Phóng to |
Các bài báo trên Tuổi Trẻ đề cập lễ khai ấn đền Trần |
Cách đây gần hai năm (4-7-2009), người viết được mời tham dự cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định - giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” do Viện Văn hóa - nghệ thuật VN phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Nam Định tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở trung ương và địa phương.
Trong số 11 bài tham luận được trình bày tại hội thảo chỉ có ba tham luận đề cập đến tục lệ khai ấn đền Trần. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cả ba tham luận này đều không trích dẫn được nguồn gốc lịch sử cũng như tài liệu chính sử hay dã sử ghi chép về lễ hội này.
Mở đầu ngày làm việc của năm
Trong bài viết có nhan đề “Lễ khai ấn ở đền Trần Nam Định”, tác giả Trần Đăng Ngọc - phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định - chỉ cho biết: “Theo các cố lão ở địa phương cũng như truyền thuyết dân gian thì trước đây vào thời Trần, hằng năm cứ vào ngày 15 tháng chạp cơ quan hành chính các cấp nghỉ ăn tết, mãi đến rằm tháng giêng năm sau mới trở lại làm việc bình thường. Ngày làm việc đầu tiên trong năm hết sức quan trọng nên được triều đình tổ chức rất trọng thể. Các dấu ấn đã niêm phong cất đi nghỉ ăn tết, nay được lấy ra lau chùi sạch sẽ. Triều đình tổ chức lễ cáo trời đất, sau đó nhà vua sẽ đóng con dấu đầu tiên để mở đầu cho một năm làm việc và mong cho mọi sự tốt lành...”.
Ngoài ra, tác giả Trần Đăng Ngọc cũng miêu tả khá chi tiết quá trình hành lễ, hội của lễ khai ấn đền Trần như thế nào, song lại không đưa ra được những nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy mà chỉ dựa theo lời kể của các cụ cố lão, cao niên hiện nay.
Cũng như vậy, trong bài “Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần với lễ tục khai ấn đầu xuân”, tác giả Phạm Văn Huyên - trưởng phòng nghiệp vụ ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định - chỉ cho biết ý nghĩa ban đầu của lễ tục khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của một năm mới.
Xuyên suốt trong bài tham luận này, tác giả cũng không đưa ra được bằng chứng văn bản tin cậy nào để thuyết phục rằng ngày xưa (thời nào) có lễ tục khai ấn.
Về lễ khai ấn đền Trần, TS Nguyễn Công Việt - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - lý giải: định lệ khai ấn đầu năm và việc phong khóa bảo tỉ (tức niêm phong khóa kín hòm ấn báu của hoàng đế) cuối năm được thực hiện theo nghi lễ mà hoàng đế và triều đình ban hành. Nghi thức khai ấn đầu năm đã trở thành định lệ bất biến và duy trì qua các triều đại mang ý nghĩa truyền thống cho tới thời Nguyễn.
Lễ khai ấn thời Lê - triều đại tiếp nối với nhà Trần - có ghi trong sách Lê triều hội điển, nhưng chỉ ghi ngắn gọn về lễ phẩm tiến dâng ở các cung, phủ, lầu, xưởng, bài vị ở Hoàng thành Thăng Long. Tại cuộc hội thảo này, người viết có hỏi bên lề rằng vậy thật sự chúng ta có lễ, tục khai ấn không thì được TS Việt cho biết tư liệu có được đến nay chưa tìm thấy sự ghi chép về chuyện đó.
Chưa có tư liệu đáng tin cậy
Dưới con mắt của một nhà khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học - cho rằng “lễ hội khai ấn đầu xuân ở đền Trần là một sáng tạo độc đáo của Nam Định”.
Đề cập nguồn gốc và lịch sử lễ hội khai ấn đầu năm ở đền Trần tại hội thảo trên, ông Nguyễn Văn Thư và Nguyễn Xuân Cao (Bảo tàng Nam Định) cho biết căn cứ vào báo cáo Khảo sát tìm hiểu lễ khai ấn đầu năm tại đền Trần thì: “Lịch sử, nguồn gốc lễ khai ấn chưa rõ bắt đầu từ thời gian nào, không có sử sách nào ghi chép mà chỉ tương truyền trong dân gian là có từ thời Trần Thái Tông khi về yết lễ tại tiên miếu và ban thưởng cho nhân dân”.
Các tác giả này cũng cho biết thêm từ năm 2000 đến nay, lễ khai ấn đầu xuân ở đền Trần được UBND tỉnh, Sở Văn hóa - thông tin (nay là Sở Văn hóa, thể thao và du lịch) Nam Định chỉ đạo tổ chức trở thành một lễ hội lớn thu hút hàng vạn lượt người.
Cần biết rằng cuộc hội thảo khoa học “Lễ khai ấn đầu xuân tại đền Trần Nam Định - giá trị và giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc” diễn ra vào tháng 7-2009 là cuộc hội thảo đầu tiên về lễ khai ấn ở đền Trần kể từ khi nó được tổ chức với quy mô lớn.
Cũng tại cuộc hội thảo này, nhiều nhà nghiên cứu, khoa học một lần nữa đề nghị tiếp tục khảo sát, nghiên cứu về lịch sử, nguồn gốc lễ, tục khai ấn đền Trần trước khi nâng tầm nó lên thành một lễ hội quốc gia. Song có lẽ chúng ta sẽ không có nhiều hi vọng để tiếp cận tới một tư liệu, thư tịch cổ nào đó ghi chép về lễ khai ấn này, vì nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo cứu mà cũng chẳng thấy đâu.
Nhưng lễ khai ấn thì vẫn diễn ra với quy mô ngày một lớn.
Bà Cao Thị Tính (phó chủ tịch UBND TP Nam Định): Tất cả các ngành đều đã nỗ lực * Báo chí, với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín, đang tranh luận về việc có hay không tục khai ấn đền Trần trong lịch sử. Bà nghĩ sao? - Chúng tôi chỉ được tỉnh giao cho (tham gia quản lý và tổ chức lễ hội - PV) từ năm 2000 đến nay. Tôi không bình luận vì đó là việc của báo chí, chúng tôi chỉ biết làm đúng theo kế hoạch. Chúng tôi làm sao dám có ý kiến thay cho các nhà sử học được. * Nhưng chuyện đáng trách nhất, dư luận đang hướng về cả công tác tổ chức... - Chúng tôi cũng không thể đồng thuận với những người dân thiếu ý thức đã gây ra bao điều nhếch nhác cho lễ hội khai ấn như vừa qua. Khi tổ chức và sau mỗi năm, tất cả các ngành đều đã nỗ lực, đã họp để rút kinh nghiệm. Ban tổ chức đã phải đưa ra những phương án tích cực nhất. Mình cố gắng đến như thế, rồi những cái (nhếch nhác) kia nó đến là ngoài ý muốn của mình thì biết làm sao được? * Có ý kiến cho rằng lễ khai ấn đền Trần trước đây chỉ được tổ chức mang tính nghi lễ, chỉ có 9 miếng vải, tờ giấy được “đóng ấn” rồi phát ra 9 ngôi đền khác? - Tôi chỉ biết là từ ngày tôi mới đi làm, ở địa phương họ đã làm lễ khai ấn rồi, giờ tôi sắp về hưu, ba mươi mấy năm rồi nó vẫn được tổ chức. Dĩ nhiên, trước đây thì quy mô chỉ ở trong cái xã ấy, địa phương ấy thôi, người ta vẫn cứ duy trì. Từ xưa đến nay, mỗi dịp lễ đến, dân trong xã lập danh sách các hộ sẽ được phát ấn và hộ nào nhà nào cũng đã được phát ấn rồi. NGUYỄN THỊ THANH TÂM thực hiện |
* Tin bài liên quan:
Bi hài chuyện khai ấnNỗi buồn lễ hộiLễ hội: văn hóa hay cuồng tín?Kinh hoàng chen lấn xin ấn cầu danhCó không tục “khai ấn đền Trần”?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận