Các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may vừa phải kiểm soát môi trường làm việc, vừa đối mặt với tình trạng nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt khá căng thẳng - Ảnh: T.V.N.
Căng thẳng vì phụ thuộc hơn 60% nguồn nguyên liệu
Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN (Lefaso), cho biết khảo sát nhanh các thành viên trong hiệp hội, khoảng 70-80% doanh nghiệp vẫn còn nguyên liệu sản xuất trong vòng 2-3 tuần nữa do vẫn còn nhập từ trước tết, một số ít khác còn đến cuối tháng 2 và "rất ít doanh nghiệp trữ đủ nguyên liệu đến giữa tháng 3 tới".
Theo ông Kiệt, việc các doanh nghiệp còn đủ các lượng nguyên phụ liệu nói trên hoàn toàn phù hợp với quy mô doanh nghiệp lẫn thời điểm thông thường vì "thường trước và sau tết hằng năm các doanh nghiệp đều chỉ trữ như vậy".
Theo dữ liệu của Lefaso, đối với ngành da giày, hiện các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu các loại. Trong đó, ở phân khúc cao cấp, ước ảnh hưởng khoảng 20%. Và "thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng thấp cấp, hoặc chuyên xuất qua khu vực biên mậu vì phải phụ thuộc 100% nguồn cung từ Trung Quốc do chi phí rẻ", ông Kiệt thông tin.
Riêng ở lĩnh vực túi xách, phân khúc balô và túi xách có mức giá trung bình sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất vì nhập khẩu nguyên phụ liệu chủ yếu từ Trung Quốc.
Tổng giám đốc điều hành một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu giày cho các thương hiệu lớn ở Bình Dương cũng thừa nhận các nhà đặt hàng lớn cũng đang rất đau đầu về việc thay thế nguồn cung nguyên phụ liệu, thậm chí "lượng đặt hàng cũng sụt giảm vì nhu cầu tiêu thụ giày dép, túi xách các loại của Trung Quốc cũng giảm mạnh theo dịch bệnh".
"Thông tin tôi nhận được là không chỉ lượng đặt hàng từ các nhà mua hàng đang có dấu hiệu suy giảm tại VN, mà ngay cả đơn hàng của Indonesia và một số nước khác cũng giảm do tiêu thụ tại Trung Quốc đang đình trệ", vị tổng giám đốc chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho hay hiện các doanh nghiệp trong ngành đang khá lo lắng "không chỉ lo phòng ngừa tình hình dịch bệnh trong môi trường sản xuất mà còn lo thiếu hụt nguyên liệu".
Theo ước tính của Vitas, ngành dệt may hiện phải nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải chiếm nhiều nhất, nên nếu nguồn cung tiếp tục bị đình trệ như hiện nay "quả thật là bài toán quá đau đầu cho các doanh nghiệp, vì chẳng ai ngờ tới xảy ra tình huống này", bà Mai nói.
Cũng theo bà Mai, hiện không ít các nhà đặt hàng đã làm việc với các doanh nghiệp để tìm giải pháp giải quyết việc "nghẽn" nguồn nguyên liệu sản xuất. Với các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, chuyển hướng nhập khẩu nguồn cung vải và các phụ liệu liên quan từ Hàn Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ cũng đang được rốt ráo tính toán, dù đây không phải là chuyện dễ làm trong một sớm một chiều.
Hơn 70% các linh phụ kiện của ngành da giày đều nhập khẩu từ Trung Quốc do chi phí cạnh tranh - Ảnh: T.V.N
Thách thức tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu
Ông K.T., điều hành một doanh nghiệp ngành may có quy mô hơn 3.500 lao động tại TP.HCM, cho rằng khi dịch viêm phổi cấp virus corona xuất hiện, vẫn không ai nghĩ rằng mức độ nguy hiểm của nó tác động trực tiếp đến khâu sản xuất thế nào.
Trong khi đó, theo phần lớn các doanh nghiệp, việc thay thế nguồn cung nguyên phụ liệu có nguồn gốc từ Thái Lan, Hàn Quốc thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã được các doanh nghiệp tính đến, "nhưng phải nói thật là chỉ có các thương hiệu lớn mới làm được điều này vì chi phí sẽ tăng cao", ông K.T. cho hay.
Điều ông K.T. băn khoăn thật ra đã từng được đề cập rất nhiều lần về việc ngành sản xuất trong nước vẫn không thể tự chủ được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chính mình trong hàng thập niên qua.
Dù đã có rất nhiều chủ trương, nghị quyết, thậm chí chương trình hành động xây dựng các nguồn nguyên liệu cho những ngành sản xuất mang lại nhiều ngoại tệ như dệt may, da giày, đồ gỗ... nhưng tỉ lệ nội địa hóa ở các lĩnh vực này vẫn còn độ chênh rất lớn so với năng lực xuất khẩu của các ngành chủ lực.
Theo ông Kiệt, có lẽ đã đến lúc cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và có các giải pháp hành động quyết liệt hơn trong việc xây dựng các kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành xuất khẩu chủ lực.
"Không cần phải có đến chiến tranh thương mại, ngăn sông cấm chợ hay sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại mới làm suy yếu năng lực sản xuất của một doanh nghiệp, hay xa hơn là của quốc gia. Tôi nghĩ, chính những tình huống ngoài suy nghĩ của tất cả chúng ta, mà dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona là một ví dụ rõ nhất, cho thấy nếu không tự chủ và vẫn trông chờ nguồn nguyên liệu từ nơi khác thì khó khăn sẽ càng thêm khó khăn" - ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận