Hố xoáy gần bờ được xác định là nguyên nhân chính gây sạt lở kinh hoàng vừa qua - Ảnh: BỬU ĐẤU |
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-7, ông Thi cho biết theo khảo sát của Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam, khu vực sông Hậu đoạn Vàm Nao ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang có 2 hố xoáy khủng. Một hố nằm gần bờ có độ sâu 22m, dài 175m, rộng 90m.
Còn hố xoáy ở giữa sông có độ sâu 42m, dài 380m, rộng 180m và cách bờ hơn 300m.
Chỉ lấp hố xoáy gần bờ
Theo ông Thi, lần khởi công này là lấp hố xoáy gần bờ với mục tiêu đảm bảo ổn định bờ sông Hậu thuộc khu vực Vàm Nao, bảo vệ dân cư và các công trình hạ tầng trong khu vực như: chợ, nhà dân, trụ sở hành chính xã và Trường tiểu học A Mỹ Hội Đông.
Về việc nhiều chuyên gia cho rằng việc lấp hố xoáy này liệu có đảm bảo chống sạt lở lâu dài hay chỉ là tạm thời. Đặc biệt, việc lấp hố xoáy có ảnh hưởng đến quá trình chỉnh trị dòng chảy làm bên kia sông bị sạt lở hay không, ông Thi khẳng định "tỉnh chỉ cho lấp hố xoáy gần bờ, chứ không đụng chạm gì đến hố xoáy tự nhiên giữa sông".
"Nếu không lấp hố xoáy này để ổn định dòng chảy thì sẽ còn xảy ra sạt lở nữa. Lấp hố này không hề ảnh hưởng đến bờ bên kia. Sau khi lấp hố xoáy xong, chúng tôi tiếp tục làm bờ kè bảo vệ dân cư nên mới có nguồn vốn trên 47 tỉ đồng", ông Thi cho biết thêm.
Theo ông Thi, việc lấp hố xoáy do Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam tư vấn, khảo sát, đánh giá mức độ kỹ thuật rồi đưa ra phương án thực hiện. Nếu làm kè luôn thì phải đến năm 2019 mới hoàn thành. Toàn bộ nguồn vốn do trung ương và địa phương đầu tư.
“Trước đây chúng tôi lấp hố xoáy ở gần phà Thuận Giang bằng cách thả rọ đá xuống hố xoáy và đáy sông ổn định, không sạt lở ngay. Sắp tới tỉnh cũng siết lại tình trạng cất nhà ven kênh rạch với quy mô cao tầng như hiện nay để hạn chế sạt lở” - ông Thi nói.
Chỉ là biện pháp “uống thuốc giảm đau” cho qua cơn
Từ sau vụ sạt lở đến nay tuyến đường liên xã đã bị ăn đứt - Ảnh: BỬU ĐẤU |
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu môi trường - lại có quan điểm khác.
"Tôi cho rằng chạm đến hố xoáy tự nhiên giữa sông thì hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Điều quan trọng cần phải hiểu là nếu các hố xoáy tự nhiên đã có từ lâu thì đó không phải là nguyên nhân gây sạt lở. Còn hố xoáy do dòng chảy mới tạo nên gần bờ là biểu hiện của sự mất cân bằng động lực trên hệ thống.
Chính sự mất cân bằng hệ thống do giảm phù sa mịn và thiếu cát mới là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển trên diện rộng đến gần 1.000km2 ở ĐBSCL.
Việc lấp hố xoáy dù gần bờ thì cũng chỉ là biện pháp “uống thuốc giảm đau” qua cơn, ở từng nơi cụ thể cần phải bảo vệ trước mắt, còn trên bình diện đồng bằng, sạt lở vẫn sẽ diễn ra dữ dội tương ứng với độ mất cân bằng do việc thiếu phù sa và thiếu cát tạo ra.
Việc lấp hố xoáy cũng cần phải được hiểu rằng can thiệp nơi này thì dòng sông sẽ tìm nơi khác đào để tự tìm cân bằng.
“Từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo về sự ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng và bắt đầu quá trình ngược lại, tức sạt lở nhiều hơn bồi đắp, khi đồng bằng châu thổ thiếu phù sa và cát. Diễn biến sạt lở hiện nay ở ĐBSCL chính là chứng thực cho những cảnh báo đó.
Bây giờ chúng ta bắt đầu thấy được cái giá phải trả đối với tác động của thủy điện và khai thác cát trên sông Me kong”, ông Thiện nói và cho rằng nếu tỉnh An Giang khẳng định trong tương lai sẽ không lấp hố xoáy giữa sông thì tác động sẽ đỡ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận