Các ngả đường ở thủ đô từ sáng đến trưa vẫn mịt mù - Ảnh: DANH TRỌNG
Hẳn là có nhiều ý kiến trái chiều về nguyên nhân gây nên bụi mịn, hay tình trạng nghiêm trọng trong mấy ngày qua.
Nhưng sự thực chỉ có hai đầu đất nước rơi vào ngưỡng từ tím đến nâu trong khi kích thước của bụi mịn giờ đã không còn to như PM 2.5, mà đã nhỏ tới mức 1.0-0.3 rồi.
Khói bụi từ đâu đến?
Bao người mong ngóng Luật không khí sạch cho Việt Nam vì chất lượng không khí tệ hại sẽ không tự nhiên mất đi, chỉ ngày càng tệ đi nếu người Việt không làm gì!
Có thể nhiều người trách tôi thờ ơ trước thành công của thể thao nước nhà. Nhưng thử nghĩ mà xem, liệu có phải chỉ vì không khí lạnh tràn về mà mức độ ô nhiễm lên đến mức nguy hại ngay sau đêm cả nước xuống đường ăn mừng chức vô địch bóng đá nam?
Thử nhẩm tính mà xem bao nhiêu chiếc xe, cả xe máy lẫn ôtô, đã thải bao nhiêu bụi, khói ra suốt đêm 10-12? Như mỗi dịp năm mới hay dịp lễ, khói bụi pháo hoa cũng tương tự.
Có ý kiến bảo rằng vì sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với tần suất các chuyến bay tăng quá nhiều đã khiến hai thành phố lớn bị ô nhiễm nặng hơn.
Nhưng nào có phải do số lượng chuyến bay đột biến trong những ngày này đâu? Mỗi người với hành trình di chuyển của mình đều góp phần vào quá trình tạo nên khí thải.
Cũng như việc bạn chọn phương tiện cá nhân hay công cộng, loại hình di chuyển sẽ ảnh hưởng nhiều hay ít đến mức độ ô nhiễm nơi bạn đang sống.
Tuy nhiên, nếu chỉ cắt giảm xe máy thôi, bài toán giảm thiểu bụi mịn sẽ không có đáp án đúng. Xe cơ giới, xe tải, xe bán tải nếu quá hạn sử dụng, không thường xuyên tham gia đăng kiểm thì mức độ nguy hại còn gấp bội lần.
Các nước khác đã lên phương án hạn chế - kiểm soát tốt nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí. Chúng ta đã quyết liệt hành động vì môi sinh và sức khỏe của chính mình chưa, từ cấp quản lý đến từng người dân?
Thật đáng buồn khi chẳng có mấy động thái kịp thời hay giải pháp chung trước những chỉ số nguy hiểm từ ô nhiễm hiện nay.
Người dân đang bất lực trước bầu trời mù mịt, cay mắt vì khói bụi đầy đường, rồi nghiến răng chịu đựng những cơn ho trước mắt, sống cùng nguy cơ bệnh tật. Chúng ta đang làm gì để giảm ô nhiễm, hay chỉ… đeo khẩu trang rồi thôi không làm gì nữa?
Giải pháp từ mỗi người
Trong bối cảnh đó, nhìn các bản đồ phân bố nhà máy điện than ở miền Bắc và bản đồ ô nhiễm không khí chụp từ màn hình Pam Air, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, các nhà máy điện than là nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm.
Rồi chúng ta sẽ sặc sụa thế nào khi nếu số nhà máy điện than hiện tại là 27 sẽ tăng gấp đôi đến năm 2030?
Khi ấy, dù là người giàu hay nghèo đều phải nheo mắt, gục mặt, bịt mũi chịu đựng ngày qua ngày?
Cái giá cho phát triển đắt đến mức số lượng người chết vì các căn bệnh do ô nhiễm không khí sẽ được tính theo phút theo giây liệu có đáng để trả hay không?
Việc hít thở không khí trong lành ngoài trời lẽ ra phải là một việc bình thường như ăn cơm, uống nước, chứ không nên ngày ngày phải chuẩn bị khẩu trang phòng độc hay máy lọc không khí, có nên ra đường không...
Mọi người có lẽ đang ý thức hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nhưng thật tâm bạn đã sẵn sàng thay đổi lối sống chưa? Bạn đặt tiện dụng trước mắt lên trên hết, hay thay vào đó là sự an toàn lâu dài cho bản thân, gia đình và xã hội?
Dường như ai cũng nghĩ giảm ô nhiễm là việc của Nhà nước, của các hội đoàn, nhóm yêu môi trường nào đó.
Còn mình, một bữa ăn cũng chọn cách mua từ nơi xa và yêu cầu được giao hàng tận nơi. Ngay như chuyện nhỏ này cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự ô nhiễm không thể vãn hồi được.
Một số công ty đã tính đến việc cho phép nhân viên làm từ nhà để họ không phải ra đường vào những ngày ô nhiễm mức độ thấy được, cảm nhận được bằng mắt mũi mình.
Cách này cũng tiết kiệm thời gian và di chuyển, giảm ô nhiễm không khí, giảm tiêu tốn xăng, giảm căng thẳng vì tắc đường. Nhưng thay đổi này đâu thể thực hiện được với nhiều người!
Và nghĩ cho cùng, đây chỉ là những giải pháp đối phó. Cũng như vấn đề quan trọng không phải ở chỗ nên đặt trạm quan trắc, mà là xác định nguyên nhân và tìm cách hạn chế, giảm thiểu nguồn thải, quyết liệt và nhanh chóng.
Đo, rồi lại đo và lo vì chưa giải quyết được. Rác rưởi vứt đầy rồi gom đốt, nhà nhà vẫn sử dụng than có hàm lượng lưu huỳnh cao để đun nấu, sử dụng xăng có hàm lượng chì cao…
Phải giảm lượng khí thải từ sinh hoạt hằng ngày này. Cần kiểm soát được khói thải của các nhà máy, bụi từ các công trình xây dựng. Đó mới là cách làm đúng để thay đổi.
Ô nhiễm tận mặt, giải pháp nhiều năm
Giảm xe cá nhân để giảm khí thải, chuyện này nghe cũng nhiều nhưng có lẽ phải mất nhiều năm nữa Hà Nội và TP.HCM mới có thể làm được.
Ô nhiễm đến tận mặt, chui vào từng hơi thở, nhưng giải pháp và sự thay đổi nếu có còn phải chờ hàng năm!
Khi chưa thể có ngay những giải pháp từ Nhà nước, giải pháp từ cộng đồng, từ mỗi người là điều có thể cố gắng làm được mỗi ngày. Hành động đầu tiên là ở chính bạn và chúng ta, đừng trông chờ vào ai khác!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận