Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho biết: “Chúng ta phải rất thận trọng. Ông ấy (Gaddafi) giờ đang bắt đầu lo sợ nhưng mối đe dọa ở Libya vẫn còn”.
Phóng to |
Một phụ nữ Libya nổ súng vui mừng khi tổng thư ký LHQ cảnh báo chính quyền Libya phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ hành động nào tấn công vào dân thường - Ảnh: AFP |
Phóng to |
Ngoại trưởng Libya Moussa Kussa tuyên bố ngừng bắn tại buổi họp báo ngày 18-3 - Ảnh: AFP |
LHQ cho phép tấn công quân sự LybiaLybia chấp nhận ngừng bắn
Sau ba giờ thảo luận căng thẳng, tối 17-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống quân chính phủ Libya, mở đường cho các cuộc không kích Libya.
Nghị quyết cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường và buộc quân đội Libya phải ngừng bắn, kể cả thực hiện các cuộc không kích, nhưng cũng nêu rõ đây không phải là một cuộc chiếm đóng quân sự.
Nghị quyết cũng cho phép thiết lập một vùng cấm bay để ngăn chặn mọi hoạt động không quân của quân đội trung thành với ông Gaddafi để tấn công những người nổi dậy.
Thứ trưởng ngoại giao Libya Khaled Naiim phản ứng khi cho rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là “một lời kêu gọi người Libya tàn sát lẫn nhau” - AFP cho biết.
“Nghị quyết này cho thấy một thái độ thù nghịch của cộng đồng quốc tế, đe dọa sự thống nhất và ổn định của Libya” - ông Naiim tuyên bố và tố cáo “một âm mưu” của cộng đồng quốc tế cùng “ý muốn của các nước nhằm chia rẽ đất nước Libya như Pháp, Anh và Mỹ”.
10/15 phiếu ủng hộ nghị quyết
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua với 10 phiếu ủng hộ trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an. Nga, Trung Quốc vắng mặt, nhưng không sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản việc thông qua nghị quyết. Đức, Brazil và Ấn Độ cũng vắng mặt.
Nằm về phía những nước vắng mặt, Peter Wittig, đại sứ Đức, cho rằng nước ông “đã nhận thấy có quá nhiều nguy cơ lớn” trong việc sử dụng sức mạnh quân sự.” Không thể đánh giá thấp khả năng tổn thất sinh mạng trên quy mô rộng” - ông nhấn mạnh. Ông cũng nêu rõ Đức không tham gia các chiến dịch quân sự chống Libya.
Maria Luiza Ribeiro Viotti, đại sứ Brazil, giải thích Brazil “không thấy được thuyết phục bởi việc sử dụng vũ lực không thể dẫn đến kết thúc bạo lực. Điều này gây tồi tệ hơn là tốt lành cho nhân dân Libya”.
Đại sứ Nga Vitali Tchyourkine tỏ ra “lấy làm tiếc” khi cho rằng “khuynh hướng ham hố sử dụng vũ lực đã thắng thế”. Ông nhắc lại Nga trước đó đã đưa ra đề nghị kêu gọi ngừng bắn.
Đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông, nước đang đảm nhiệm chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, giải thích Trung Quốc “đã luôn chống lại việc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế”.
Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Cơ quan Kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol) lập tức tuyên bố đóng cửa bầu trời Libya “cho đến khi có lệnh mới”. Các cuộc không kích quân sự chống Libya sẽ diễn ra “nhanh”, “trong vài giờ tới” và liên minh Anh - Pháp - Mỹ sẽ tham gia trong đội hình này, người phát ngôn Chính phủ Pháp FranÇois Baroin tuyên bố.
Nhưng ông không cho biết các cuộc không kích này diễn ra chính xác “khi nào, ra sao, nhằm vào những mục tiêu, dưới những hình thức nào”.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tuyên bố ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Libya nhằm chấm dứt mọi cuộc tấn công đổ máu và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo tại Libya.
Canada cho biết sẽ đưa sáu máy bay chiến đấu CF-18 tham gia thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Anh có thể sẽ đưa máy bay tấn công Tonador 4 đến Libya. Mỹ cho biết có thể đưa vũ khí hạng nặng và pháo binh đến Libya bởi e ngại vùng cấm bay chưa hẳn là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự manh động của ông Gaddafi tấn công vào dân thường. Nguồn tin Chính phủ Ý cho biết nước này đã sẵn sàng căn cứ quân sự Sigonella ở đảo Sicily, một căn cứ gần Libya nhất của NATO, để hỗ trợ hậu cần cho hạm đội 6 của Mỹ.
Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, và ba nước đã nhất trí liên minh Anh - Pháp - Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ trong từng bước thực hiện nghị quyết.
Libya “xuống giọng”
Cùng ngày, Ngoại trưởng Libya Mussa Kussa bất ngờ tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. “Libya đã quyết định ngừng bắn và ngừng toàn bộ hoạt động quân sự ngay lập tức" - ông Kussa cho biết.
Tripoli đang khuyến khích mở các kênh đối thoại với tất cả các bên, tuy nhiên ông Kussa lại không quên ám chỉ nghị quyết trên của Hội đồng Bảo an đã làm nghiêm trọng hơn nỗi đau của người Libya.
Phản ứng trước tuyên bố này, các nước còn rất e dè. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho biết: “Chúng ta phải rất thận trọng. Ông ấy (Gaddafi) giờ đang bắt đầu lo sợ nhưng mối đe dọa ở Libya vẫn còn”.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nên đánh giá ông Gaddafi thông qua hành động chứ không phải là lời nói.
Còn lực lượng nổi dậy ở Libya vẫn không tin vào tuyên bố trên, “Gaddafi không nói sự thật... Cả thế giới này đều biết Muammar Gaddafi là kẻ nói dối. Ông ta, các con trai ông ta và cả gia đình ông ta đều nói dối” - Khalifa Heftir, thủ lĩnh phe nổi dậy, nói.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cảnh báo chính quyền Libya phải chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công vào dân thường sẽ bị đưa ra tòa án quốc tế.
“Các cuộc tấn công vào dân thường là vi phạm luật nhân quyền quốc tế, những cá nhân nào đã hoặc sẽ vi phạm luật này sẽ bị đưa ra tòa án quốc tế. Đây là thời điểm thích hợp để chính quyền Libya phải dừng mọi hành động thù nghịch đối với dân thường” - ông Ban Ki Moon nhấn mạnh.
Lệnh ngừng bắn được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Gaddafi tuyên bố không khoan nhượng nếu quốc tế can thiệp quân sự vào Libya. AFP cho biết ngày 18-3, quân đội Libya đã đánh chiếm thành phố Misrata bất chấp nghị quyết của Hội đồng Bảo an vừa thông qua. Đây là thành phố lớn thứ ba ở phía tây Libya do lực lượng nổi dậy kiểm soát.
Trước đó, Đài truyền hình Arabbia dẫn lời ông Saif al-Islam, con trai ông Gaddafi, tuyên bố Libya sẽ điều các lực lượng chống khủng bố vào thành phố Benghazi để tước vũ khí của phe nổi dậy, còn lực lượng quân đội sẽ bao vây thành phố này chứ không tiến vào sâu bên trong.
Đụng độ cũng đã xảy ra ở các thành phố phía tây Nalut và Zintan. Trước đó ngày 17-3, quân Libya đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích vào thành phố phía đông Benghazi.
Bộ Quốc phòng Libya cảnh báo bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài vào Libya cũng sẽ đặt giao thông đường biển và hàng không ở khu vực biển Địa Trung Hải vào vòng nguy hiểm, đồng thời các cơ sở quân sự và dân sự sẽ trở thành mục tiêu phản công của Libya.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận