08/09/2013 08:00 GMT+7

Lên đỉnh núi Chúa

TRƯƠNG ANH QUỐC
TRƯƠNG ANH QUỐC

AT - Một chiều đẹp trời vượt đèo Le hóng gió, chợt thấy ngọn núi Chúa (Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam) sừng sững trước mặt, tôi hỏi người dân gần đó lên đỉnh núi ấy mất bao lâu. Họ tròn mắt: Làm gì có ai lên đó! Mấy người già còn nói rằng trên ấy có bà chúa Hòn Dền.

Mỗi khi trời sắp mưa dông có tiếng ầm ầm, bà chúa mở cửa động. Đàn dơi của bà sẽ bay túa ra. Lâu nay bà đi làm dâu ngoài bán đảo Sơn Trà nên vắng tiếng sấm. Núi Chúa linh lắm, không kiêng, đi mấy ngày sẽ không về đến nhà.

mCpOFtmh.jpgPhóng to
Sông Thu Bồn nhìn từ đỉnh núi Chúa

Đi một mình thì nguy hiểm quá, lại không thông thạo đường, tôi phải tìm người đi chung. Cuối cùng cũng có người tên Hùng chịu dắt tôi đi. Mờ sáng hôm sau tôi chuẩn bị đầy đủ thức ăn nước uống đến nơi đúng hẹn.

Khi vào bìa rừng, theo lối mòn nhỏ chúng tôi phăm phăm lên núi. Trời miền Trung đang những ngày hè oi bức, mồ hôi nhỏ ròng ròng ướt đẫm cả áo. Đến hố Trường, chúng tôi dừng lại nghỉ chân. Hố khô không còn giọt nước. Một hòn đá mòn hơn một góc do người đi núi nghỉ chân mài rựa. Cũng đã đến nửa buổi. Mở balô, mang mấy cái bánh gói ra đặt trên hòn đá cao. Khi lên rừng thường mời cô bác trước khi dùng bữa, đó cũng là nét văn hóa. Người đi núi rừng luôn tâm niệm cần kiêng cữ trong lời ăn tiếng nói. Có kiêng mới có lành.

Chúng tôi cắt rừng mà đi. Gai mây nước tươi rói nhọn và dài hơn mũi kim tiêm, nhánh tua gai tựa những chùm lưỡi câu móc vào da thịt, đau buốt. Đi thêm một đoạn nữa, có vách đá đen ngòm trước mặt: xai Ấp Chuông. Người dân địa phương gọi vách đá lớn trên núi là "xai". Núi Chúa còn có thêm hai xai: xai Giữa, xai Ông Tố, vách đá cao hàng mấy trăm mét, dựng đứng như bức tường khổng lồ.

Lắm lúc phải bu rễ cây hay vách đá, đu mình mới nhích được từng chút. Sau ba bốn lần bị đá lở, tôi cũng rút kinh nghiệm: leo núi, bám rễ cây sẽ tốt hơn bám đá. Đá có thể lở bất cứ lúc nào, khi lăn xuống sẽ đè vào người mình.

Trèo lên được đỉnh xai Ấp Chuông, đất trời bao la, không khí trong lành, gió mát rười rượi. Bên dưới là hồ Phước Bình xanh leo lẻo. Hướng đông là đỉnh núi Hòn Tàu mây phủ trắng. Hướng nam là núi Bàn Thùng và dãy hòn Ngang. Cánh đồng Đình và đồng Bàu đang vào mùa sạ, những ô vuông vức như cuốn vở.

Phía tây, dòng sông Thu Bồn quanh co uốn lượn từ Hòn Kẽm ra đến Đại Lộc, ôm lấy làng cây trái Đại Bình xanh ngăn ngắt. Khúc sông qua ngang dinh Bà chúa Thu Bồn, hai bên cát vàng ruộm. Bà chúa Thu Bồn ngày trước dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Nay chẳng thấy dâu tằm đâu, khắp nơi toàn một màu cây keo xanh biêng biếc.

CrIFbQeN.jpgPhóng to
Trên đỉnh núi Chúa

Núi Cà Tang nhọn như bầu ngực thiếu nữ, nơi nhà thơ Bùi Giáng từng một thời chăn dê. Vùng Tân Tỉnh có núi cao hiểm trở vây quanh, sông sâu bao bọc. Bởi vậy ngày trước chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu đã chọn nơi đây làm căn cứ kháng Pháp lâu dài.

Trên xai đá Ấp Chuông, ngày trước máy bay trực thăng địch thả lính đóng quân. Những hòn cuội cùng sỏi dính chặt vào khối đá lớn trông cứ như lô cốt dang dở. Nhìn kỹ mới thấy không đúng. Không phải do bàn tay con người mà là đá tự nhiên. Đá núi kết hợp với đá sông thành một khối hỗn hợp. Thật lạ, trên đỉnh núi làm gì có đá sông?

Rõ ràng là có đá cuội từ sông. Đá sông cuộn tròn trôi theo dòng nước bao tháng năm, bị mài mòn hết góc cạnh thành những hòn đá cuội với nhiều màu sắc khác nhau. Đá cuội rắn chắc. Nếu không rắn chắc chúng đã bị vỡ thành cát, thành bột lẫn vào nước chảy ra biển cả rồi.

Ngày xưa, dung nham từ lòng đất phun lên cuộn theo cát đá, khi nguội đông lại thành ngọn núi Chúa. Dung nham không phun lên từ đỉnh núi thông thường như ta biết mà chính giữa dòng sông. Trong quá trình tạo sơn của lớp vỏ trái đất, núi Chúa ngày xưa là đáy của một dòng sông nên trên đỉnh núi mới có đá sông và đá núi kết thành một khối. Cũng có thể chính dòng sông Thu Bồn bây giờ hoặc một con sông trong vùng đã mất tích.

Từ trên núi Chúa nhìn xuống, những chiếc xe tải bé như con kiến chở than từ mỏ Nông Sơn. Mỏ than đá lộ thiên khai thác từ thời Pháp đến nay vẫn chưa hết. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày trước quá trình biến đổi lớp vỏ trái đất, khu vực này đã từng bị đảo lộn. Rừng già nguyên sinh bị chôn vùi tạo thành mỏ than đá.

Lên núi cao mới nhìn được xa trông rộng. Cứ ở mãi dưới đồng, chỉ có nghe tiếng còi xe inh ỏi nhức cả đầu. Do sự quay, trái đất càng ngày càng tròn. Sông sâu, núi cao tự nhiên bền vững. Những ai đang và có ý muốn đào núi ngăn sông là việc làm trái với tự nhiên, sẽ phá đi cấu trúc bền vững ấy.

Khi xuống núi, chúng tôi đã đi một lối khác. Đi đường khác có cơ hội khám phá điều mới mẻ. Con đường có thể thay đổi, tùy thuộc vào việc ta có muốn tìm con đường khác hay không.

Lúc ra khỏi cánh đồng dưới chân núi Chúa, tôi còn ngoái đầu lại nhìn thêm mấy lần. Trời chiều, những chú chim ó dang đôi cánh rộng lượn trên đỉnh núi. Lên đỉnh núi, sẽ bớt tin những câu chuyện hoang đường thêu dệt ngày một nhiều.

Từ nay, nếu có dịp đi ngang, khi nhìn lên ngọn núi Chúa cao ngất ngưởng, tôi sẽ mỉm cười: Mình đã từng chinh phục ngọn núi ấy.

JnS8T0qb.jpgPhóng to

Áo Trắng số 16 ra ngày 1/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRƯƠNG ANH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Quảng Nam núi Chúa