10/05/2011 04:27 GMT+7

Liên cầu lợn: ruồi nhà có thể làm lây mầm bệnh

BS LÊ VĂN AN(ĐÌNH TOÀN ghi)
BS LÊ VĂN AN(ĐÌNH TOÀN ghi)

TT - Gần đây, một số địa phương có bệnh nhân tử vong vì nhiễm liên cầu lợn. Bác sĩ Lê Văn An - trưởng khoa vi sinh, điều phối viên Trung tâm Carlourbani thuộc Trường ĐH Y dược Huế - cho biết côn trùng như ruồi nhà có thể là vật trung gian làm lây lan mầm bệnh.

Liên cầu lợn có tên khoa học là streptococcus suis, là loại vi khuẩn hình cầu có kích thước nhỏ. Vi khuẩn này cư trú bình thường ở đường hô hấp trên của heo gồm mũi và xoang mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của heo. Những con heo khỏe mạnh trong đàn mang vi khuẩn có thể lây truyền vi khuẩn này cho cá thể khác ở cùng chuồng mà không có triệu chứng bệnh.

Người bị lây nhiễm vi khuẩn này do tiếp xúc trực tiếp với heo (lợn) mang vi khuẩn hoặc heo bị bệnh. Những người làm nghề giết mổ hoặc bán thịt heo sống có thể nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc với thịt heo bị bệnh chưa nấu chín, qua vết thương trên da, qua niêm mạc mũi, miệng.

Nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn ở người có thể gây nên nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng người bệnh, thông thường nhất là bệnh viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Nhiễm trùng ở các cơ quan khác với tỉ lệ thấp hơn gồm viêm màng trong tim, viêm cơ, viêm khớp, viêm phổi.

Bệnh viêm màng não do liên cầu lợn ở người không khác với viêm màng não do các vi khuẩn khác, thời kỳ ủ bệnh khoảng 5-7 ngày sau khi tiếp xúc với heo bị nhiễm bệnh. Bệnh nhân có các biểu hiện bệnh với triệu chứng sốt, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, cứng gáy, có thể phát ban hay xuất huyết da, kết mạc, lơ mơ hay hôn mê. Trường hợp nặng có thể tử vong. Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh viêm màng não do liên cầu lợn thường có di chứng như điếc, liệt.

Hiện nay bệnh do liên cầu lợn ở người chưa có văcxin để tiêm phòng nên việc phòng ngừa cần thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, như mua bán thịt heo cần chứng nhận kiểm dịch của thú y, không ăn tiết canh heo; tiếp xúc hay chế biến thịt heo sống nên mang găng tay, thịt heo chưa nấu chín cần để trong các đồ đựng riêng tránh côn trùng như ruồi, gián; chỉ ăn thịt heo nấu chín kỹ...

Đối với các hộ chăn nuôi heo, chuồng trại nên làm cách xa khu vực nhà ở, thoáng mát, thực hiện chế độ vệ sinh chuồng trại thường xuyên bằng các hóa chất tẩy uế như vôi bột, nước javel. Khi tiếp xúc với heo như cho heo ăn, vệ sinh chuồng trại nên mang khẩu trang, ủng. Nếu phát hiện heo bị bệnh, cần báo cho thú y để điều trị, xử lý. Heo bị bệnh không được giết mổ lấy thịt mà nên đưa vào khu vực cách ly riêng và điều trị tích cực hoặc tiêu hủy đúng cách khi heo chết.

BS LÊ VĂN AN(ĐÌNH TOÀN ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên