Sơn tra bung nở dọc hai bên đường dẫn vào bản - Ảnh: QUANG KIÊN
Sơn tra còn có tên gọi quen thuộc là táo mèo, đây là một loài cây đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cho bà con ở các tỉnh Tây Bắc. Trước đây, cây thường mọc tự nhiên ở rừng, sau được người dân đưa về trồng khắp nơi trong bản.
Cứ mỗi độ tháng 3 về, cả bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La lại được phủ trắng bởi thảm hoa sơn tra nở khắp núi rừng. Hiện, diện tích trồng sơn tra ở Nậm Nghiệp lên đến gần 13.000ha, cây sơn tra không chỉ giúp người dân ở đây cải thiện kinh tế mà còn giàu tiềm năng du lịch.
Ở Nậm Nghiệp, sơn tra được trồng thành rừng với diện tích gần 13.000ha - Ảnh: QUANG KIÊN
Để đến với rừng hoa sơn tra này, du khách sẽ trải qua hành trình dài 173km (tính từ trung tâm thị trấn Mộc Châu), cung đường không quá xa nhưng chứa đựng đầy thử thách với những ai thích trải nghiệm, khám phá. Đường đến bản Mông này chủ yếu là đường đèo quanh co, riêng 11km cuối khi gần tới Nậm Nghiệp, du khách sẽ đi đường núi, dốc đứng, ngoằn ngoèo.
Ngay khi vừa đặt chân đến đầu bản, du khách sẽ bắt gặp những hàng cây sơn tra đang đua nhau nở, được trồng từ lâu nên nhiều gốc sơn tra ở đây khá to, một người ôm không xuể. Hoa sơn tra có màu trắng muốt, nhụy vàng, hoa thường nở thành từng chùm. Mùa hoa kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, giữa tháng 3 là thời điểm hoa nở đẹp nhất.
Hoa sơn tra có màu trắng, cánh tròn, hoa nở thành từng chùm xinh xắn - Ảnh: QUANG KIÊN
Đến với Nậm Nghiệp, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng thiên đường sơn tra bung nở, mà còn được khám phá văn hóa, ẩm thực của người dân bản địa. Cùng nhóm bạn lần đầu "săn" hoa sơn tra, chúng tôi đã có kỷ niệm đáng nhớ khi "xin ăn" của dân bản.
"Nhóm mình lên đến nơi đúng vào giữa trưa nên ai cũng đói, đồ ăn lại không chuẩn bị. Một người bạn của mình đã "đánh liều" vào nhà dân hỏi mua đồ ăn. Đúng lúc mọi người đang dùng bữa nên được chủ nhà mời ăn luôn. Chúng mình cũng may mắn khi được thưởng thức rượu táo mèo "xịn" cùng người dân, đây chính là đặc sản từ quả cây sơn tra.
Người dân ở đây rất thân thiện, mến khách và luôn sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần. Bà con cũng chia sẻ trong thời gian tới, người dân trong bản sẽ làm dịch vụ ăn uống để phục vụ du khách khi đến đây tham quan", Quang Kiên chia sẻ.
Tại Nậm Nghiệp, nhà nào cũng trồng sơn tra tạo nên khung cảnh nên thơ, vừa nhìn đã muốn chụp ảnh ngay - Ảnh: QUANG KIÊN
Là một địa điểm mới trên bản đồ du lịch của tỉnh Sơn La, rừng sơn tra Nậm Nghiệp mới chỉ được ít người biết đến, các dịch vụ du lịch còn ít. Để nghỉ lại tại bản, du khách có thể liên hệ với nhà dân để nghỉ qua đêm với chi phí 100.000 đồng/người/đêm hoặc mang thêm lều để cắm trại. Bên cạnh đó, du khách nên chuẩn bị đầy đủ quần áo ấm để tránh cảm lạnh vì nhiệt độ ở Nậm Nghiệp thường giảm mạnh vào đêm và sáng sớm.
Kết thúc mùa hoa, cây sơn tra sẽ kết quả và cho thu hoạch vào tháng 9, tháng 10. Quả sơn tra được bà con người Mông ngâm rượu, ngâm mật ong, đường. Quả loại to được người dân bán với giá 300.000 đồng/kg.
Ngoài vẻ đẹp của rừng hoa sơn tra, tại bản Nậm Nghiệp, du khách cũng có thể lưu trú dài ngày để ngắm bình minh, hoàng hôn và săn mây. Riêng với những du khách thích trekking, từ xã Ngọc Chiến có thể chinh phục Tà Chì Nhù - nóc nhà Yên Bái (có độ cao 2.979m so với mực nước biển) chỉ sau 1,5 giờ đồng hồ.
Du lịch ở Nậm Nghiệp chưa phát triển, du khách có thể thỏa thích tận hưởng không gian yên bình, nhâm nhi vài tách trà dưới gốc sơn tra - Ảnh: QUANG KIÊN
Sơn tra cũng trở thành chỗ trú nắng cho vật nuôi của dân bản - Ảnh: QUANG KIÊN
Nhiều gốc sơn tra lớn một người ôm không xuể - Ảnh: QUANG KIÊN
Mùa hoa sơn tra kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 4 hằng năm - Ảnh: QUANG KIÊN
Bất cứ góc nhỏ nào ở Nậm Nghiệp cũng đều khiến du khách xao xuyến - Ảnh: QUANG KIÊN
Con đường dẫn vào bản thấp thoáng những mái nhà của người Mông - Ảnh: QUANG KIÊN
Hoa sơn tra nổi bật trên nền trời xanh - Ảnh: QUANG KIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận