21/04/2022 12:11 GMT+7

Le Parisien: 'Macron tấn công, Le Pen phòng thủ'

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Ông Macron: "Bà phụ thuộc vào Chính phủ Nga và phụ thuộc vào ông Putin". Bà Le Pen nói ông Macron là "kẻ đạo đức giả về khí hậu" và có lúc đã nổi nóng trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 20-4.

Le Parisien: Macron tấn công, Le Pen phòng thủ - Ảnh 1.

Tổng thống Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Marine Le Pen tranh luận trực tiếp trên truyền hình ngày 20-4 - Ảnh: REUTERS

Nền kinh tế, giá năng lượng, châu Âu, khí hậu… cùng rất nhiều số liệu đã được đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Marine Le Pen đưa ra trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 20-4.

Cuộc tranh luận ngày 20-4 là cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất của hai ứng viên tổng thống Pháp trong suốt chiến dịch.

Ông Macron đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử chính thức 24-4, nhưng các đồng minh chính trị đã cảnh báo ông đừng tự mãn trước cuộc đọ sức với bà Le Pen.

Nhà lãnh đạo cực hữu đã hủy nhiều lịch trình trong tuần này để tập trung cho trận đối đầu, với hy vọng tránh lặp lại thất bại năm 2017.

Điểm nóng Nga - Ukraine

Với việc chiến sự Nga - Ukraine phủ bóng chiến dịch tranh cử, Tổng thống Macron tấn công mối quan hệ của bà Le Pen với Nga và Tổng thống Putin.

Ông Macron liên tục khai thác khoản vay 9 triệu euro mà Đảng Mặt trận quốc gia (RN) của bà Le Pen vay từ một ngân hàng Nga-Czech vào năm 2014. Ông lập luận rằng khoản nợ này sẽ trói tay bà Le Pen khi đàm phán với Điện Kremlin.

"Bà phụ thuộc vào Chính phủ Nga và phụ thuộc vào ông Putin - ông Macron nói - Khi bà đàm phán với Nga, tức là bà đang đàm phán với nhân viên ngân hàng".

Bà Le Pen liền nổi giận và nói đảng của bà chỉ nhận khoản vay nói trên vì các ngân hàng Pháp đã từ chối. "Tôi là một người hoàn toàn tự do", bà nói.

Cuộc tranh luận diễn ra chỉ vài giờ sau khi thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny bị bỏ tù đã kêu gọi cử tri ủng hộ ông Macron và cáo buộc bà Le Pen có liên hệ quá chặt chẽ với Nga.

Hồi giáo 

Ngoài Nga, một vấn đề khác đáng lưu tâm là bà Le Pen muốn cấm phụ nữ Hồi giáo đội khăn trùm đầu ở nơi công cộng. Theo bà, khăn che mặt là "đồng phục do người Hồi giáo áp đặt".

Ông Macron nói làm như vậy sẽ gây ra một "cuộc nội chiến" ở Pháp, đất nước có dân số Hồi giáo lớn nhất ở Tây Âu.

Bà Le Pen cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng nhập cư ồ ạt vào Pháp, cho rằng tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn.

Nữ ứng viên cực hữu đã tìm cách kêu gọi các cử tri đang vật lộn với vật giá leo thang. Bà ví bản thân là người về phe những cử tri chật vật kiếm sống.

Bà nói nhiệm kỳ của ông Macron đã khiến nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc, đề cập đến phong trào biểu tình Áo vàng và tuyên bố đất nước "cần được hàn gắn".

Về chủ đề khí hậu, khi bị ông Macron phê bình kế hoạch tháo dỡ các tuabin gió và gọi là "người hoài nghi khí hậu", bà Le Pen gọi tổng thống là "kẻ đạo đức giả về khí hậu".

Le Parisien: Macron tấn công, Le Pen phòng thủ - Ảnh 2.

Cuộc đua giữa rùa và thỏ?

Mọi cuộc thăm dò đều chỉ ra ông Macron có khả năng cao giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 (cũng là vòng cuối cùng) vào ngày 24-4, và trở thành tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử nhiệm kỳ hai kể từ thời ông Jacques Chirac vào năm 2002.

Cuộc thăm dò mới nhất của Ipsos-Sopra Steria vào ngày 20-4 cho kết quả ông Macron đang dẫn trước 12 điểm.

Hãng Elabe tiến hành khảo sát nhanh ngay sau cuộc tranh luận, kết quả cho thấy 59% người xem cho rằng ông Macron tỏ ra lấn lướt so với bà Le Pen.

"Macron tấn công, Le Pen phòng thủ", nhật báo Le Parisien giật tít ngày 21-4.

Đồng nhận định, báo Le Monde ngày 21-4 cũng cho rằng ông Macron đã chọn thế tấn công trước bà Le Pen.

Trong khi đó, trang nhất báo Libération đăng hình bà Le Pen với tiêu đề "Vẫn chưa sẵn sàng".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo thăm dò có thể chưa phản ánh đúng kết quả thực tế, vì 10% người Pháp hiện vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

Theo Hãng tin AFP, trong cuộc tranh luận, ông Macron thể hiện nhiều tư thế để bày tỏ sự hoài nghi đối với các lập luận của bà Le Pen.

Ông liên tục nhướn mày, khoanh tay và thúc đối thủ "đừng nhầm lẫn mọi chuyện". Đáp lại, bà Le Pen nói: "Đừng đạo lý nữa".

Bầu cử tổng thống Pháp 2022: Liệu có Bầu cử tổng thống Pháp 2022: Liệu có 'địa chấn chính trị'?

TTO - Đương kim tổng thống Macron và ứng viên của đảng cực hữu Le Pen vào ngày 20-4 có cuộc tranh luận trên truyền hình, khi cả hai đều muốn giành thêm lá phiếu của những cử tri còn đang phân vân trước vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 24-4.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên