05/01/2021 15:59 GMT+7

Lấp lánh hi vọng cho làng nghệ thuật truyền thống

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - 2020 là một năm buồn của làng nghệ thuật trong cơn đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bức tranh ảm đạm đó vẫn lóe vài tia sáng mới, lấp lánh hi vọng từ các bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Lấp lánh hi vọng cho làng nghệ thuật truyền thống - Ảnh 1.

Lê Hoài Phương độc tấu đàn bầu trong cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ toàn quốc 2020 - Ảnh: LINH ĐOAN

Khá nhiều cuộc thi tài năng trẻ ở các lĩnh vực được diễn ra trong năm 2020. Một số nhân tố ở các lĩnh vực như nhạc cụ dân tộc, cải lương, hát bội... bật sáng lên và trước đó họ đã có hành trình miệt mài theo đuổi đam mê nghệ thuật.

Lê Hoài Phương: chàng tiến sĩ gần 30 năm yêu đàn bầu

Trong cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020, cái tên Lê Hoài Phương (đơn vị Nhạc viện TP.HCM) trở nên nổi bật vì là người duy nhất đoạt HCV độc tấu đàn bầu và giải sáng tác dành cho tác phẩm Khát vọng.

Lục lại "lý lịch", hóa ra Hoài Phương "đáng gờm" từ rất lâu, và lần tái xuất này là cơ hội để Phương khẳng định mình thêm lần nữa. 9 tuổi, Phương đã được làm quen với cây đàn bầu ở Nhạc viện Huế. Tình cờ học rồi mê luôn nên tốt nghiệp lớp 12, anh chàng đã ra Hà Nội thi vào chuyên ngành đàn bầu, đỗ thủ khoa của Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Sau đó anh tốt nghiệp xuất sắc, được giữ lại làm giảng viên của trường. 

Sự nghiệp với cây đàn bầu được chàng trai trẻ gìn giữ và tiếp tục gây tiếng vang, lấy bằng thạc sĩ đến tiến sĩ tại Hàn Quốc. Năm 2016, Lê Hoài Phương về nước và giảng dạy tại khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM đến nay.

Hoài Phương tâm sự lý do gần 30 năm qua gắn bó với đàn bầu: "Âm thanh tiếng đàn bầu đi vào lòng người như giọng hát. Từ nhỏ tôi đã thích những nhạc cụ dây và càng mê hơn tiếng đàn bầu có dây rung rất truyền cảm". Và Phương càng mê hơn khi đàn bầu không giống một nhạc cụ nào khác với cách biểu diễn rất riêng.

Tình yêu và sự say mê đàn bầu giúp Hoài Phương nhận nhiều giải thưởng về nghề nghiệp trong và ngoài nước. 

"Năm 2021 tôi đang chuẩn bị để giới thiệu một album nhạc với các bài hát dân tộc được xây dựng trên tinh thần hiện đại, kết hợp với nhạc điện tử, world music... Hi vọng sẽ là một album có sự kết hợp tốt giữa truyền thống và hiện đại, có thể chinh phục được khán giả trẻ để họ thêm yêu quý tiếng đàn dân tộc hơn!" - Hoài Phương chia sẻ về dự định của mình trong năm mới này.

Lấp lánh hi vọng cho làng nghệ thuật truyền thống - Ảnh 2.

Trần Ngọc Nhã Thi vai Nguyễn Thị Anh trong tiết mục Nước mắt thần phi giành HCV tại Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 - Ảnh: LINH ĐOAN

Nhã Thi: cô đào cải lương chắt chiu từng vai diễn

Tại lễ tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2020 diễn ra ngày 1-1-2021, trong số các gương mặt trẻ nổi bật ở nhiều lĩnh vực làng cải lương có một đại diện là nghệ sĩ Nhã Thi. Hành trình vượt lên trong những năm gần đây của Thi là cả chặng đường dài nỗ lực không mệt mỏi, không nản chí của cô gái gốc Tiền Giang. 

Chính vì không có may mắn "lên cái ào" nên khi đã đạt được những thành tích nhất định, ở Thi dường như không có từ "ngôi sao". Cô vẫn lặng lẽ chắt chiu từng cơ hội được diễn, được mài giũa nghề với những vai diễn khó.

Nhã Thi là trường hợp hiếm hoi có thể cân bằng vị trí ở cả mặt giải trí, bề nổi và chất lượng nghề nghiệp. Cô tích cực tham gia các chương trình truyền hình, liên tiếp giành giải thưởng á quân Đường đến danh ca vọng cổ 2018, quán quân Tinh hoa hội tụ 2019... 

Nhưng cô gái nhỏ nhắn đó vẫn không quên chăm lo cho nghề với HCV Tài năng trẻ toàn quốc 2017, HCB hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc 2018, HCB hội diễn sân khấu công an toàn quốc 2020. Mới đây nhất là vai diễn đầy cực nhọc Nguyễn Thị Anh trong Nước mắt thần phi giành HCV Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020.

Thi rất chịu khó học hỏi. Khởi điểm Thi không có giọng ca tốt nhưng chuyên tâm rèn giũa cùng sự kềm cặp của người bạn đời - chuông vàng vọng cổ Minh Trường - mà giờ cô đã có một giọng ca tình cảm. Nhã Thi vừa thi đầu vào khóa đạo diễn hệ vừa học vừa làm của Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM. 

Cô vui vẻ nói: "Mong năm tới COVID-19 bái bai mọi người để cuộc sống yên bình. Nghệ sĩ được hát nhiều hơn và bản thân tôi có thêm nhiều vai hay, vai lạ!".

Lấp lánh hi vọng cho làng nghệ thuật truyền thống - Ảnh 3.

Ngọc Giàu (trái) vai Thúy Kiều trong vở Vương Thúy Kiều - Ảnh: L.ĐOAN

Ngọc Giàu: thương nghề hát bội

Năm qua, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM dù bị COVID-19 hành te tua cũng ráng cố gắng giới thiệu đến công chúng vở diễn mới Vương Thúy Kiều (tác giả: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu). Người đảm nhiệm vai Thúy Kiều chính là nghệ sĩ trẻ Ngọc Giàu.

Với bộ môn khó như hát bội để vươn lên hàng đào chánh phải mất thời gian rèn luyện khá lâu, khó có chuyện sau một đêm bỗng dưng thành ngôi sao. Vì vậy gần 20 năm theo nghề, Giàu mới được bước vào vị trí đào chánh là điều không khó hiểu.

Giàu đến với hát bội khá sớm. 14 tuổi mẹ và ông ngoại là nghệ sĩ Hà Công Chấn đã hướng dẫn và gửi cô vào lớp đào tạo hát bội hệ 3 năm của nhà hát (lúc đó còn là Đoàn nghệ thuật hát bội TP.HCM) với sự dìu dắt của NSƯT Hữu Danh và nhiều nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm trong đoàn. Lúc đó, cô bé khóc rất dữ vì chỉ mê cải lương. Ai dè, nhờ bị "ép" học hát bội riết mà Giàu mê hồi nào không hay!

Nghệ thuật hát bội là bộ môn đã không còn thịnh nhưng Ngọc Giàu và đồng nghiệp vẫn tập luyện suốt. Một vở mới phải tập hơn tháng trời. Các kỳ hát chầu, hát phục vụ mỗi năm theo kế hoạch của nhà hát phải hơn 160 suất. Có được cơ hội diễn nhiều, nghệ sĩ có cơ hội nâng cao tay nghề, học tập các tiền bối. Thế nhưng, để sống được với nghề hiện các nghệ sĩ đều phải rất gói ghém. Bản thân Ngọc Giàu một mình nuôi con nhỏ nên để đảm bảo cuộc sống, cô tranh thủ bán hàng online.

Cô nói: "Mình thương nghề nên phải cố gắng. Chúng tôi sợ nhất là hát bội bị mai một, nên luôn mong mỏi có điều kiện làm nghề tốt, được xây dựng những chương trình gần gũi với khán giả trẻ để các bạn trẻ tiếp tục yêu, để tiếp tục làm nghề, gìn giữ vốn quý của nghệ thuật dân tộc!".

Tuy không lạ nhưng vẫn mới...

Ở mảng sách và truyền hình, năm 2020 chào đón 2 gương mặt trẻ dẫu có phần quen thuộc nhưng đã tạo được ấn tượng khá thú vị.

Cao Nguyệt Nguyên: Sẽ bước qua mùa bão bằng 12 viên cuội thần kỳ

anh box 2

Với kỷ niệm 200 năm ngày mất thi hào Nguyễn Du, làng sách Việt năm 2020 có được dấu ấn Truyện Kiều tự kể - Artbook do Cao Nguyệt Nguyên viết lời và 12 họa sĩ vẽ minh họa.

Cao Nguyệt Nguyên đặt chân vào con đường văn chương bằng những bước vững chãi. Sau tập truyện đầu tay Trăng màu hổ phách (2015), Cao Nguyệt Nguyên thực hiện series truyện tranh thiếu nhi Chuột Chi Hô lên thành phố (2016) được các bạn đọc nhí đón nhận nhiệt tình.

Tiếp đó là truyện dài A Lê Hấp - Ké Xanh (2017) cũng là tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng khai thác đề tài quê hương với phong vị vùng miền làm thành điểm độc đáo thu hút bạn đọc.

Cao Nguyệt Nguyên là một trong những cây bút tuổi nghề còn trẻ nhưng tay bút già dặn trong chuyển đạt những chuyển động tâm lý nhân vật với màu sắc tính dục - cũng là điểm táo bạo của Cao Nguyệt Nguyên. Nguyệt Nguyên tâm sự: "Tôi muốn nhân vật của mình dù trong sự nghiệt ngã tận cùng của số phận vẫn khát khao hướng tới tình yêu, hạnh phúc bằng chính bản năng phái yếu của mình".

Năm 2021, Cao Nguyệt Nguyên còn hai tác phẩm sẽ hoàn tất và ra mắt là truyện dài thiếu nhi 12 viên cuội thần kỳ và tập truyện ngắn Bước qua mùa bão. Mong rằng một năm mới thuận lợi để bước đường văn của Cao Nguyệt Nguyên có thêm nhiều thành tựu dành cho bạn đọc yêu mến.

Jun Phạm: "Trộm vía, năm 2020 thành công hơn các năm trước"

anh box 1

Năm 2020, Jun Phạm xuất hiện liên tục trên màn ảnh nhỏ: phim truyền hình Gạo nếp gạo tẻ (phần 2), dẫn chương trình Góc bếp thông minh, Thiếu niên nói, tham gia Chọn ai đây, Người ấy là ai, Kỳ tài thách đấu...

Trong những ngày đầu năm 2021, Jun Phạm tiếp tục xuất hiện với vai diễn chính trong bộ phim truyền hình tết Số độc đắc, phát sóng trên kênh Vie - HTV2. Hiện một bộ phim khác mà Jun Phạm đóng vai chính cũng đã hoàn tất, chờ ngày lên sóng.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Jun Phạm luôn miệng nhắc đến từ "trộm vía". Nói về năm đã qua, Jun Phạm bảo: "Năm 2020, một số nghệ sĩ gặp khó khăn nhưng trộm vía, Jun Phạm vẫn ổn".

Có lẽ, sống vẫn ổn trong năm 2020 là nhờ Jun Phạm đã xây dựng mình thành một nghệ sĩ đa năng. "Năm 2020 đúng là không có nhiều show diễn nhưng thay vào đó tôi đóng phim, làm quảng cáo. Bên cạnh đó, tôi cũng tập trung vào việc viết kịch bản".

Nói về những dự tính mong muốn trong tương lai, Jun Phạm trầm ngâm: "Qua một năm đầy biến động, tôi chiêm nghiệm rằng hóa ra sức khỏe là quan trọng nhất. Cho nên bây giờ tôi mong ước cho mình và cho mọi người khỏe mạnh. Có sức khỏe làm gì cũng được: yêu thương được, chơi được, làm được...". Suy nghĩ một chút, Jun bổ sung: "Thật sự chúng ta không biết ngày mai sẽ như thế nào nên điều quan trọng nữa là mọi người hãy sống trọn từng khoảnh khắc để không phải tiếc nuối điều gì".

LAM ĐIỀN - HOÀNG LÊ

Tiêu Vĩnh Thịnh: Chàng trai mê múa đương đại

nph_2257 4(read-only)

Tiêu Vĩnh Thịnh biểu diễn tiết mục múa đương đại 28 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần VI diễn ra tháng 11-2020, Tiêu Vĩnh Thịnh là nghệ sĩ trẻ duy nhất đoạt cùng lúc 2 giải cao nhất. Giải A thể loại tác phẩm với tiết mục 28 và giải A cho diễn viên cũng với tác phẩm này. Lăn lộn với múa cả chục năm, đó là lần đầu anh tham gia một cuộc thi nghề nghiệp lớn.

Khởi đầu với việc mê và tham gia các nhóm hip hop đường phố, chàng trai Tiêu Vĩnh Thịnh đến từ Sóc Trăng tình cờ casting và có cơ hội làm việc với êkip thực hiện vở xiếc tre À Ố show, rồi đến Teh Dar... Không được học múa bài bản từ trường múa nhưng với niềm say mê và năng khiếu, Vĩnh Thịnh từng bước chứng tỏ được khả năng múa và biên đạo rất đặc biệt.

Tiêu Vĩnh Thịnh chia sẻ anh đắm đuối múa đương đại vì ngoài yếu tố tự do, phóng khoáng, múa đương đại còn có thể trị liệu tâm hồn, có thể bày tỏ cảm xúc. Dù là bài múa có biên đạo trước nhưng khi thực hiện tiết mục, người diễn viên vẫn có thể chiều theo cảm xúc hiện tại với những khoảnh khắc riêng.

Vĩnh Thịnh chia sẻ: "Múa đương đại khá kén người xem. Hầu hết nghệ sĩ múa đương đại VN vẫn còn khó khăn khi cân bằng giữa việc thực hiện yêu cầu của các sự kiện đảm bảo cuộc sống với việc xây dựng tác phẩm nghệ thuật theo khát khao của bản thân!".

Chọn con đường khó và phải chật vật theo đuổi đam mê nhưng được múa là hạnh phúc, nên Vĩnh Thịnh vẫn "bất chấp" để bước tiếp con đường còn chông gai đó…

Đề xuất nghệ thuật truyền thống là môn bắt buộc trong trường Đề xuất nghệ thuật truyền thống là môn bắt buộc trong trường

TTO - 'Sốt ruột' trước tình trạng công chúng ngày càng thờ ơ với các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống, một số nghệ sĩ đã đề xuất đưa các bộ môn này vào chương trình học các cấp, trở thành môn học bắt buộc.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên