Người dân bức xúc về việc đất của gia đình bị chuyển sang cho công ty lâm nghiệp - Ảnh: Hồ Văn |
Năm 1997, theo nghị định 02/CP ngày 15-1-1994 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp, các hộ dân tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã xin nhận đất trồng rừng.
Bỗng dưng mất đất
Vào thời điểm đó các hộ dân muốn được nhận đất rừng để canh tác lâm nghiệp phải đóng mức phí 50.000 đồng/ha. Sau khi nhận đất các hộ dân đã nhanh chóng cải tạo diện tích đất được nhận để trồng các loại cây lâm sản như bạch đàn, keo... với mục đích thương mại.
Cũng trong năm 1997, các hộ nhận đất rừng tại xã Quỳnh Châu đã được chính quyền cấp sổ lâm bạ theo đúng quy định.
Năm 2003, thực hiện chủ trương thay đổi từ sổ lâm bạ xanh sang sổ lâm bạ hồng, các hộ dân đã đem sổ nộp lại UBND xã Quỳnh Châu. Bất ngờ đến đầu năm 2005, có 42 hộ gia đình thuộc các xóm 1, 2, 4B, 12 (xã Quỳnh Châu) nhận được giấy báo mời họp của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu.
Đơn vị này yêu cầu người dân ký nhận để lâm nghiệp lấy đất và ký lại hợp đồng bàn giao đất sản xuất, ăn chia lợi nhuận. Lý do đơn vị này làm như vậy là vì năm 2003, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp sổ lâm bạ gồm cả diện tích của 42 hộ dân trên theo quyết định số 749/QĐ-UB-ĐC.
Trong khi đó các hộ dân mang sổ lâm bạ nộp lại để đổi sổ mới thì đến nay vẫn chưa nhận được sổ mới vì lý do “đất đang tranh chấp”. Một số ít hộ được nhận sổ lâm bạ mới thì diện tích đất lâm nghiệp trước đó của họ đã bị cắt sang cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu.
Quá ngạc nhiên vì đất lâm nghiệp của gia đình mình đã được cấp giấy tờ đầy đủ, nay lại bị lấy không rõ lý do và phải làm ăn chia với một đơn vị khác.
Không những vậy, trong giấy mời họp Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu còn nhấn mạnh: “Lâm trường Quỳnh Lưu không quan tâm đến lâm bạ bất hợp pháp ông (bà) đang có trong tay mà quan tâm đến lợi ích Nhà nước và lợi ích người lao động”.
Ông Nguyễn Văn Bá (58 tuổi, trú tại xóm 12, xã Quỳnh Châu) bức xúc cho biết: “Đất rừng chúng tôi mua và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đầy đủ nhưng Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu lại nói giấy tờ đó bất hợp pháp là không chấp nhận được. Sao lại bắt chúng tôi thuê lại đất của chính mình đã được giao và phải chia lợi nhuận cho Lâm nghiệp Quỳnh Lưu?”.
Để đòi quyền lợi, người dân đã làm đơn gửi lên UBND tỉnh Nghệ An. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo UBND huyện Quỳnh Lưu kiểm tra và xử lý về vấn đề này nhưng đến nay đã gần 10 năm vẫn không được xem xét xử lý.
Phải nộp “lệ phí” mới được khai thác
Mọi chuyện bẵng đi một thời gian dài do không có mâu thuẫn và người dân vẫn được sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp của mình trước đó mà không bị Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu cản trở.
Tuy nhiên, nó lại nóng lên từ năm 2013 khi đến lứa thu hoạch lâm sản do người dân trồng, khi cán bộ lâm nghiệp cản trở và yêu cầu phải nộp lệ phí mới được khai thác.
“Thật vô lý, đất là của chúng tôi, cây cối do chúng tôi bỏ sức, bỏ công ra chăm sóc nhưng khi khai thác sao lại phải ăn chia với công ty lâm nghiệp? Tưởng sau khi chúng tôi kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An, mọi chuyện đã được giải quyết nên chúng tôi cứ sản xuất.
Ai ngờ họ cứ cản trở, gây khó khăn không cho bà con chúng tôi khai thác và bán lâm sản” - ông Nguyễn Văn Thiềng (66 tuổi, trú tại xóm 4B, xã Quỳnh Châu) gay gắt phản ứng.
Người dân cho biết mỗi hecta đất rừng từ khi trồng đến khi khai thác phải từ bốn năm trở lên và phải đầu tư 50 triệu đồng.
Nếu cây đến tuổi không được khai thác thì người dân không có thu nhập để trả nợ đã đầu tư vào trồng rừng. Mặc dù không thống nhất cách làm của Công ty Lâm nghiệp Quỳnh Lưu nhưng nhiều hộ đành chấp nhận đóng phí để nhanh chóng được khai thác cây cho đúng tuổi.
Trao đổi vấn đề trên, ông Võ Văn Vinh - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu - thừa nhận: “Sổ chứng nhận quyền sử dụng đất rừng của chúng tôi được cấp năm 2003 theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đã cho người dân ký hợp đồng giao đất rừng theo nghị định 35 “giao đất giao rừng”.
Chúng tôi thu phí khai thác ăn chia lợi nhuận như hợp đồng người dân đã ký trong hợp đồng. Bởi chúng tôi còn phải chi phí chữa cháy, đóng thuế đất... Còn nếu người dân đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trước chúng tôi thì xuống gặp đơn vị, đưa các giấy tờ kèm theo để chúng tôi giải quyết”.
Vì sao cùng một diện tích đất rừng đã được cấp cho hàng chục hộ dân để sản xuất nay lại được cấp chồng lên cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu, ông Đậu Đức Năm - trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Quỳnh Lưu - cho biết: “Khi người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng là đang do lực lượng kiểm lâm quản lý. Còn giờ nếu bị cấp chồng chéo và mất đất thì người dân làm đơn mà khiếu kiện ra tòa”.
Sẽ thanh tra toàn diện đất lâm nghiệp Theo ông Nguyễn Văn Chất - trưởng phòng quản lý đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nghệ An), sở đã nhận được công văn của UBND tỉnh về vụ việc này. “Chúng tôi sẽ phối hợp với huyện thanh tra toàn diện về đất lâm nghiệp của huyện Quỳnh Lưu, trong đó có diện tích đang tranh chấp giữa người dân và Lâm nghiệp Quỳnh Lưu. Nếu đất của người dân được cấp trước, có sổ lâm bạ đàng hoàng, theo đúng pháp luật thì sẽ trả lại cho người dân và ngược lại” - ông Chất nói. |
* Luật sư NGUYỄN TRỌNG HẢI (trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải & cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An): Thu hồi đất khi chưa có quyết định là không đúng pháp luật Thời điểm năm 2003 thì Luật đất đai năm 1993 đang được áp dụng. Điều 21, Luật đất đai năm 1993 quy định: Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó. Việc UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu năm 2003 đối với phần diện tích đất các hộ gia đình đang sử dụng khi chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là không đúng pháp luật. Như vậy, đang tồn tại quan hệ tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu. Trong khi quan hệ tranh chấp này chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thì việc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đơn phương “thu phí khai thác” là cản trở quyền khai thác tài sản của các hộ dân và đây là hành vi vi phạm pháp luật. Để quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân được pháp luật bảo vệ thì phải giải quyết được quan hệ tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận