23/11/2019 08:20 GMT+7

Lau nước mắt cho nữ bác sĩ 'mũ nồi xanh'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tạm gác lại công việc gia đình, gửi gắm con cái cho hậu phương, những nữ quân nhân là bác sĩ "mũ nồi xanh" lên đường làm nhiệm vụ quốc tế gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan.

Lau nước mắt cho nữ bác sĩ mũ nồi xanh - Ảnh 1.

Mẹ con thiếu tá Bạch Thúy Hằng (40 tuổi, bác sĩ chuyên khoa ngoại, một trong 63 quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan) bịn rịn ngày chia tay

Mặc dù hứa với tôi là ở nhà các con sẽ ngoan đấy, nhưng các con không có mẹ ở gần lo cơm áo, theo sát học hành, tôi có hơi lo lắng. Tuy nhiên, các con đều hiểu được công việc của tôi, động viên ngược lại nên tôi cảm thấy an tâm hơn.

Thiếu tá Bạch Thúy Hằng bộc bạch

Vừa qua, tại lễ tiễn các quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan, hình ảnh hai cậu con trai mới lớn ôm chầm lấy người mẹ "mũ nồi xanh", lau nước mắt cho mẹ khiến nhiều người xung quanh cảm động. Người mẹ ấy là thiếu tá Bạch Thúy Hằng, 40 tuổi, bác sĩ chuyên khoa ngoại, một trong 63 quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Sudan.

Mẹ động viên con, con động viên lại mẹ

Hai cậu con trai của thiếu tá Hằng đang tuổi lớn, cháu lớn năm nay bước sang lớp 10, cháu út đang học lớp 7. Chị nói trước ngày lên đường chị đã chuẩn bị tinh thần thật kỹ lưỡng, nhưng đến ngày đi không tránh khỏi xúc động ôm chầm lấy các con. Thấy mẹ xúc động, hai cậu con trai xúm vào hai bên chỉnh lại "mũ nồi xanh" của mẹ cho ngay ngắn, thay nhau động viên mẹ lên đường.

Suốt 17 năm gắn bó trong môi trường quân ngũ, có lẽ đây là chuyến công tác xa nhất, bịn rịn nhất với thiếu tá Hằng. Chị giãi bày rằng cũng như bao bà mẹ khác, điều chị lo lắng nhất khi đi công tác xa là hai cậu con trai mới lớn, phải xa mẹ.

Chị khoe, con trai lớn vừa giành học bổng đi du học Mỹ. Dù phải đến tháng 7 năm sau khi chị đang ở phái bộ Nam Sudan thì con trai mới lên đường đi du học, nhưng tranh thủ những ngày hai mẹ con còn ở cạnh nhau, chị dạy con biết tự lập, dạy con kỹ năng sống, dạy con biết nấu ăn khi mẹ đi xa. Còn với cậu con trai út, chị dặn hai anh em ở nhà gắng bảo ban nhau, riêng Tí không được cãi lại anh.

Rèn ý chí mọi nơi

Sau khi được tuyển chọn, thiếu tá Bạch Thúy Hằng cùng các quân nhân khác bước vào huấn luyện, đó là khoảng thời gian rèn luyện ý chí, bản lĩnh, kiên trì của người lính, cũng là thời gian để họ làm tốt công tác tư tưởng cho hậu phương. Chị kể thời gian huấn luyện, học chuyên môn vào giờ hành chính nên chị có thời gian đồng hành cùng các con nhiều hơn, tranh thủ sớm tối

đưa con đi học.

Nhiệm vụ khó khăn nhất phải vượt qua là rào cản ngoại ngữ. Chị bộc bạch, cậu con trai lớn hiểu chuyện hơn nên cùng giúp chị vượt qua khó khăn này, thậm chí con phải dạy cho chị đêm hôm để đạt chứng chỉ Ielts. 

Chị kể vào tháng 8 năm ngoái, hai mẹ con cùng ôn luyện tiếng Anh, cậu con trai lớn "cầm tay chỉ việc", bắt chị phải luyện đọc, luyện nói cả tối vì sợ chị nói thì người Tây, thầy giáo Tây không hiểu. 

"Cậu con chỉ cho mẹ cách phát âm uốn lưỡi chuẩn như thế nào..., phát âm chuẩn đến lúc được thì mới chịu cho mẹ nghỉ" - thiếu tá Hằng chia sẻ.

"Nhớ nhất là lúc mẹ con cùng thi Ielts, mẹ thi xong ra đến cửa, con hỏi mẹ: "Mẹ ơi, thi thế nào?", mẹ bảo: "Không ổn lắm". Cậu con lớn của chị nói: "Hai mẹ con học cùng nên mẹ phải cố gắng, đây là động lực giúp mình vượt qua kỳ thi"", thiếu tá Hằng kể. 

Có chồng cùng ngành, bố là cựu chiến binh, chị nói đây là điều may mắn vì có bố mẹ, có chồng luôn sát cánh, sẵn sàng làm hậu phương vững chắc cho chị lên đường vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lau nước mắt cho nữ bác sĩ mũ nồi xanh - Ảnh 3.

Vợ chồng đại úy Lê Thị Hồng Vân cùng con gái trước ngày lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ quốc tế - Ảnh: H.Thanh

Vợ chồng cùng tham gia, xa con gái 2 tuổi

Trong số 63 quân nhân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở phái bộ Nam Sudan đợt này còn có cặp vợ chồng đại úy Lê Thị Hồng Vân (32 tuổi) và đại úy Lê Hồng Thanh (36 tuổi). Công tác cùng đơn vị, gặp nhau rồi nên duyên, hai vợ chồng chị Vân có với nhau một bé gái hơn 2 tuổi.

Năm trước chị Vân được gọi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, lúc ấy chồng chị là đại úy Thanh cũng đã được gọi vào danh sách huấn luyện của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2. Biết nhà vợ chồng đại úy neo người, lãnh đạo bệnh viện nói sẽ tạo điều kiện cho vợ chồng nếu muốn chỉ một trong hai người đi. Nhưng "đồng vợ đồng chồng", cả hai quyết tâm nhận nhiệm vụ lên đường.

Nữ đại úy mặc lên người bộ quân phục gìn giữ hòa bình, đội chiếc "mũ nồi xanh", mỉm cười hiền hậu nói, có lẽ bản thân may mắn hơn mọi người vì có chồng đi cùng và chắc chắn chồng chị cũng may mắn vì có vợ đi cùng. "Có hai vợ chồng cùng đi chắc chắn sẽ không vất vả bằng những gia đình khác. Tôi chỉ mong hai vợ chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về", đại úy Vân quả quyết.

Điều chị Vân lo lắng là sang phái bộ Nam Sudan không có những người thầy bên cạnh, trong khi vị trí công tác của chị chỉ có một, do đó chị nói trong vấn đề chuyên môn buộc bản thân phải luôn thận trọng, cố gắng hết mình. Song, điều khiến hai vợ chồng trăn trở nhất là con gái Hồng Khuê mới hơn 2 tuổi phải xa bố mẹ.

Chị kể, bé Khuê từ 6 tháng tuổi đã quen với việc cùng bố mẹ dậy sớm ra khỏi nhà, bố mẹ đi làm, con đi nhà trẻ. Để đỡ đần con, bà nội của Khuê xin nghỉ hưu sớm để dành thời gian chăm sóc cháu trong khoảng thời gian hai con xa nhà, giúp hai con an tâm làm tốt nhiệm vụ quốc tế. Nay tạm gác lại mọi lo lắng, hai vợ chồng đại úy quyết tâm lên đường, việc đến đâu cố gắng đến đấy.

"Tôi cũng không nghĩ nhiều, ở nhà có ông bà, có các cô chú bên cạnh, có thầy cô ở bệnh viện ở gần nên chúng tôi an tâm hơn", chị Vân giãi bày.

Nữ đại úy chia sẻ, có lẽ trẻ con sẽ mau quên hơn, trẻ con có thú vui riêng nên sẽ sớm quen với việc xa bố mẹ. Còn chị ở bên phái bộ Nam Sudan chênh lệch múi giờ với Việt Nam, chị nói nếu nhớ con sẽ gọi điện thoại về hoặc tìm đến công việc để nguôi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con.

Ca vỡ tử cung hiếm gặp

Làm công tác sản khoa, đại úy Lê Thị Hồng Vân kể kỷ niệm đáng nhớ nhất là trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, kíp trực của chị gặp ngay một ca sản phụ vỡ tử cung trong đêm, được đánh giá là làm 20 năm trong nghề cũng hiếm gặp.

Chị kể khám không sờ thấy đầu em bé, kíp trực rất hoang mang vì lần đầu tiên gặp ca thế này. Đưa lên phòng siêu âm thấy tim em bé đập yếu, ngay lập tức kíp trực đẩy lên phòng mổ tối khẩn cấp lấy em bé ra, rất may em bé vẫn nằm trong tử cung.

"Những trường hợp bình thường có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, riêng những trường hợp khó như sản phụ vỡ tử cung cấp cứu được làm tôi cảm thấy tự tin hơn trong quá trình làm việc", đại úy Lê Thị Hồng Vân chia sẻ.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên