02/08/2015 09:15 GMT+7

Lên kế hoạch thích nghi với biến đổi khí hậu

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - 18 năm sinh sống và làm việc ở VN, tôi đã chứng kiến rất nhiều những thay đổi của khí hậu với môi trường và con người VN.

Một người dân ở vùng biển Ba Động, xã Trường Long Hòa, H. Duyên Hải (Trà Vinh) bên dấu tích của cánh rừng phi lao bị sóng biển đánh trôi - hậu quả của biến đổi khí hậu - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Những gì các bạn đã đọc và nghe thấy về hiện tượng thiếu nước ngọt ở Rạch Giá, miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu, nước mặn lấn sâu vào trong các con sông, rạch... mà báo Tuổi Trẻ nêu ra gần đây chính là sự thay đổi phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tình hình sẽ ngày càng tệ hơn

Có một thực tế là đã và đang xảy ra hiện tượng hạn hán trên diện rộng ở VN, nước mặn xâm nhập mạnh mẽ không chỉ ở ĐBSCL mà còn ở nhiều vùng khác vì biến đổi khí hậu.

Vấn đề là chúng tôi và cả những nhà khoa học không thể dự báo chuyện gì có thể xảy ra trong tuần sau, tháng sau chứ đừng nói đến là năm sau và càng không thể là các năm sau nữa.

Dự báo là điều không thể thực hiện được trong việc biến đổi khí hậu. Với những gì đã xảy ra, điều chúng ta có thể dự báo là tình hình sẽ diễn ra ngày càng tệ hơn nên phải tính toán đến các kế hoạch thích nghi với điều kiện khắc nghiệt hơn.

Đã có những hỗ trợ tốt từ tổ chức Hội Chữ thập đỏ như: cung cấp nước ngọt cho các hộ dân bị ảnh hưởng ngập mặn, đào sâu thêm giếng... nhưng đây chỉ là cách hỗ trợ trước mắt và không thể dùng những biện pháp này để đối phó với các kịch bản biến đổi khí hậu sẽ xảy ra.

Chúng ta cần tiến hành các chính sách dài hạn, người dân cũng phải đa dạng kế sinh nhai vì chắc chắn sẽ có nhiều vùng ở VN không còn thích hợp và dễ dàng để trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, nuôi gia cầm... thậm chí là không thể sinh sống ở những nơi này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ở những vùng này chính quyền nên thông tin rõ ràng để người dân có thể chủ động dần dần thay đổi tập quán sinh sống, nuôi trồng, canh tác... thậm chí phải tính đến phương án chuyển đến những vùng khác vì không thể áp dụng phương thức canh tác và sinh sống như bao đời nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ông Koos Neefjes - Ảnh: LÊ NAM

Tỉnh xa, nông thôn chưa chuẩn bị để thích nghi

Nhiều ý kiến cho rằng làm thế nào để có thể ngăn chặn sự nhiễm mặn ở ĐBSCL, câu trả lời là không thể và chúng ta chỉ có thể làm giảm thiểu khả năng nhiễm mặn mà thôi.

Người dân ở dọc bờ biển vùng ĐBSCL phải hiểu là không thể chấm dứt điều này, nước mặn vẫn sẽ tồn tại ở đó, vì vậy phải thay đổi tập quán canh tác. Chính phủ cũng vì thế phải thay đổi chính sách cung cấp nước ngọt, nước sạch cho người dân ở vùng này.

Trong thời gian ở VN, tôi nhận thấy có nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố, chuẩn bị và thực hiện rất tốt việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, từ tài chính đến con người, chuyên gia...

Chẳng hạn TP Cần Thơ đã nhận thấy khả năng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thành lập một ủy ban riêng cho vấn đề này để chuẩn bị các phương án đối phó, chuẩn bị nguồn tài chính và cả nhân lực từ Trường ĐH Cần Thơ cho các vấn đề liên quan.

Cần Thơ hiểu rằng họ không thể thay đổi tình hình biến đổi khí hậu mà phải thích nghi và cố sống cùng với nó. Còn TP Đà Nẵng, TP Quy Nhơn đã tính toán đến khả năng mở rộng thành phố trong quy hoạch nếu có những kịch bản xấu xảy ra do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, các vùng nông thôn, tỉnh xa lại chưa có những chuẩn bị về tài chính và nhân lực cho kịch bản biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ xảy ra. Tôi hiểu Chính phủ và các tổ chức liên quan cũng đã tính đến các chính sách hỗ trợ những vùng này nhưng chưa nhiều. 

Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các địa phương

Ở cấp độ trung ương, nếu so sánh với các quốc gia khác, tôi nghĩ Chính phủ VN đã thực hiện tốt việc ứng phó với các kịch bản của biến đổi khí hậu bằng những cơ cấu, chính sách phát triển nhanh và hiệu quả.

Chính phủ cũng đã sử dụng một số nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế cho vấn đề này một cách khá hiệu quả. Tuy nhiên, để nguồn vốn này đến được chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì phải phân bổ tốt hơn nữa.

Các địa phương này vẫn phải dựa gần như hoàn toàn vào ngân sách của địa phương cho các phương án đối phó với biến đổi khí hậu, trong khi vấn đề này cần nhiều nguồn vốn hơn nữa mới có thể triển khai hiệu quả được.

Tôi nghĩ Chính phủ nên ưu tiên việc phân bổ nguồn tài chính cho các địa phương để họ có thể chủ động lên kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có thể nguồn vốn chỉ đủ để triển khai vài kế hoạch ứng phó, nhưng nếu cùng lúc có nhiều địa phương cùng được thực hiện sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. VN cũng cần phải tập hợp các chuyên gia giỏi, những người có thể tập huấn được người khác để ứng phó với biến đổi khí hậu.

KOOS NEEFJES 
(Người Hà Lan, cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu của UNDP tại Việt Nam)

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên