29/10/2018 10:26 GMT+7

Lấy ráy tai coi chừng lây nhiễm vi nấm

HỒNG PHƯƠNG
HỒNG PHƯƠNG

TTO - GS.TS Phạm Kiên Hữu - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cảnh báo nguy cơ lây nhiễm các loại vi khuẩn, vi nấm, siêu vi từ việc nhiều người dùng chung một bộ dụng cụ lấy ráy tai ở bên ngoài.

Lấy ráy tai coi chừng  lây nhiễm vi nấm - Ảnh 1.

Nhiều tiệm hớt tóc từ nhỏ đến lớn đều sử dụng một vài bộ lấy ráy tai dùng chung, không được khử khuẩn cho nhiều khách - Ảnh: Hồng Phương

Nhiều người thường có thói quen lấy ráy tai khi đi cắt tóc, điều này dễ dẫn đến nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm vì đa số các tiệm cắt tóc đều dùng bộ lấy ráy tai chung cho nhiều người.

Vô tư dùng chung bộ lấy ráy tai

Ghi nhận tại một số tiệm cắt tóc dành cho nam trên địa bàn TP.HCM, nhiều người nam đi cắt tóc đều có thói quen lấy ráy tai sau đó. 

Tại một tiệm cắt tóc trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM), chỉ trong khoảng 1 giờ có đến 6 vị khách đến đây cắt tóc rồi lấy ráy tai. Tiệm này có 3 bộ lấy ráy tai dùng cho nhiều khách, đặt ở 3 vị trí, cứ khách lên ghế nào thì nhân viên dùng bộ ráy tai ở vị trí đó để lấy ráy tai. Các nhân viên ở đây sau khi lấy ráy tai đều không xử lý vệ sinh gì cho bộ dụng cụ mà sau đó tiếp tục sử dụng để lấy ráy tai cho những vị khách tiếp theo.

Tương tự, tại một tiệm cắt tóc có quy mô nhỏ ở quận Tân Bình, TP.HCM, do ít khách nên thợ cắt tóc ở đây chỉ sử dụng một bộ lấy ráy tai. Nhiều người đến đây cắt tóc đều được lấy ráy tai bằng bộ dụng cụ duy nhất này.

Anh N.T.H. (Tân Bình), một khách hàng thường xuyên của tiệm cắt tóc này, cho biết mỗi lần đi cắt tóc anh đều có thói quen lấy ráy tai. Anh thấy hầu hết ở các tiệm cắt tóc đều chỉ có 1-2 bộ lấy ráy tai dùng cho nhiều người. 

"Vì thói quen nên mỗi lần đi cắt tóc tôi đều lấy ráy tai. Tôi không nghĩ đến việc lấy ráy tai có khả năng lây các bệnh truyền nhiễm. Bởi vậy tôi cũng không để ý lắm đến vấn đề vệ sinh hay khử trùng bộ lấy ráy tai của chủ tiệm" - anh H. vô tư nói.

Cảnh báo lây nhiễm vi nấm

GS.TS Phạm Kiên Hữu cảnh báo nguy cơ lây nhiễm các loại vi khuẩn, vi nấm, siêu vi từ việc nhiều người dùng chung một bộ dụng cụ lấy ráy tai. Đặc biệt việc dùng chung các bộ lấy ráy tai không qua khử trùng thường có nguy cơ nhiễm viêm tai ngoài.

Viêm tai ngoài do ráy tai chủ yếu do nhiễm khuẩn, nấm... Người bị viêm tai ngoài do vi khuẩn biểu hiện tai sưng, đỏ, cảm giác đau hoặc tai bị viêm, chảy mủ xanh, hôi. Các trường hợp đến khám viêm tai ngoài do bị lây nấm thường gây tình trạng tai tự tiết dịch, đây là môi trường sống cho nhiều loại vi khuẩn khác. Thậm chí những người bị viêm tai đã chữa khỏi, khi đi lấy ráy tai lại có nguy cơ tái viêm.

"Tai có cơ chế bảo vệ khỏi nhiễm trùng, môi trường trong tai cần khô ráo. Ráy tai thật ra là kháng sinh tự nhiên giữ môi trường axit trong tai. Khi thường xuyên lấy ráy tai, và không biết cách lấy ráy tai, vô tình lớp bảo vệ đó bị lấy mất, khiến da bị trầy. Khi ấy, tuyến dưới da tiết chất nhầy, vi khuẩn dễ dàng tấn công lớp dưới da gây ngứa, đau. Bên cạnh đó, vô tình đẩy ráy từ ngoài vào bên trong tai" - GS.TS Phạm Kiên Hữu khuyến cáo.

GS.TS Phạm Kiên Hữu cho biết dụng cụ vệ sinh được dùng chung khi sử dụng cho nhiều người, muốn dùng lại phải có biện pháp khử trùng. Nếu không, những dụng cụ này sẽ vô tình trở thành công cụ trung gian mang các khuẩn truyền từ người này sang người khác. Nhiều loại vi khuẩn như vi khuẩn kỵ khí, hiếu khí, ram âm, ram dương, kể cả siêu vi và vi nấm... có thể truyền qua môi trường trung gian là các dụng cụ làm vệ sinh tai, mũi, mang mầm bệnh đến nhiều người.
Có nên lấy ráy tai cho bé? Có nên lấy ráy tai cho bé?

Cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé, trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch.

HỒNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên