên sông thì chài Huế là đẹp nhất, vì vậy nhiều nhiếp ảnh gia đến Huế “lụy” anh quăng chài!

Bức ảnh chài Huế và "tâm sự"  của Nguyễn Trực trên mạng

Trên trang Facebook cá nhân, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trực vừa “lần đầu tiên tâm sự” một chuyện nghề.

Anh và nhiếp ảnh gia Trương Vững ở Huế có đưa một đoàn nhiếp ảnh ở Hà Nội và Quảng Bình đến sông Hương chụp ảnh ngư dân quăng chài. Đang chụp ảnh thì người ngư dân phát hiện anh cũng lấy máy ra chụp, nên ngừng quăng chài và đòi thêm tiền vì thỏa thuận ban đầu là tiền công tính trên đầu người.

Nghĩ rằng “làm hướng dẫn đưa anh em đi chụp mà mình không mở máy ra là không được”, nhưng nếu mở máy thì bị “vòi” thêm tiền, Nguyễn Trực bất bình tuyên bố đây là lần cuối anh đi chụp ảnh quăng chài như vậy.

"Thấy người khác chụp đẹp, anh em cũng muốn chụp"

 

Ngày hi vọng - tác phẩm của Trương Vững
Ngày hi vọng - tác phẩm của Trương Vững

Nhiếp ảnh gia Trương Vững cũng xác nhận hơn chục năm nay anh hay thuê những ngư dân quăng chài để các đoàn chụp ảnh sáng tác. Giá thuê khoảng 500.000 đồng cho một buổi chụp khoảng ba đến năm người, nếu số người đông thì có thể tăng thêm hai ba trăm ngàn nữa.

“Nhưng giờ đây anh em nhiếp ảnh cũng nhiều người có tiền, và cả những người tổ chức tour du lịch nhiếp ảnh sẵn sàng trả giá cao, rồi còn dẫn người quăng chài đi ăn nhậu… nên họ mới so sánh rồi làm giá” - Trương Vững cho biết.

Đáp lại tâm sự của Nguyễn Trực, trên mạng có những ý kiến cho rằng “tiền nào của đó”, muốn chụp một bức ảnh đẹp là phải chịu “đầu tư” thôi.

Hơn nữa, nhiếp ảnh gia Vũ Huyến cho rằng cứ thấy ảnh quăng chài đẹp, ăn giải mà ai cũng kéo nhau đi chụp chính là “căn bệnh” lối mòn trong sáng tác của nhiếp ảnh Việt. Vũ Huyến đặt câu hỏi: “Ảnh quăng chài, (đồi cát) mũi Né Phan Thiết, vịnh Hạ Long, đàn vịt, ruộng bậc thang, hoa lộc vừng, hoa tam giác mạch, hoa súng hoa sen, bà già nhăn nheo, công an dẫn bà cụ qua đường, phố Phan Đình Phùng…nên bình luận gì đây?”.

Chia sẻ thêm điều này, nhiếp ảnh gia Hữu Thành từ Phan Thiết cũng cảm thán: “Ở đây cũng vậy, nhiều người thấy chụp hình chèo thúng có giải thì ai cũng tìm tới chụp. Một hình ảnh rất sai thực tế là họ cho người chèo thúng đội nón lá, tôi nói hoài, nhưng họ vẫn chụp y nguyên!”.

Trước những ý kiến đó, Trương Vững cũng “phân trần”: “Thực ra anh em chụp ảnh quăng chài cũng không phải để thi thố, hùa theo gì cả. Thấy người khác chụp đẹp thì anh em cũng muốn chụp, xem như một trải nghiệm mà thôi”.

"Phá giá' hay trân trọng sức lao động của "người mẫu"?

 

Tung chài trên sông Huế - tác phẩm của Trần Hoàng Hải
Tung chài trên sông Huế - tác phẩm của Trần Hoàng Hải

Một tranh cãi nữa là chuyện “phá giá”. Giờ đây, có những tour nhiếp ảnh sẵn sàng trả cho người quăng chài từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng, tùy số lượng người chụp, vì vậy cái giá 500 đồng mỗi lần thuê như trước đây liền bị “đặt vấn đề”.

Chuyện này tương tự chuyện các cụ bà người Tây Nguyên ở Bảo Lộc. Nhiếp ảnh gia Phạm Bình từng tâm sự rằng chính những đoàn nhiếp ảnh gia ở Sài Gòn, Hà Nội hào phóng trả giá cao khiến những đoàn chụp sau cảm thấy khó khăn khi trả giá với các bà.

Một nhiếp ảnh gia chuyên tổ chức tour lại có quan điểm khác: “Tôi thấy các nhiếp ảnh gia ở ta trước giờ nếu chụp được tấm ảnh đẹp, đoạt giải gì đó thì không thấy nhắc đến người mẫu. Trong khi chúng tôi trân trọng sức lao động của người ngư dân, trả giá xứng đáng cho họ thì bị cho là phá giá. Tôi nghĩ như vậy không công bằng!”.

Một bức ảnh chài Huế của Nguyễn Vũ Phước
Một bức ảnh chài Huế của Nguyễn Vũ Phước

Giờ đây, nếu đi chụp người nông dân leo thốt nốt ở An Giang, đi cào sịp ở Bạc Liêu, đi chèo thuyền trên hồ cao nguyên… tất cả đều phải thuê "người mẫu". Trong giới nhiếp ảnh gia thì cũng người giàu, kẻ khó, lại không có “hiệp đoàn” thống nhất giá cả, nên những tranh cãi về nỗi khổ bị “phá giá” lâu lâu lại diễn ra.

“Thực ra người ngư dân có thêm nhiều tiền cũng tốt thôi, cũng mừng cho họ. Nhưng anh em nhiếp ảnh người có tiền, người cũng khổ. Phải tìm ra một cái giá hợp lý để anh em cùng chơi chứ!” - Trương Vững “tâm tư” như vậy.

Với câu chuyện chài Huế, không như Nguyễn Trực tuyên bố bỏ chụp ảnh quăng chài, Trương Vững cho biết anh vẫn tìm những người ngư dân khác để thỏa thuận giá cả với họ. Đó cũng là một cách để các nhiếp ảnh gia đeo đuổi tình yêu với nhiếp ảnh mà không lụy "người mẫu".

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên