12/01/2013 06:30 GMT+7

Lệ Thủy - Người tự thắp sáng cho mình

HÀ THANH ghi
HÀ THANH ghi

TT - “16 tuổi đoạt giải thưởng Thanh Tâm - giải thưởng cao quý của cải lương một thời, tôi chính thức giã từ tuổi thơ lam lũ.

8LYlENxa.jpgPhóng to

NSND Lệ Thủy - Ảnh: Minh Hoàng

Suốt những tháng ngày danh vọng, bên tai tôi luôn văng vẳng lời căn dặn của má và dì Tư: sống trong sạch, có trước có sau, đừng để bị gièm pha “xướng ca vô loài”.

Đi hát để không bị đói

Chiều chiều, tôi nách đứa em nhỏ từ đường Tôn Đản ra tuốt chợ Cầu Cống. Đứng ngay cột đèn ngóng lên cái radio, vừa đút cơm cho em vừa nghe hát. Radio phát bài cải lương nào, tôi thuộc bài đó. Mỗi bận đưa em ngủ, tôi nghêu ngao hát lại cho nó nghe. Có lần, anh Tư Long ở xóm dưới đi ngang, ghé vô hỏi: “Đi ban văn nghệ không?”, tôi hí hửng gật đầu.

Lời mời ngang hông đó trở thành bước ngoặt định mệnh. Ảnh giới thiệu tôi đi học ca với ông nhạc sĩ Năm Truyền ở xóm dưới. Học đủ sáu câu vọng cổ, tôi hí hửng đi ca đám cưới với mấy bạn nhỏ cùng lứa. Rồi tôi quyết định nghỉ học, đi ca kiếm tiền phụ cha mẹ. Người xung quanh hay tin, kéo mẹ tôi lại nói: “Trời ơi, bà nghèo thì nghèo chớ bộ không đủ sức nuôi nó sao? Cho nó đi gánh hát là hư đó. Xướng ca vô loài mà...”.

Thời đó, chuyện xin vào đoàn hát rất khó khăn. Những đứa nhỏ như tôi muốn vào đó vừa phải được gửi gắm vừa phải có cơ hội phô diễn tài năng trước mắt mọi người. Một người quen xin giùm cho tôi vào hát vai ấu (vai trẻ con) trong đoàn hát Thống Nhất của danh ca Út Trà Ôn nhưng họ từ chối. Sau, má đưa tôi tới Biên Hòa gặp nhạc sĩ đánh đờn kìm Mười Của. Ông đồng ý nhận tôi làm con nuôi để tôi có danh phận vào đoàn Trâm Vàng. Đoàn hát thường xuyên rày đây mai đó.

Trên xe đò, các hàng ghế được xếp theo thứ tự nhất định. Hàng đầu tiên dành cho đào chánh - kép chánh, hàng ghế thứ hai là đào nhì - kép nhì, rồi đào độc - kép độc, dàn múa... tới lượt tôi, “ghế” là cái bao đựng mền gối đoàn hát. Mới qua một bến xe, tôi thấy sao buồn quá, nhưng ngặt nỗi nhà nghèo, đành bấm bụng theo tiếp. Thương tôi, ba mẹ nuôi nhờ chị Kim Hà (lúc đó đang là đào chánh của đoàn) nhận tôi làm em nuôi.

Tôi dần học được nề nếp, tôn ti đặc trưng của đoàn hát: không đi ngang mặt đào chánh - kép chánh, không ngồi vào chỗ của người khác, ăn cơm hội với những người ngang hàng với mình (sáu người/mâm)... Vì rỗi rãi nên tôi hay thỏ thẻ xin rửa chén “thuê” cho mấy chú nhạc công, kiếm thêm chút đỉnh tiền.

Một thời gian sau, tôi được ngâm hậu trường (đứng trong cánh gà ngâm một đoạn thơ diễn tả tâm trạng cho nhân vật...), đóng thế vai con trai rồi lên đào nhì. Cùng lúc đó, băng nhạc “Cha về cõi Phật” thâu giọng hát của tôi hai năm trước được tung ra. Nhiều nơi ngỏ lời mời, cuối cùng tôi chọn đầu quân vào Công ty Kim Chung. Năm 1964, tôi lãnh huy chương vàng giải thưởng Thanh Tâm. Khi đó tôi 16 tuổi, là cô đào trẻ nhất vinh dự nhận giải này. Tiền làm được bao nhiêu, tôi gửi hết về cho mẹ nuôi gia đình.

Tự thắp sáng, không che ánh sáng của người khác

Vừa diễn, tôi vừa học. Sân khấu dạy tôi nhiều điều không có trong sách vở. Mỗi ngày tôi đều tự rèn cách ca diễn của mình. Cầm trên tay một kịch bản, tôi đặt mình vào vị trí của nhân vật để thấu hiểu cốt cách, diễn biến tâm trạng trong từng phân cảnh. Tôi nghiên cứu cách kéo âm, nhả chữ sao cho người nghe hình dung được từng hành động của tôi dù họ có che mắt, không nhìn lên sân khấu.

Biến hóa theo bạn diễn là cách mà tôi hòa thành một đôi với họ trên sân khấu. Ví như diễn với anh Minh Vương, tôi ca bốc, nhanh nhanh theo ảnh. Với Thanh Sang, tôi hát và diễn dịu lại. Với Châu Thanh, tôi phải lựa câu hát luyến nhiều hơn. Ở trên sân khấu, chúng tôi nhường nhau ánh sáng từng ngọn đèn. Người thương bạn diễn là người biết chọn vị trí đứng để mình và bạn cùng sáng. Hôm nào bạn không khỏe, hơi yếu, tôi ráng hát chồng lên đoạn ngân cuối lời hát của bạn để phụ che cái khuyết đó.

Người nghệ sĩ không được phép đi theo lối mòn, phải sáng tạo để đêm diễn nào cũng mới. Mỗi đêm, tôi sáng tạo thêm một chút dựa trên đường dây kịch bản sẵn có. Tôi tự thoại thêm một số câu, đối đáp tung hứng cùng bạn diễn, thêm thắt một số cử chỉ, ánh mắt trong các phân cảnh...

Nhìn lại quãng đời tuổi trẻ, tôi nhận thức rõ ràng rằng những thứ tôi đang có đều do tổ đãi. Vì hiểu điều đó nên không một đêm nào tôi bỏ hát, không một lúc nào tự cho phép mình lười nhác hay coi thường khán giả, cả khi rơi vào đáy khó khăn, khủng hoảng”.

Số phận ở trong tay mình

Nhiều người nói cái tên như điềm báo vận vào số phận một con người. Với tôi, quãng đời đã qua chẳng nhiều nước mắt như “Lệ Thủy”. Tôi đi theo nghiệp hát trên con đường trải đầy hoa hồng. Và ở đó, tổ đãi cho tôi được bạn diễn quý mến, khán giả thương yêu. Nếu quay ngược thời gian về quá khứ, tôi cũng chọn lối đi này.

HÀ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên