Theo ông Dũng, qua 14 năm tổng kết thi hành Bộ luật hình sự cho thấy tỉ lệ thu hồi tài sản đối với các loại tội phạm về tham nhũng rất thấp, chỉ hơn 10%.
Vì thế dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đề xuất không bỏ án tử hình đối với tội phạm về tham nhũng, tuy nhiên lại có quy định người phạm tội nếu khắc phục ít nhất ½ hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho Nhà nước thì có thể được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân.
“Bài toán đặt ra là nếu cứ thi hành như hiện nay, người bị kết án tử hình cứ tử hình, đồng thời phải chấp hành khắc phục hậu quả thì Nhà nước không thu được đồng nào cả. Qua nghiên cứu, đặc biệt học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc, chúng tôi đưa vào dự thảo quy định mới này nhằm giúp Nhà nước có thể thu được một khoản tiền nhất định do tham nhũng mà có” - ông Dũng nói.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng quy định này có thể giúp các quan tham thoát án tử hình nhờ khắc phục hậu quả còn người không có tiền thì không được áp dụng, ông Dũng cho biết ban soạn thảo sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân về vấn đề này để đưa vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) sao cho phù hợp nhất.
Thông tin nêu trên được ông Trần Văn Dũng - phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp - cho biết tại cuộc họp báo do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 17-4 để cung cấp thông tin về công tác tư pháp quý I.
Thông tin thêm về quá trình thu hồi tài sản trong vụ Vinashin, ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết đến nay chưa thu hồi được đồng tiền nào từ bị án Phạm Thanh Bình (Cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vinashin). Lý do, bản án của tòa tuyên buộc ông Bình và đồng phạm phải bồi thường cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh số tiền trên 34 tỷ đồng nhưng công ty này không yêu cầu thi hành án.
“Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các nghị định hướng dẫn thì đây là dạng án theo đơn. Doanh nghiệp cổ phần muốn được thi hành án thì phải làm đơn để tổ chức thi hành án. Chúng tôi đã họp với Bộ giao thông Vận tải và mời các doanh nghiệp lên. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có công văn chỉ đạo nhưng Công ty Hoàng Anh nói rõ họ không thiệt hại và đã có công văn gửi các cơ quan liên quan nói không thiệt hại gì nên không cần thi hành án”- Ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, thực tế thi hành án ở Vinashin cho thấy có lỗ hổng pháp luật với các doanh nghiệp phải thi hành án nếu thiếu đơn yêu cầu thi hành án thì phải chịu. Vì vậy thời gian tới, sửa đổi Luật thi hành án dân sự và các nghị định liên quan, Tổng Cục thi hành án dân sự sẽ bổ sung quy định thi hành án chủ động để đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước và khắc phục phần nào hậu quả do các vụ án gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận