Phóng to |
Nguyễn Trung Thắng (ngồi giữa) đón thí sinh để tư vấn - Ảnh: VŨ TOÀN |
Sáng 5-7, chúng tôi gặp Nguyễn Trung Thắng trước cổng Trường ĐH Vinh. Thắng đang phân công 37 sinh viên (SV) chuẩn bị đi về ba điểm thi ở Trường tiểu học cơ sở Trung Đô, Trường THPT Trung Đô và ngã tư Trường ĐH Vinh để tư vấn cho các sĩ tử phòng khi gặp bất trắc trước giờ thi môn hóa. Hỏi chuyện mới biết đây là đội SV tình nguyện tiếp sức mùa thi do Thắng làm đội trưởng. Đội của Thắng có 37 SV, trong đó có ba bạn cùng cảnh khuyết tật như Thắng. Thắng bảo: “Đội của mình làm “ngon” lắm, chưa hề trục trặc một cuộc tư vấn nào. Mặc dù không có kinh phí để đưa sĩ tử về các điểm thi cách đây 6km nhưng khi cần các bạn vẫn lên xe, đi tới đích”.
Khát vọng được cống hiến
100 thành viên CLB Vì người khuyết tật ra đời đúng Ngày người khuyết tật VN 18-4. Lúc đầu CLB có 40 thành viên, nay lên tới 100 thành viên. CLB này do Nguyễn Trung Thắng làm chủ nhiệm. Thắng nhớ lại: “Từ việc hưởng ứng Giờ trái đất, tặng quà cho trẻ em khuyết tật ở Bệnh viện Nhi, làm sạch môi trường ở nghĩa trang TP Vinh đến việc tổ chức trò chơi, tâm sự, giúp trẻ em câm điếc ở Trung tâm dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An không còn tự ti, mặc cảm với cuộc sống. Chính đội tình nguyện tiếp sức mùa thi có cơ sở từ CLB này”. |
Nhìn Thắng đi không vững, đứng thì hai cánh tay không yên, nói thì cái đầu phải nghiêng nghiêng như cố làm cho tiếng nói của mình rõ ràng hơn nhưng tôi đã bị cuốn vào câu chuyện của chàng khuyết tật tình nguyện tiếp sức mùa thi.
Thắng nhớ lại: “Chúng tôi xin Đoàn Trường ĐH Vinh thành lập đội này nhưng nhiều người ái ngại bởi lo tôi không thể chỉ đạo suôn sẻ được. Nghĩ năm ngoái tôi đã xin đi “ké” các anh lớp trước rồi, đã có chút kinh nghiệm nên giờ lên tỉnh đoàn xin cho đội được hoạt động. Thế là mùa thi đại học năm nay chúng tôi được đi tiếp sức cho các sĩ tử tại ba điểm thi. Cống hiến được chừng nào hay chừng đó bởi tôi cũng trải qua một mùa thi rồi”.
Đợi lúc vắng sĩ tử, Thắng mới nói về dị tật của mình là do sinh khó: “Năm 1991, mẹ Thơm sinh tôi trong tình cảnh bị nhiễm trùng nước ối nên bác sĩ phải dùng thuốc kích thích để “đẻ chỉ huy”. Lúc đó tim thai không còn đập, bác sĩ tưởng tôi chết do ngạt nên phải dùng thiết bị để đưa ra. Không ngờ sau khi chào đời một lúc, bác sĩ nghe tôi ho một tiếng nên mới biết tôi còn sống. Tôi chịu cảnh tật nguyền là do di chứng. Mẹ tôi bảo thế”.
Tôi về ngõ 8 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Hưng Dũng, TP Vinh nghe bà Thơm kể về tuổi thơ của đứa con đầu lòng. Bà bảo trong vòng 5 tuổi đầu, Thắng chỉ nằm một chỗ, không bò, không lật. Sang tuổi thứ 6 mới tập đẩy xe gỗ. 7 tuổi đi chập chững. Lúc này hai vợ chồng không thể xin cho Thắng vào lớp mẫu giáo vì cô giáo sợ dễ bị các cháu nô đùa xô ngã nên xin vào học lớp 1 luôn. Vậy mà cho đến lớp 12, năm nào Thắng cũng giành danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm 2010, Thắng thi vào khoa văn Trường ĐH Vinh đạt 15,5 điểm, vượt chuẩn 1,5 điểm. Mùa thi năm đó, ngón tay cầm bút của Thắng phồng rộp vì tay luôn bị rung nên phải đè bút và phải viết nhanh mới kịp giờ thi.
Ông Tiến, bố của Thắng, là thợ xây dựng, góp chuyện: “Từ khi Thắng đi học tới giờ, vợ chồng tôi thay nhau chở cháu đến trường. Khi bận quá, Thắng nhờ bạn chở. Từ khi vào đại học đến nay, Thắng phải dùng máy vi tính thay bút mới kịp ghi bài giảng trên lớp. Về nhà lại mở máy ra học”.
Tự tin vượt khó
Mùa hè năm 2011, trên đường tập đi bộ, vô tình chàng SV Nguyễn Trung Thắng rẽ vào Trường THPT Hermann Gmeiner (Làng SOS). Tại đây, Thắng gặp người cùng cảnh là Nguyễn Văn Linh. Linh không đi được nhưng có khát vọng ra Hà Nội dự thi đại học, trong khi gia đình quá nghèo không thể cáng đáng nổi. Thắng chia sẻ và khuyên Linh nên thi vào Trường ĐH Vinh để đỡ đần cho cha mẹ.
Thắng kể: “Gặp người cùng cảnh tôi muốn truyền lửa ngay. Nhưng để thuyết phục hơn, tôi tâm sự với những bạn SV từng cho tôi đi tình nguyện “ké” năm trước cùng đến nhà Linh. Không ngờ có 15 bạn có chung ý nghĩ “chúng ta cần làm những việc mình phải làm trước những việc mình muốn toại nguyện”. Thế là chúng tôi chia sẻ với Linh. Không ngờ Linh quay hướng thi vào ĐH Vinh. Rồi chúng tôi lại cùng nêu ý nghĩ mới “mình giúp được một người thì sẽ giúp được nhiều người” và “người tàn tật thường mặc cảm, hãy làm cho họ biết tự tin”.
Những câu nói tương tự như thế này được Thắng tiếp tục chia sẻ trên diễn đàn của Trường ĐH Vinh. Một niềm vui bất ngờ khi có nhiều SV trong và ngoài lớp đề nghị Thắng nên thành lập câu lạc bộ Vì người khuyết tật với hành động “bằng mọi cách hãy giúp người khuyết tật” và tôn chỉ “lấy sự khiếm khuyết của mình làm sức mạnh cho mình”. Thắng đã cùng với một số SV khuyết tật khác đặt vấn đề với chủ tịch Hội SV và Đoàn Trường ĐH Vinh, sau đó CLB được hỗ trợ ra đời.
Góp tiền hỗ trợ thí sinh cấp cứu Sau khi kết thúc môn hóa (khối A) sáng 5-7, thí sinh K’Huynh (Đắk Lắk) dự thi tại hội đồng thi Trường THCS Dương Bá Trạc (Q.8, TP.HCM) - địa điểm thi của ĐH Sài Gòn - bất ngờ sốt cao và được lực lượng SV tình nguyện Trường ĐH Sài Gòn đưa vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5) cấp cứu. Theo chẩn đoán ban đầu của bác sĩ, K’Huynh bị suy tĩnh mạch sâu chi dưới, hai chân sưng to, cần phải ở lại bệnh viện điều trị. Hoàn cảnh gia đình K’Huynh rất khó khăn, một mình đến TP dự thi, được SV tình nguyện Trường ĐH Sài Gòn hỗ trợ nhà trọ miễn phí. Ngay sau khi giúp K’Huynh nhập viện, đội tiếp sức mùa thi Trường ĐH Sài Gòn đã cử hai bạn nữ ở lại bệnh viện chăm sóc và quyên góp trong đội hơn 1 triệu đồng hỗ trợ K’Huynh đóng viện phí. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận