26/02/2011 07:16 GMT+7

Libya: hơn 5.000 người VN chưa sơ tán

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Cho đến cuối giờ chiều 25-2, vẫn chưa có lao động VN nào trở về từ Libya, không như thông tin trước đó là sẽ có 176 lao động VN về đến sân bay Nội Bài vào ngày 25-2.

QImuGxpu.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Thanh

Trước đó ngày 24-2, một doanh nghiệp đã báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc đối tác của họ ở nước ngoài đã thuê một chuyên cơ mang số hiệu 5K241(?) để đưa 176 lao động VN từ đảo Malta, qua Dubai về VN (sân bay Nội Bài) vào 4g40 sáng 25-2. Tuy nhiên từ 2g30 đến 22g tối qua vẫn không thấy lao động nào về nước.

Ông Lê Văn Thanh - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - nhận định về điều này: có thể vì lý do thời tiết, kỹ thuật hay trục trặc nào đó. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông tại sân bay trong khi chờ chuyến bay 5K241(?).

Trong tình hình hỗn loạn ở Libya, các cuộc di tản cực kỳ khó khăn cả trên bộ, trên không lẫn trên biển vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều nước châu Âu, nhất là Ý, đang lo ngại xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc di tản ồ ạt của hàng chục ngàn người nước ngoài khỏi Libya. Tổng thư ký Nato cho biết sẽ thảo luận với các bộ trưởng quốc phòng của EU để tăng cường hơn nữa việc sơ tán người nước ngoài ở Libya. Liên minh châu Âu đang tính đến phương án đem nhiều tàu chiến đến Libya đưa công dân của họ khỏi nước này.

* Các nước khác đã có lệnh di tản công dân. Còn ta, sau hơn một tuần xảy ra biến cố ở Libya, 10.000 công dân VN vẫn chưa có lệnh di tản, chưa có một công dân Việt nào về nước. Theo ông, phản ứng như vậy có quá muộn không?

- Mỗi nước có một tuyên bố khác nhau, có nước tuyên bố di tản rất hùng hồn nhưng làm chưa hùng hồn. Còn ta thì tuyên bố khiêm tốn thôi nhưng chúng ta đã có hành động ngay lập tức. Ngay từ ngày 18-2, chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với đối tác để đưa người lao động đến nơi an toàn. Và thực tế, lao động của ta đã cơ bản được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cũng phải nói rằng việc di tản hơn 10.000 lao động không phải là việc có thể làm ngay. Số lượng lao động VN làm ở nhiều vị trí khác nhau nên phải xem chỗ nào cần di chuyển trước, chỗ nào di chuyển sau, khả năng đối tác thế nào mới làm được.

* Dĩ nhiên việc di chuyển hơn 10.000 lao động là việc không dễ. Vậy Bộ LĐ-TB&XH cũng như các cơ quan liên quan đã có biện pháp gì cho tình huống xấu nhất?

- Có nhiều cách khác nhau, tình hình biến động như hiện nay ở Tripoli và Benghazi thì ta cho di chuyển bằng đường bộ sang các nước lân cận như Tunisia, Ai Cập cho an toàn. Một cách khác là đi bằng phà, tàu biển sang Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp... Thứ ba là đường hàng không nhưng việc đưa máy bay dân sự sang không dễ. Phần lớn các nước sử dụng máy bay quân sự. Hiện cũng có phương án đề nghị Vietnam Airlines (VNA) và các đối tác của VNA lên kế hoạch để chuyển lao động về bằng đường hàng không. Dù bằng phương án nào thì tinh thần trước mắt là phải chuyển người lao động đến nơi an toàn, tránh những nơi xung đột trước.

Thủ tướng yêu cầu đưa lao động về nước an toàn

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp chiều 25-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ

LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh, an toàn và khẩn trương bằng mọi cách đưa lao động VN tại Libya về nước. Đồng thời, Thủ tướng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân VN tại Trung Đông và Bắc Phi do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm làm trưởng ban.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện có 10.482 lao động VN làm việc trong ngành xây dựng tại Libya.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, tính đến sáng 25-2, các doanh nghiệp VN đã phối hợp với các đối tác làm thủ tục sơ tán được 4.572 lao động sang các nước láng giềng Libya như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Hi Lạp, Tunisia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... để từ đó đưa mọi người về VN. Trong số này đã có hơn 1.300 lao động được đưa sang nước thứ ba và có 282 lao động đang trên đường bay về VN.

Trong một diễn biến khác, chiều tối 25-2, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết dự kiến VNA sẽ thực hiện hai chuyến bay Hà Nội - Cairo - Hà Nội để đưa những người lao động tại Libya (đã sang Ai Cập) về nước. Chuyến bay chiều đi dự kiến xuất phát tại Hà Nội vào đêm 28-2 và 1-3 và trở về Hà Nội lần lượt vào ngày 1 và 2-3.

106 lao động sẽ về tới TP.HCM hôm nay

Dự kiến 106 lao động VN của Công ty Lilama 10 từ Libya qua ngả Qatar sẽ về đến TP.HCM lúc 18g20 hôm nay (26-2), theo ông Lê Thanh Hà - tùy viên lao động VN tại UAE trên chuyến bay mang số hiệu MHS 2161 của Hãng hàng không Air Memphis (Ai Cập).

Trong khi đó lúc 14g ngày 25-2 (giờ VN), một lao động người Quảng Bình (do Công ty Sona đưa đi) điện về cho phóng viên Tuổi Trẻ từ khu vực sân bay quốc tế Tripoli (Libya) cho biết hiện anh cùng hàng trăm lao động vẫn chờ công ty di tản. Theo lao động này, trong mấy ngày qua 1.700 lao động Thái Lan tại khu vực này đã được di tản ra khỏi Libya trong khi hàng trăm lao động VN vẫn đang mắc kẹt ở đây. Trước đó, lao động này cũng điện về gia đình và tỏ ra khá lo lắng vì chưa biết được công ty di tản ra khỏi Libya lúc nào...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Công ty Sona cho biết trong ngày 25-2 đã di tản khoảng 200 lao động sang Malta. Trước đó, 300 lao động khác của Sona đã được di tản tới Malta.

Lao động quốc tế dồn ứ ở cửa ngõ Ai Cập

Theo Đại sứ quán VN tại Cairo (Ai Cập), 101 lao động của Công ty Sona theo máy bay do phía Thổ Nhĩ Kỳ thuê cả chuyến sẽ đến Ai Cập vào 15g ngày 25-2 (giờ Ai Cập) nhưng do trục trặc nên có thể khoảng 23-24g ngày 25-2 (giờ VN) nhóm lao động này mới đến nơi. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ là dự kiến.

Trong khi đó, 287 lao động khác của Công ty Letco và 375 người của Vinaconex đang dồn lại tại biên giới Ai Cập - Libya và chưa được phía Ai Cập cho phép di chuyển về Cairo. Trong những ngày qua, đại sứ quán VN đã huy động cả bộ phận thương vụ, phóng viên TTXVN và Đài Tiếng nói VN thường trú, sinh viên VN tại Ai Cập để tham gia hỗ trợ công việc.

Một trong những khó khăn trong quá trình tiếp đón công dân hiện nay, theo cán bộ của Đại sứ quán VN tại Cairo, là tốc độ xử lý công việc tại Ai Cập bị chậm lại do Ai Cập là một ngả đi quan trọng của lao động nước ngoài tại Libya. Hàng chục ngàn lao động các nước Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc... đều chọn Ai Cập là một trong những hướng sơ tán chủ yếu. Ai Cập cũng có 1,8 triệu lao động đang làm việc tại Libya. Lượng người sơ tán đổ về biên giới dồn dập và với số lượng lớn khiến công việc trở nên khó khăn.

__________

Nhận được email của chồng, chị Huệ - vợ kỹ sư hóa dầu Lê Hồng Quang đang làm việc cho Công ty dầu khí OSEA (Mỹ) ở Tripoli (Libya) - mừng rỡ. Thở phào, chị nói: “Đã an tâm hơn vì mấy ngày nay ruột gan như lửa đốt do bặt tin tức về anh”. Trong email, anh Quang cho biết đang ở Rome (Ý) chờ chuyến bay của Hãng hàng không Qatar Airways để về Doha, thủ đô Qatar, sau đó chuyển tiếp máy bay của hãng này về TP.HCM.

dzZxlXVk.jpgPhóng to
Ông Ngô Đăng Tân (bìa phải, xóm 4, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đứng ngồi không yên khi con trai Ngô Đăng Hòa - một lao động ở Libya - còn kẹt trong vùng hỗn loạn - Ảnh: Văn Định

Chị Huệ cho biết anh Quang qua Tripoli được hai tuần thì xung đột nổ ra. Ngày 19-2 anh Quang có gọi điện thoại về cho biết công ty đã cho nghỉ làm và đang lên kế hoạch chuyển các nhân viên về nước bằng mọi cách: tàu thủy hoặc máy bay nhưng sân bay đóng cửa nên mọi người không có cách gì để ra khỏi Tripoli. Liên tiếp các ngày sau đó, hai vợ chồng không còn liên lạc được với nhau. Đến tối 23-2, anh cho biết được bay đi Malta nhưng không may sau đó chuyến bay bị hoãn, rồi không liên lạc được cho đến chiều 25-2. “Email anh ấy viết cũng vội, chỉ nói là 6g về đến VN mà chẳng nói sáng hay tối” - chị lập cập nói.

Trong khi đó, đồng cảnh ngộ, ở thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chị Lê Thị Huề cũng ruột gan trăm mối tơ vò khi xem bản tin 20g ngày 25-2 trên tivi về tình hình bạo loạn ở Libya đang tiếp tục căng thẳng. Chồng chị Huề là anh Nguyễn Trọng Hưng đang lao động ở Libya. “Kể từ khi đất nước Libya bất ổn, ngày đêm tui có ngủ được mô...” - chị nói.

Theo chị Huề, vừa ăn tết xong thì ngày 8-2 anh Hưng bay sang Libya với khoản chi phí hơn 50 triệu đồng. “Nhưng mới làm được một tuần thì xảy ra biểu tình, công ty đóng cửa, anh Hưng chỉ biết ngồi bó gối trong phòng trọ lánh nạn” - chị cho biết. Ngày nào anh cũng gọi điện thoại về thông báo cho vợ con biết anh vẫn an toàn dù ăn bánh mì, uống nước sôi để nguội cầm cự qua ngày và trên đường phố vẫn đì đùng tiếng súng.

Ở thôn Ngụ Quế, không chỉ chị Huề lo lắng khi có chồng đang ở Libya mà có đến vài chục gia đình cùng nỗi lo như chị. Đó là chị Nguyễn Thị Nghĩa chờ tin chồng là anh Lê Duy Nhâm, tin cháu là Lê Duy Thành, em rể Nguyễn Trọng Đồng. Trong đó, Thành là người đã đi làm được hơn một năm và hiện đang ở Benghazi, nơi diễn ra bạo loạn đầu tiên. Thành cho biết có hơn 1.000 người Việt ở đây, tập trung trong sáu trại. “Tình hình lương thực, thuốc men rất khan hiếm, nếu biểu tình kéo dài sẽ thiếu ăn” - anh nói trong lo lắng.

__________

Tin bài liên quan:

Hàng ngàn lao động Việt Nam đã rời LibyaLibya tiếp tục căng thẳngTìm phương án bảo vệ công dân Việt Nam tại LibyaHọp bàn về cuộc khủng hoảng LibyaGần 200 lao động VN tại Libya sẽ về đến Nội Bài vào sáng 25-2280 lao động Việt Nam đầu tiên từ Libya về nước

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên