20/06/2015 09:01 GMT+7

Lo ngại nhiều cơ quan có quyền bắt người

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 19-6, khi thảo luận dự án Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận định như vậy và bày tỏ không đồng tình với quy định mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cũng cho rằng “không nên bổ sung các nhiệm vụ điều tra cho những cơ quan này”.

Lo cơ quan hành chính có quyền tư pháp

Theo ông Chung, thực tế trong quá trình điều tra, các cơ quan điều tra khi có yêu cầu điều tra lĩnh vực thuế hoặc lĩnh vực chứng khoán đều có quyền ra quyết định trưng cầu chuyên gia để phục vụ. Hơn nữa, cán bộ chứng khoán, thuế liên quan đến công việc hằng ngày của người dân, doanh nghiệp, nếu trao thẩm quyền điều tra cho họ thì sẽ không khách quan.

“Người ta rất sợ có nhiều cơ quan điều tra. Vì có nhiều cơ quan điều tra sẽ có nhiều người có quyền bắt người, có quyền khởi tố. Chủ trương cải cách tư pháp là thu gọn đầu mối cơ quan điều tra rất đúng đắn. Người ta cũng rất sợ những người vừa có quyền hành chính mà lại có quyền tư pháp, sợ rằng sẽ dùng quyền tư pháp để thực hiện quyền hành chính” - ông Đỗ Văn Đương lên tiếng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) có ý kiến khác. Ông cho rằng bổ sung một số nhiệm vụ điều tra cho các cơ quan (ví dụ như thuế...) sẽ giúp các cơ quan điều tra khác phát hiện tội phạm nhanh chóng hơn, kịp thời hơn và đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. “Bởi vì đấu tranh với tội phạm thì ngoài bảo đảm quyền con người, quyền công dân còn phải không “bó tay ” các cơ quan điều tra. Cho nên việc quy định thẩm quyền của cơ quan điều tra, mở rộng các cơ quan điều tra là cần thiết” - ông Thuyền nói.

Tranh luận về thẩm quyền của công an xã

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lo ngại việc quy định trao thẩm quyền quá nhiều cho lực lượng công an xã sẽ xảy ra tình trạng năng lực không tương xứng với thẩm quyền, dễ dẫn đến oan, sai.

Bà Nga dẫn điều 43 dự thảo luật quy định công an xã có những thẩm quyền thực chất là hoạt động điều tra ban đầu như: trong tiếp nhận tố giác, tin báo, ngoài việc lập biên bản tiếp nhận còn bổ sung thẩm quyền lấy lời khai; trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì ngoài việc lập biên bản bắt, tước vũ khí, hung khí của người bị bắt còn bổ sung thẩm quyền lấy lời khai, khám người, vẽ sơ đồ hiện trường, thu giữ, tạm giữ và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan... Để thực hiện các thẩm quyền này và một số thẩm quyền hành chính, theo quy định, công an xã được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định gồm súng, bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui...

Trong khi đó, theo nghị định 73, phó trưởng công an xã chỉ cần điều kiện học xong chương trình trung học phổ thông, công an viên tốt nghiệp trung học cơ sở, còn đối với miền núi, vùng sâu vùng xa không có đối tượng có đủ tiêu chuẩn học vấn này thì trưởng, phó và công an viên phải là người đã học xong chương trình tiểu học.

Đại biểu Nga đề nghị Quốc hội cân nhắc không quy định thẩm quyền nêu trên cho công an xã. Nếu quy định thẩm quyền như vậy, theo bà, thì phải tổ chức thành lực lượng chuyên nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) lại đề nghị khác. Theo ông, phải luật hóa những quy phạm đó để công an xã có thêm quyền năng, bởi thực tế hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của công an xã rất nặng nề, rất phức tạp và lực lượng công an xã cũng đang thực hiện có hiệu quả các quy định trên.

“Cần phải đào tạo, nâng cao trình độ cho họ, tuyển chọn đầu vào cho công an xã tốt hơn chứ không thể đặt vấn đề tước quyền đi, bởi nếu tước quyền thì tình hình trật tự an ninh và đấu tranh phòng chống tội phạm ở cơ sở rất phức tạp và không ai vào đấy để thay thế được” - ông Ngũ nói.

“Đồng ý giao công an xã tiến hành một số điều tra, nhưng phải giới hạn phạm vi rất hẹp” - đại biểu Đỗ Văn Đương nói. Ông Đương cho rằng với những trường hợp bắt đối tượng quả tang, công an xã có quyền lấy lời khai nhân chứng, không thì họ đi mất.

Nhưng theo ông Đương, “không để cho công an xã được khám nghiệm hiện trường” bởi đây là nghiệp vụ phải có chuyên môn sâu. “Cho nên tôi đề nghị giới hạn rất chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã” - đại biểu Đương nói.

* Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình:

Trao quyền điều tra cho kiểm ngư để khẳng định chủ quyền

Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ quy định trao thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, những tiêu chí để khẳng định chủ quyền gồm nhiều nội dung, trong đó có bằng chứng về pháp lý và lịch sử, bằng chứng về sự hiện diện của người dân trên biển.

Nếu giao kiểm ngư quyền hành chính cũng như quyền tư pháp là chúng ta gửi đến thế giới thông điệp Việt Nam đang thực hành quyền quản lý nhà nước trên Biển Đông về mặt pháp lý cũng như trên thực tế.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên