Ông Lê Thanh Nghị lại cũng là người khiến chuyên gia Liên Xô từng đánh giá là mơ mộng khi phát biểu muốn xây đập thủy điện trên sông Đà từ năm 1968 phải xin lỗi. Cũng chính người không biết đến tiêu tiền ấy lại ủng hộ khoán chui - khoán sản phẩm, đổi mới trong quản lý nông nghiệp, đổi mới đất nước.
Lời xin lỗi chuyên gia Liên Xô muốn nói với "người mộng mơ" Lê Thanh Nghị
Ông Lê Thanh Nghị khi thăm Liên Xô vào năm 1968 trong cương vị phó thủ tướng Chính phủ đã nói đến ý tưởng xây dựng con đập thủy điện trên sông Đà. Khi trao đổi về triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô, ông Lê Thanh Nghị đã đề xuất trong vài năm tới thực hiện các hoạt động khảo sát xây dựng nhà máy thủy điện trên sông Đà.
Nghe tới đó, ông E. Glazunov - người phụ trách hoạt động hợp tác giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Việt Nam vào lúc bây giờ - đã ghi chép vào sổ tay: "Đồng chí Lê Thanh Nghị mơ mộng!".
Nhưng khi là một trong những người được chứng kiến Nhà máy thủy điện Hòa Bình được bàn giao và đưa vào vận hành ngày 19-12-1994, ông Glazunov khi đó là chủ tịch danh dự của Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam, đã bày tỏ muốn nói lời xin lỗi về sự "nông nổi" của mình năm xưa khi cho rằng ông Lê Thanh Nghị là kẻ mơ mộng.
Tất nhiên ông Glazunov dường như có lý do hợp lý để đánh giá ý tưởng của ông Lê Thanh Nghị là mơ mộng. Cả Đông Nam Á hồi ấy đều chưa từng biết tới quy mô xây dựng như công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình được khởi công xây dựng vào năm 1979.
Nhưng rồi những công trình công nghiệp lớn của Việt Nam đã được xây dựng ở miền Bắc những năm ông Lê Thanh Nghị được giao phụ trách kinh tế đất nước.
Sau này, chính ông cũng là người ủng hộ đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Ông đã thay mặt Ban Bí thư ký ban hành chỉ thị số 100 (tháng 1-1981), về "Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp", đặt tiền đề cho phát triển kinh tế thị trường trong tổ chức sản xuất và phân phối của hợp tác xã nông nghiệp.
Trước đó, khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin tưởng giao phụ trách công tác vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ, ông Lê Thanh Nghị đã thể hiện bản lĩnh của một nhà ngoại giao kiên định, bình tĩnh, linh hoạt, khiến các nước bạn ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình cả về vật chất và tinh thần cho Việt Nam.
Ông phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước không biết đến tiêu tiền
Trong ký ức của những người con, ông Lê Thanh Nghị là một người của công việc. Cả đời ông hầu như không biết đến tiêu tiền. Thời kỳ ông hoạt động cách mạng thì dân nuôi. Thời kỳ xây dựng đất nước thì toàn bộ thời gian của ông đều dành cho công việc, nên mọi chi tiêu cho sinh hoạt đều do vợ ông hoặc cơ quan lo cho ông.
"Thậm chí ông chưa bao giờ cầm tới tiền mặt tuy là người phụ trách về kinh tế của đất nước", ông Lê Thành Công, con trai ông Lê Thanh Nghị, nhớ lại.
Những câu chuyện thú vị này về cố Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng, cống hiến cho đất nước của ông bạn đọc có thể tìm thấy trong bộ sách 4 cuốn vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng - Tỉnh ủy Hải Dương xuất bản nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Lê Thanh Nghị.
Bộ sách gồm bốn cuốn: Lê Thanh Nghị tiểu sử; Đồng chí Lê Thanh Nghị - Nhà chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và Lê Thanh Nghị tuyển tập (2 tập), vừa được ra mắt ngay tại nhà tưởng niệm ông Lê Thanh Nghị tại quê nhà xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đồng thời với sự kiện khởi công dự án tu bổ tôn tạo nhà lưu niệm Lê Thanh Nghị vào ngày 31-8.
Bộ sách gồm tiểu sử chi tiết của ông Lê Thanh Nghị, tập hợp những bài viết, bài phát biểu, hồi ký của ông Lê Thanh nghị cũng như những bài viết về ông của đồng chí, bạn bè, người thân.
Ông Lê Thanh Nghị (tên thật là Nguyễn Khắc Xứng) sinh ngày 6-3-1911 trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước tại làng Thượng Cốc, huyện Tứ Lộc (nay là thôn Bình Đê, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc), tỉnh Hải Dương.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ông trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng khi đang làm công nhân ở Hải Phòng.
Ông là nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng, có nhiều đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tiến hành kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cho đến thời kỳ tiến hành xây dựng, phát triển đất nước.
Với nhiều công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Đảng và Nhà nước.
Ông mất ngày 16-8-1989, tại Hà Nội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận