06/12/2013 08:13 GMT+7

Lỗ hổng thuế chuyển nhượng vốn

ÁNH HỒNG - MAI HƯƠNG
ÁNH HỒNG - MAI HƯƠNG

TT - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó “điểm mặt chỉ tên” hàng loạt thương vụ chuyển nhượng vốn đình đám có dấu hiệu lách thuế.

Nhiều doanh nghiệp chiếm đoạt tiền hoàn thuếDoanh nghiệp bấn loạn vì thuếXổ số hóa đơn để chống trốn thuế

Trong văn bản này, UBND TP đề nghị Bộ Tài chính sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn tình trạng gian lận thuế ngay từ ngày 1-1- 2014.

Bán nhưng không khai

Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Phở 24 thường được biết đến dưới tên gọi “Phở 24” được chuyển nhượng cho Công ty Việt Thái Quốc Tế, đơn vị sở hữu thương hiệu Highlands Coffee, với giá 20 triệu USD trong khi giá vốn chỉ 1 tỉ đồng.

Thương vụ này đình đám trên báo chí từ tháng 7-2013. Sau đó, Công ty Việt Thái Quốc Tế bán 50% cổ phần “Phở 24” cho Jollibee - thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng của Philippines - với giá trị giao dịch là 25 triệu USD.

Tuy nhiên, khi cơ quan thuế kiểm tra thì công ty mới chỉ đăng ký thay đổi tên người đại diện pháp luật cho ông David Thái, còn tên các thành viên và tỉ lệ góp vốn không thay đổi, các bên chuyển nhượng không cung cấp hợp đồng nên cơ quan thuế chưa có cơ sở để xử lý.

Một chiêu khác là chuyển nhượng lòng vòng bằng cách thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh, thay đổi liên tục địa điểm kinh doanh nên cơ quan thuế khó quản lý như Công ty cổ phần y khoa Hoàn Mỹ. Công ty này thành lập Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, đồng thời thành lập thêm hai chi nhánh tại Q.2 và Q.Tân Bình.

Trước đây Công ty cổ phần y khoa Hoàn Mỹ do Chi cục Thuế Q.3 quản lý, nhưng từ năm 2010 thì công ty chuyển đến hai địa chỉ khác nhau tại Q.1 và đổi tên thành Công ty cổ phần y khoa Fortis Hoàn Mỹ, bảy lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thay đổi vốn điều lệ từ 118 tỉ đồng lên 155 tỉ đồng.

Công ty cũng chuyển nhượng vốn cho cá nhân nước ngoài nhưng không kê khai, chỉ thay đổi tên người đại diện pháp luật.

Cơ quan thuế rà soát thì công ty mới lập tờ khai chuyển nhượng vốn với giá vốn là 618 tỉ đồng, giá bán là 776 tỉ đồng, phát sinh thu nhập là 157 tỉ đồng, dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 39 tỉ đồng, trong đó có cá nhân đang làm thủ tục xin miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Singapore.

Bán bằng giá vốn

Một chiêu khác để lách thuế là tăng vốn điều lệ để chuyển nhượng với giá cao, sau đó bán bằng giá vốn như trường hợp Công ty PT Global Investment do Chi cục Thuế Q.6 quản lý. Công ty này tăng vốn từ 1 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng, sau đó thành viên góp vốn 48% bán cho cá nhân nước ngoài với giá bán là 48 tỉ đồng, không phát sinh thuế phải nộp.

Tương tự, Công ty Intel Asia Holding Limited được chuyển nhượng cho công ty trong cùng tập đoàn với giá bán bằng giá vốn là 100 triệu USD nên không phải nộp thuế.

Có công ty còn áp dụng chiêu mua cổ phần với giá cao, sau đó bán lỗ và đưa vào chi phí tài chính, điển hình là Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh bất động sản Ê KE.

Khi lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty này đưa số lỗ của việc chuyển nhượng vốn trên để làm giảm số thuế phải nộp khi quyết toán năm. Hiện Cục Thuế TP đang cho kiểm tra để xác định lại việc chuyển nhượng vốn thực tế có phát sinh lỗ như doanh nghiệp đã kê khai hay không.

Cũng có trường hợp hợp đồng giá trị cao nhưng thu nhập phát sinh thấp như Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan chuyển nhượng vốn cho Vietnam Growth Capital Pte Ltd (Singapore) với giá chuyển nhượng theo hợp đồng là hơn 1.061 tỉ đồng, thu nhập phát sinh chỉ có 246 triệu đồng nên số thuế phải nộp chỉ có 61 triệu đồng.

Kiến nghị

Cục Thuế TP cho biết những năm gần đây việc chuyển nhượng vốn góp của các tổ chức và cá nhân trong các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, tuy nhiên công tác quản lý việc nộp thuế mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận theo kê khai, chủ yếu được thực hiện là do doanh nghiệp tự khai hoặc đối tượng cần cơ quan thuế xác nhận để hoàn thành các thủ tục pháp lý. Số thuế thu được từ hoạt động này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ đó UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì bắt buộc phải lập hóa đơn giá trị gia tăng để kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn của các doanh nghiệp khác nếu không có hóa đơn hợp pháp thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế. Ủy ban cũng kiến nghị Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, nếu không cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng và giá vốn.

Ngoài ra, doanh nghiệp nơi có phần vốn chuyển nhượng chỉ làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn thì phải có hóa đơn chuyển nhượng vốn, phải có tờ khai kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân và chứng từ khấu trừ thuế đối với cá nhân chuyển nhượng vốn. Trường hợp không có hóa đơn, chứng từ thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng vốn phải kê khai và nộp thuế thay.

ÁNH HỒNG - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên