Tô Thị Trang (phải) mạnh mẽ trên sàn đấu - Ảnh: T.P.
Trong "ngày vàng" của môn kurash, chúng tôi bắt gặp khuôn mặt của những tuyển thủ judo một thời.
Trước thềm SEA Games 31, kurash đã được dự đoán là môn sẽ "mở hàng" HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng thắng tuyệt đối 4/4 nội dung ngay trong ngày thi đấu đầu tiên quả là một kỳ tích.
Những người đi trước
Lần lượt những võ sĩ mang về HCV cho tuyển kurash Việt Nam trong ngày thi đấu 10-5 là Tô Thị Trang (hạng cân 48kg nữ), Hồng Mơ (52kg nữ), Bùi Minh Quân (81kg nam) và Trần Thương (90kg nam).
Điểm chung của họ cách đây không lâu vẫn đang là võ sĩ judo. Đặc biệt, một số võ sĩ như Trang - người mang về HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 - hiện tập song song cả judo lẫn kurash.
Judo và kurash có rất nhiều nét tương đồng là điều khán giả nào cũng có thể nhận ra, từ trang phục thi đấu, dáng dấp của các võ sĩ cho đến cách thức tính điểm. Judo có 4 bậc điểm thì kurash có 3. Và đòn điểm khalol của kurash hoàn toàn tương tự như ippon của judo - tức những đòn thắng điểm tuyệt đối.
"Kurash khác judo một chút ở đòn tay, khi việc nắm áo dễ dàng hơn. Nhưng đòn tay của kurash, vì vậy, cũng chủ động hơn so với judo. Còn lại, có thể nói cả hai môn này gần tương tự nhau. HLV chúng tôi khi chọn VĐV từ đội judo sang kurash vì vậy sẽ chú ý vào những võ sĩ có thế mạnh là đôi cánh tay chắc khỏe" - HLV Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ.
Nhiều năm trước, anh Thắng đã nổi tiếng là cậu con trai út tài năng trong gia đình judo lừng lẫy của võ sư bát đẳng Nguyễn Hữu Huy. Sau ngày giải nghệ, anh nối nghiệp cha mình, trở thành HLV judo. Và những năm gần đây, anh Thắng được giao kiêm nhiệm cả đội kurash.
Hơn 10 năm trước, kurash vẫn còn là một khái niệm xa lạ với thể thao Việt Nam. Thế hệ đi tiên phong trong môn võ này ở Việt Nam là nữ võ sĩ Văn Ngọc Tú. Năm 2009, kurash nằm trong chương trình thi đấu của Asian Indoor Games (Đại hội thể thao trong nhà châu Á) và Văn Ngọc Tú được chọn vào đội kurash.
Ở một môn thể thao lạ mà quen, Tú "dừa" hầu như chẳng gặp khó khăn gì để thích nghi. Cô đoạt HCV ngay ở kỳ Asian Indoor Games đó và tiếp tục tham gia thêm một số giải đấu kurash quốc tế khác song song với quá trình thi đấu judo. Hiện Tú cũng tiếp tục công việc song song của mình - vừa là HLV đội trẻ judo của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ, vừa kiêm cả đội judo lẫn kurash của Quân khu 9.
Tô Thị Trang và chiếc HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam - Ảnh: T.P.
Kurash - judo "song thủ hỗ bác"
Nhiều VĐV Việt Nam không hề xa lạ với kiểu tập luyện song song cùng lúc hai môn võ này. Điển hình môn kempo, một thời lấy VĐV từ đội taekwondo (HLV đội kempo TP.HCM là cựu VĐV taekwondo lừng lẫy Hồ Nhất Thống). Người hâm mộ, vì vậy, cho rằng các VĐV kurash cũng được tuyển chọn theo kiểu "lọt sàng xuống nia" từ judo. Nhưng HLV Nguyễn Quốc Thắng khẳng định không phải vậy.
"Chúng tôi tuyển chọn VĐV kurash từ những người phù hợp ở đội judo. Họ thậm chí có thể xem là VĐV judo ưu tú. Và thành tích của đội kurash Việt Nam lúc này cũng rất tốt", ông Thắng nói.
Còn Văn Ngọc Tú giải thích: "Có thể nói hai môn này cùng hỗ trợ cho nhau. Các VĐV trẻ sẽ gặp khó khăn nếu tập song song. Chẳng hạn khi đấu judo lại quen đòn tay của kurash, vậy là phạm luật. Phải là những VĐV dày dạn kinh nghiệm mới tập và thi đấu cùng lúc cả hai được".
Đội tuyển kurash chỉ chính thức được thành lập cách đây vài năm và họ còn chưa có một liên đoàn của mình. HLV Nguyễn Quốc Thắng cho rằng nếu có một liên đoàn riêng biệt thì kurash Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa.
"Trên thực tế, các quốc gia khác cũng lấy VĐV kurash từ judo như Việt Nam. Nhưng các VĐV nhà mình có vẻ linh hoạt hơn các đối thủ khác trong khu vực. Tôi tin đội kurash Việt Nam sẽ tiến ra tầm châu lục", Văn Ngọc Tú nói.
Thắng áp đảo ở một môn thể thao khá xa lạ cũng là một niềm vui đặc biệt. Nói theo kiểu kiếm hiệp, cho thấy trình độ "song thủ hỗ bác" của các võ sĩ Việt Nam quả không thể xem thường.
Câu hỏi khó dành cho kurash
Dày dạn kinh nghiệm như Văn Ngọc Tú lẫn HLV Nguyễn Quốc Thắng cũng không thể giải thích được một câu hỏi mà chúng tôi đặt ra: Vì sao 2 môn võ xuất xứ từ 2 nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau (judo của người Nhật, còn kurash là môn võ truyền thống của Uzbekistan) lại có nhiều điểm tương đồng đến vậy?
"Tôi cũng không hiểu vì sao thể hình người Uzbekistan cao to nhưng lại sản sinh ra môn kurash khá giống với judo của người Nhật. Tuy nhiên, do lực tay của người Uzbekistan rất mạnh nên việc họ thực hiện các đòn vật cũng dễ dàng hơn", Văn Ngọc Tú nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận