23/12/2015 10:40 GMT+7

Lô trà lợn cợn: Hội BVQLNTD Cần Thơ chưa tròn trách nhiệm

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Theo các luật sư, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Cần Thơ đòi hóa đơn, không tiếp nhận khiếu nại của anh Ngoan về các chai trà Dr. Thanh có lợn cợn là chưa làm tròn trách nhiệm của hội.

Anh Nguyễn Văn Ngoan 

Câu chuyện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Cần Thơ từ chối tiếp nhận khiếu nại của anh Nguyễn Văn Ngoan (ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) về các chai trà thảo mộc Dr. Thanh có vật lợn cợn với lý do anh Ngoan không có hóa đơn đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuổi Trẻ đã trao đổi với các luật sư liên quan việc từ chối, không tiếp nhận khiếu nại của anh Ngoan của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Cần Thơ.

Đòi hỏi hóa đơn mua lô trà là phi lý

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức - Văn phòng luật sư Vạn Lý, TP Cần Thơ, việc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Cần Thơ lấy lý do anh Ngoan không có hóa đơn mua lô trà Dr. Thanh có vật lợn cợn để từ chối tiếp nhận khiếu nại của anh Ngoan là không có căn cứ.

Theo quy định của pháp luật thì chỉ khi mua bán những mặt hàng có giá trị hơn 200.000 đồng thì pháp luật mới bắt buộc phải có hóa đơn tài chính. 

Thực tế thì khi mua bán những mặt hàng thực phẩm lẻ như nước uống đóng chai thế này thì khách hàng có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ chứ không nhất thiết phải vào siêu thị để có thể có hóa đơn bán lẻ.

Mà khi mua hàng tại các tiệm tạp hóa, thậm chí là những xe bán nước lưu động, thì không ai xuất hóa đơn mua hàng cho người mua bao giờ. 

Có thể nói việc hội từ chối tiếp nhận vụ “chai trà thảo mộc Dr. Thanh bị lợn cợn” với lý do anh Ngoan không có hóa đơn mua hàng là phi lý, đánh đố người tiêu dùng, thoái thác trách nhiệm của hội.

Hóa đơn mua bán cũng chỉ có giá trị chứng minh khi anh Ngoan khiếu nại về trách nhiệm của người bán hàng, đề nghị người bán phải có trách nhiệm với chất lượng chai trà đã bán cho anh. 

Còn trong trường hợp này anh Ngoan không hề khiếu nại, buộc người bán chai Dr.Thanh phải bồi thường cho mình mà là khiếu nại trách nhiệm của nhà sản xuất - Công ty Tân Hiệp Phát - đối với chất lượng các chai trà. 

Căn cứ điểm a khoản 1 điều 28 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu..”, có thể thấy Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã không làm tròn trách nhiệm của mình với người tiêu dùng.

Chai trà thảo mộc Dr. Thanh có chất trắng lợn cợn như giấm trong lô hàng sáu chai mà anh Ngoan muốn nộp cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Cần Thơ - Ảnh: Chí Quốc

Hội cần mời nhà sản xuất đến làm rõ

Về vấn đề này, luật sư Lê Quang Vũ - Văn phòng luật sư Người Nghèo, TP.HCM - cũng cho biết: Năm 1985, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua các hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm các quy định về 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng, từ đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý để tăng cường các chính sách bảo vệ người tiêu dùng ở mọi quốc gia.

Ở Việt Nam, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1-7-2011 quy định rõ 8 quyền của người tiêu dùng tại điều 8, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo luật này, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ có quyền và trách nhiệm trong hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu mà còn có thể đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.

Hội cũng có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Điều 27, 28, 31 nghị định 99/2011 của Chính phủ còn giao cho Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có quyền tổ chức hòa giải tranh chấp quyền lợi giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Theo luật sư Vũ, việc yêu cầu anh Ngoan cung cấp hóa đơn để biết xuất xứ hàng hóa cũng như người bán hàng là việc làm không cần thiết. Bởi lẽ ngay cả người bán hàng cũng không xác định được hàng hóa đó do mình bán ra bởi lô hàng này không có số seri.

Việc có hay không có hóa đơn bán hàng không là mấu chốt của vấn đề ở đây. Thứ nữa là loại hàng này có nhãn hiệu rõ ràng, có ghi là sản xuất ở Công ty Tân Hiệp Phát.

Hội chỉ cần tiếp nhận và mời đại diện Công ty Tân Hiệp Phát đến làm rõ, nếu Tân Hiệp Phát thừa nhận là sản phẩm của họ thì không có vấn đề gì.

Còn trường hợp họ cho rằng đây là hàng giả thì hội cũng có quyền yêu cầu cơ quan chức năng giám định làm rõ. 

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên