20/03/2014 07:01 GMT+7

Lên mạng tìm thầy miễn phí

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Nếu như việc online ở giới trẻ trước đây thường gắn với các hoạt động giải trí đơn thuần như xem phim, nghe nhạc, lướt mạng xã hội hoặc tán gẫu... thì hiện đã xuất hiện xu hướng mới đầy tích cực: lên mạng để tìm cơ hội trao đổi kiến thức, học tập miễn phí.

wi66ncvd.jpgPhóng to
Không chỉ mang tính giải trí, thế giới mạng còn cung cấp rất nhiều cơ hội học tập, nâng cao kiến thức hiệu quả cho bạn trẻ Ảnh: C.Nhật

Thực chất mô hình giáo dục trực tuyến miễn phí đã xuất hiện từ khá lâu trên thế giới, có thể kể đến một số trang web uy tín như: Coursera (được sáng lập bởi hai giáo sư thuộc ĐH Stanford, Mỹ), edX (sáng lập bởi Học viện Công nghệ MIT và ĐH Harvard, Mỹ), MITx (thuộc Học viện Công nghệ MIT), Khan Academy, Udacity... Chỉ với một vài thao tác đơn giản, thành viên đã có thể tiếp xúc với nguồn tài liệu, bài giảng đồ sộ về hàng trăm lĩnh vực: khoa học, kỹ thuật, kinh tế, kiến trúc, luật...

Ngập tràn “tài nguyên” trên mạng

Từng có thời gian dài theo học online với trang Coursera và Khan Academy, bạn Nguyễn Minh Mẫn (ĐH RMIT TP.HCM) cho biết đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực kinh tế cũng như ngày càng hứng thú với mô hình học tập này. “Ngoài việc linh động hơn về thời gian, tiết kiệm chi phí đáng kể thì kiểu học này còn giúp tôi rèn luyện khả năng tự giác, độc lập trong học tập. Đó là chưa kể việc tôi được trải nghiệm những khóa học của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới” - bạn giải thích. Những bạn trẻ như Mẫn khá nhiều, ngay trong tháng đầu tiên ra đời trang Coursera thông tin số thành viên từ VN đã vượt qua con số 5.000.

Tuy nhiên, các trang web trên hầu hết đều chỉ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và điều này dễ làm nản lòng nhiều bạn trẻ Việt muốn tiếp cận. “Tôi đăng ký đó rồi bỏ ngay” - Lê Ý Nhi (21 tuổi, Q.3) than thở.

Nắm bắt được nhu cầu trên, một số trang web được thiết kế dành riêng cho giới trẻ Việt đã manh nha xuất hiện những năm gần đây. Có thể kể đến những trang học trực tuyến miễn phí như: Zuni, ViettelStudy, tienganhonline... hoặc với học phí tượng trưng như: Moon, hocmai... Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng hầu hết các trang web này đều có nguồn bài giảng dồi dào, thu hút đông đảo bạn trẻ Việt tham gia.

Tìm đến mô hình học trực tuyến từ tháng 5-2013, bạn Lê Tấn Ý (ĐH Ngoại thương TP.HCM) cho biết việc bạn đậu ĐH với điểm số ấn tượng (27,5 điểm/ba môn) cũng phần nào nhờ sự hỗ trợ từ các trang web trên. “Bên cạnh việc được học miễn phí những kiến thức gần gũi với giáo dục trong nước, cách học này còn giúp chúng tôi có thể giao lưu, trao đổi bài vở với những bạn học cùng trình độ, từ đó đánh giá bản thân đang ở đâu để vạch ra hướng phấn đấu phù hợp” - bạn chia sẻ.

Không chỉ là kiến thức

“Trước đây mình đã “nhận” nhiều thì bây giờ tự thấy phải “cho” lại. Chưa kể tôi còn có một đứa em học lớp 11 nên tham gia dự án này coi như cơ hội để tôi truyền lại kiến thức cho em cũng như cộng đồng” - Tấn Ý giải thích về quyết định mỗi tuần dành 7-8 giờ làm tình nguyện viên cho một trang web dạy học trực tuyến miễn phí sau khi đậu ĐH. Còn bạn Anh Vũ (ĐH Bách khoa TP.HCM) thú nhận: “Từ ngày biết các trang web này, mình bớt đi khá nhiều khoản thời gian vô bổ cho game, chat chit mỗi khi lên mạng”.

“Theo dõi mảng giáo dục trực tuyến trong thời gian dài, tôi thấy việc ứng dụng công nghệ để phát triển giáo dục nước nhà là một ý tưởng rất hay. Càng ý nghĩa hơn khi việc chia sẻ bài giảng online có thể giúp học sinh và thầy cô giáo khắp mọi nơi thêm xích lại gần nhau. Chính vì thế tôi rất ủng hộ và tham gia mô hình này ngay khi được mời” - PGS Văn Như Cương (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ với NST về quyết định trở thành cố vấn cho dự án Zuni.

“Người học có thể tìm bài giảng để nghe lại bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, mô hình này còn có tính nhân văn đối với những học trò không có điều kiện đi học thêm” - ông nói.

Học online sao cho hiệu quả?

Chia sẻ về điều này, bạn Lê Minh Cường (thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Trước tiên, người học nên kiểm tra mức độ uy tín của những trang web. Nên tránh tình trạng đăng ký tràn lan để rồi dễ bị lạc vào nguồn tài liệu đồ sộ trên mạng, việc học theo đó sẽ chẳng tới đâu”. Minh Cường cũng cho rằng người học cần tìm những trang web có sự tương tác cao giữa người học (sẽ càng tốt nếu đó là người cùng tuổi) để dễ giao lưu, chia sẻ các kiến thức, khó khăn đang vướng mắc.

Còn Tấn Ý gợi ý rằng người học cần chọn những tài liệu, bài giảng phù hợp với trình độ. “Nên chọn những bài giảng của các thầy cô giỏi, có số lượt cảm ơn và “like” (thích), điểm tích lũy cao trên các trang web. Bên cạnh đó cũng nên tham khảo lời giải của một số thành viên trên diễn đàn bởi đôi khi lời giải của họ còn hay và sáng tạo hơn cả thầy cô” - Tấn Ý bổ sung.

Với trang Examtime, người học online cần phải lưu ý một số điều: lên kế hoạch học tập rõ ràng và phù hợp với trình độ của bản thân, tránh trường hợp học dồn dẫn đến kém hiệu quả. Còn trang Onlinecampus cho rằng việc học online có tính “thử thách” hơn nhiều so với hình thức học truyền thống (nhất là với những ai thiếu tính kỷ luật, dễ bị mất tập trung), trong đó kỹ năng quản lý thời gian là quan trọng nhất. Ngoài ra, người học cần có kỹ năng đọc và ghi chú tốt để có thể khai thác hiệu quả nhất cách học này.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên