Tuyến quốc lộ 91B (điểm giao giữa quốc lộ 91B và quốc lộ 91, P.Phước Thới, Q.Ô Môn, TP Cần Thơ) được Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang kiến nghị Chính phủ hoàn trả lại 480 tỉ đồng đã đầu tư - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 1-7, ông Nguyễn Văn Khang - chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang - xác nhận với Tuổi Trẻ Online đơn vị vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số phương án liên quan đến số phận dự án trên và trạm thu phí T2 (đặt tại P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Theo kiến nghị, Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang được thành lập bởi liên danh Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO.
Dự án BOT quốc lộ 91 gồm 2 phân đoạn cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 91 đoạn từ Km14 – Km50+889, vị trí đặt trạm thu phí T1 tại Km14+770 (P.Phước Thới, Q,Ô Môn, TP Cần Thơ) và cải tạo, mở rộng tuyến quốc 91B từ Km0 đến Km15+793, trạm thu phí T2 đặt tại Km50+050, nằm trên tuyến quốc lộ 91 đoạn qua P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở GTVT An Giang nói về tình trạng xung đột ở trạm T2 sau khi thông cầu Vàm Cống - Video: CHÍ HẠNH
Doanh số thu phí từ năm 2016 đến cuối năm 2018 đều tăng dần, từ 72,6 tỉ lên 172,8 tỉ rồi tăng lên 173,9 tỉ đồng, 5 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt 76,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Trạm thu phí T2 buộc phải xả trạm kể từ ngày 25-5-2019 cho đến nay do xuất hiện nhiều xung đột, phản ứng của giới tài xế và tỉnh An Giang sau khi cầu Vàm Cống khánh thành.
Tổng hợp nguồn thu chi tài chính của dự án BOT QL91 cho thấy, sau khi trừ các chi phí nợ gốc, lãi ngân hàng, các chi phí sửa chữa, vận hành thu phí thì kể từ khi hoạt động đến nay chủ đầu tư bị âm hơn 99 tỉ đồng.
Từ những lý do trên, Công ty cổ phần đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đưa ra các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất, chỉ đạo các bộ ngành có phương án nhận lại dự án, hoàn trả chi phí đã đầu tư để có nguồn trả nợ ngân hàng, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại dự án thì đề nghị hỗ trợ hoàn trả lại cho chủ đầu tư 400 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, 480 tỉ đồng chi phí xây dựng tuyến quốc lộ 91B (nằm trong nội ô TP Cần Thơ) và chủ đầu tư chỉ thu phí hoàn vốn dự án tại trạm thu phí T1.
Các kiến nghị của Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang gửi Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ông Khang giải thích kể từ ngày trạm T2 ngưng thu phí doanh nghiệp đang tiến sát đến nợ xấu với ngân hàng.
Theo dự kiến, mỗi tháng dự án phải lãi cho ngân hàng là hơn 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng dừng thu phí trạm T2 doanh thu chỉ đạt có 8 tỉ nên không đủ trả nợ. Do đó, doanh nghiệp mới có các quyết định như trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận