29/11/2011 06:50 GMT+7

Liên thông không chỉ để lấy bằng

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TT - Chính sách liên thông từ hệ nghề lên CĐ, ĐH mở ra cơ hội học tập cho nhiều người, nhưng thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề trong tuyển sinh, đào tạo và cả thu hút người học.

V5bdK5BY.jpgPhóng to
Người học cần xác định học nghề không chỉ là bước đệm. Trong ảnh: học sinh lớp trung cấp ôtô Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, cho rằng:

- Việc không nghiêm túc trong tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo liên thông, tổ chức đào tạo, đặc biệt là thi kiểm tra, đã ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương liên thông. Trách nhiệm này trước hết thuộc về trường tổ chức đào tạo liên thông, sau đó là trách nhiệm của người học cũng như lương tâm người thầy.

Theo tôi, phải xử lý nghiêm những trường có quảng cáo không đúng, mang tính chất mập mờ thông tin để lừa người học. Cần xử lý mạnh tay các cơ sở đào tạo chất lượng kém cũng như có hành vi trục lợi qua việc thông tin mù mờ như phản ánh. Vì muốn được học liên thông, người học phải chứng minh đủ năng lực qua một kỳ thi đầu vào như là một điều kiện tiên quyết. Khi vào ĐH phải học nghiêm túc mới mong thành công.

Ux3Y9Xn8.jpgPhóng to
TS Hoàng Ngọc Vinh - Ảnh: T.Hà
* Nhưng làm thế nào thu hút được những người học nghiêm túc?

- Nhiều người tin rằng với thông tư liên tịch về liên thông giữa các trình độ dạy nghề lên CĐ, ĐH, người học sẽ có động lực để theo học nghề. Tuy nhiên, nếu chỉ chạy theo hướng này nhằm hút người học vào học nghề sẽ mắc sai lầm. Bởi xu hướng này sẽ đáp ứng “nhu cầu, thị hiếu” của người học ở VN, thúc đẩy “văn hóa bằng cấp” mà mất đi sứ mệnh của dạy nghề là đào tạo ra người lao động có năng lực nghề nghiệp phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp người học tăng cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập, giúp xã hội phát triển bền vững.

Như vậy học nghề hoàn toàn không phải chỉ là bước đệm để học liên thông. Vấn đề đặt ra là tại sao liên thông không phải là liều thuốc vạn năng cho các trường dạy nghề để thu hút người học vào học nghề, cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm thuốc trị.

* Nhưng thực tế học viên trường nghề được đào tạo thiên về thực hành, trong khi trường ĐH lại theo hướng học thuật. Việc “lệch” kiến thức này gây không ít khó khăn cho cả người học lẫn nhà trường về đảm bảo chất lượng liên thông?

- Chương trình ở bậc giáo dục ĐH thường được thiết kế trên phổ kiến thức rộng, ngành học khá rộng mà không hẹp, chuyên sâu theo nghề như dạy nghề. Học viên trường nghề phần nhiều có năng lực học tập các môn nặng về lý thuyết khá hạn chế, nên khi bước vào học chương trình ĐH mang tính hàn lâm thường không theo được hoặc rất vất vả. Nói ngắn gọn, liên thông giữa “tay nghề” và “trình độ” hoàn toàn không dễ dàng nếu thực hiện việc công nhận, miễn trừ, dạy học, thi cử nghiêm túc.

Nói chung, phần kiến thức được miễn trừ của người học trong trường dạy nghề để lên học CĐ và ĐH rất ít. Nếu tính đến điều kiện đảm bảo chất lượng thực hiện chương trình dạy nghề và theo chuẩn đầu ra thì có thể được miễn trừ thấp hơn nữa. Việc “lệch” này không chỉ ở khía cạnh chương trình mà còn nhiều chỗ cần tính đến như việc kiểm tra đánh giá ở trường nghề, phong cách, phương pháp dạy và học, văn hóa chất lượng, niềm tin giá trị... thường khác nhau giữa hai bậc mà không dễ gì lấp được.

* Lãnh đạo trường nghề và trường ĐH đề nghị nên có chương trình riêng cho học viên liên thông hệ này?

- Điều đó hoàn toàn đúng. Cách đây chín năm, khi thiết kế đào tạo liên thông thí điểm chúng tôi đã có đề nghị này. Cần phải thành lập một tổ chức gọi là hội đồng liên thông theo ngành nghề đào tạo (Canada có trên 60 hội đồng liên thông) để cùng bàn với nhau về cơ chế công nhận, miễn trừ, tạo dựng lòng tin với nhau về chất lượng, thiết kế chương trình trên cơ sở của một thỏa thuận về đào tạo liên thông được ký giữa hai trường cũng như những cam kết thực hiện.

Nói về chương trình riêng cho đào tạo liên thông, theo tôi, cần chú ý chương trình đó đào tạo ra cử nhân hay kỹ sư đáp ứng nhu cầu nào của thị trường lao động, lấy đó làm điểm tham chiếu thiết kế chương trình. Kinh nghiệm ở một số nền giáo dục người ta phân luồng học sinh học nghề theo học các chương trình mang nặng tính thực hành, ứng dụng (thường gọi là chương trình công nghệ) như ở Đài Loan, Thái Lan, Đức, Úc...

* Phải chăng do các trường ĐH, CĐ hiện “ôm” luôn cả hệ nghề và trung cấp chuyên nghiệp nên học sinh vào học các trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp liên tục giảm?

- Việc để một số trường ĐH đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp mang tính chất quá độ trong lịch sử quá trình hình thành, phát triển của bản thân trường đó và của hệ thống giáo dục ĐH ở nước ta. Chúng ta không thể cấm một cách cực đoan theo tư duy “mở - đóng” mà Nhà nước cần điều tiết bằng chính sách và cơ chế.

Ở đây cần quán triệt nguyên tắc xã hội hóa, quy luật thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ai làm tốt hơn, hiệu quả hơn thì để người đó làm. Đối với trung cấp chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH có ngành đào tạo kỹ thuật công nghệ để đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, còn các lĩnh vực khác đang có sự điều tiết và đi đến chấm dứt sau vài năm nữa.

Sở dĩ như vậy vì phần nhiều các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập không mở các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ do chi phí cao, trong khi nhân lực trình độ trung cấp chuyên nghiệp thuộc ngành kỹ thuật công nghệ đang rất thiếu, cơ sở thiết bị máy móc nhà trường dư thừa, đội ngũ thầy cô giáo cũng sẵn, người học lại muốn học. Các trường nghề, theo tôi, cần phải nỗ lực nhiều hơn để đào tạo có chất lượng. Nếu cấm các trường ĐH đào tạo nghề, người ta sẵn sàng thành lập trường dạy nghề để làm ngay và thực tế đã có rồi.

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên