Phóng to |
Rất nhiều người muốn lấp giếng nhưng không biết lấp thế nào để bảo đảm an toàn cho nguồn nước ngầm. Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Huỳnh Lê Khoa, phó trưởng Phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở Tài nguyên - môi trường TP, xung quanh vấn đề này.
* Hàng loạt giếng khoan không sử dụng và để hoang sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mạch nước ngầm, thưa ông?
- Nếu để lâu không sử dụng, giếng khoan sẽ mau chóng bị hỏng. Khi đó phần nước mặt đã ô nhiễm sẽ thấm xuống phần dưới của nước ngầm và làm ảnh hưởng nguồn nước. Chưa kể trong tầng nước ngầm còn có các tầng nước xấu và tốt nằm xen kẽ, nếu giếng hỏng, ống giếng bị mục thì khi đó các tầng nước cách ly sẽ thông với nhau, phần nước xấu sẽ tràn lẫn với nước tốt làm giảm chất lượng nước ngầm. Để hạn chế việc bỏ không giếng khoan, UBND TP cũng đã ban hành quyết định số 17 trong đó yêu cầu người dân nếu không còn sử dụng giếng khoan thì nên tiến hành trám lấp giếng.
* Người dân nên lấp giếng như thế nào để đảm bảo an toàn cho nguồn nước ngầm? Có thể liên hệ ở đâu để được tư vấn?
- Hiện nay phương pháp trám lấp giếng an toàn là sử dụng ximăng và đất sét. Đối với phương pháp trám giếng bằng vữa ximăng, cứ một bao ximăng pha với 30 lít nước và trộn thành vữa. Sau đó đổ vữa xuống từ từ đến khi lấp đầy giếng và đậy miệng giếng lại. Trám giếng bằng đất sét thì dùng đất sét bột và vo thành viên. Tùy đường kính của giếng mà có thể vo đất sét thành viên 20-25mm hay 50mm. Sau đó thả đất sét xuống giếng cho đến khi đầy rồi đậy miệng giếng lại. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập huấn về phương pháp lấp giếng an toàn đến các phòng tài nguyên - môi trường của quận, huyện. Ngoài ra, người dân cũng có thể đến Phòng quản lý tài nguyên nước và khoáng sản gặp chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận