Cần có những giải pháp thiết thực hơn để giữ chân lao động trẻ. Ảnh: TTXVN
Lao động trẻ thích nhảy việc
Ghi nhận tại thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, hầu hết lao động trẻ ít chịu ổn định việc làm ở một nơi. Theo đó, trong khi đang làm việc ở một doanh nghiệp, các lao động trẻ vẫn tìm hiểu và "mong ngóng" ở hai hoặc ba địa chỉ khác có môi trường làm việc tốt hơn, khả năng thăng tiến cao hơn, hoặc là lương "nhỉnh" hơn.
Anh Lê Minh Anh, một nhân viên ngành công nghệ thông tin, đang có thu nhập khá tốt ở một công ty công nghệ nằm trong Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nhưng vẫn có ý định "nhảy việc" trong thời gian tới để sang một công ty nước ngoài. Bởi sau khi tìm hiểu, anh Minh Anh lại thấy môi trường làm việc "bên kia" trội hơn hẳn về cả mức lương lẫn cơ hội thăng tiến.
Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường lao động Anphabe, trung bình một doanh nghiệp sẽ thất thoát khoảng 51% nhân tài sau thời gian làm việc. Theo dự báo, tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên trong các doanh nghiệp năm 2018 là 20%, trong đó 19% nhân viên cảm thấy thiếu gắn kết và quyết định ra đi, 1% nhân viên dù gắn kết nhưng vẫn ra đi vì có cơ hội tốt hơn. Tỷ lệ này được cho là cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Lo ngại hơn, có đến 31% nguồn nhân lực dù không gắn kết nhưng cũng không có ý định ra đi. Đây là nhóm nhân lực đi làm nhưng mất động lực, thiếu nỗ lực tạo ra nhiều thách thức nội bộ cho cả văn hóa và hiệu suất của doanh nghiệp. Với đội ngũ nòng cốt trung bình tại công ty chỉ còn 49%, đây là bài toán khó, đáng lo ngại về nguồn nhân lực trẻ hiện nay.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, doanh nghiệp Việt không ngừng đầu tư mở rộng, lao động trẻ cũng giỏi giang, năng động, cho nên họ chủ động được công việc để dễ thăng tiến và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, "làn sóng" khởi nghiệp cũng thu hút một lượng lớn lao động đầy chất sáng tạo. Đây chính là những lý do chính dẫn đến tình trạng lao động trẻ hay "nhảy việc" hiện nay.
Tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động
Lo ngại về tình trạng đổi việc liên tục của người trẻ hiện nay, ông Trần Đình Cường, Tổng Giám đốc Emst & Young Việt Nam, chia sẻ rằng có nhiều bạn trẻ vào đầu quân cho công ty một thời gian rồi xin nghỉ việc khiến ông rất tiếc. "Cá biệt, không ít trường hợp lao động nghỉ việc khiến tôi suy nghĩ mãi.
Tôi đã tạo cho lao động một vị trí và môi trường làm việc rất tốt nhưng họ vẫn đi. Tôi biết chắc họ sẽ không tìm được nơi nào tốt hơn. Tôi mong là lao động của mình có những trải nghiệm mới để biết được giá trị, luôn luôn đón nhận và tạo điều kiện cho nhân tài quay trở lại với doanh nghiệp", ông Cường nói.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Anphabe, cho rằng hiện nay đang có khoảng cách lớn giữa doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp thường tác động bằng tiền bạc hoặc những lời đề nghị hấp dẫn để khuyến khích nhân tài, tuy nhiên tiền không phải là tất cả, chỉ đúng trong một số trường hợp.
Với những hoạt động đơn giản, mục tiêu và cách thức thực hiện rõ ràng, tưởng thưởng có tác dụng gia tăng hiệu suất đáng kể. Thế nhưng với những nhiệm vụ đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy giải quyết vấn đề, tiền bạc sẽ dẫn tới giảm cả hiệu suất lẫn chất lượng công việc.
"Nói tăng lương chưa chắc người ta ở lại, nhưng giúp cho lao động sáng tạo thành công và tạo dấu ấn tốt chắc thu hút hơn. Nhân viên khao khát tạo dấu ấn là nhân viên nhiệt tình, tâm huyết với công việc của mình", đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Rõ ràng, thương hiệu sản phẩm không đồng nhất với thương hiệu doanh nghiệp. Làm ở doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng nhưng môi trường làm việc chưa thật sự phát huy hết khả năng tư duy, tính sáng tạo của người lao động chắc chắn lao động sẽ tìm "bến đậu" khác.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết trước thị trường việc làm đầy triển vọng sẽ không tránh khỏi cuộc chiến nhân tài, ngoài lương thưởng, điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải xây dựng được môi trường làm việc hấp dẫn dựa trên những ưu điểm nổi bật của công ty; đồng thời tạo mọi điều kiện để tất cả thành viên đều có cơ hội phát triển.
"Việt Nam khi nói về lợi thế thu hút đầu tư thường nhắc đến nhiều yếu tố khác sau yếu tố nhân lực. Như vậy chưa thật sự chính xác. Nguồn lực lớn nhất chính là con người. Con người là trung tâm của sự phát triển. Lãnh đạo doanh nghiệp phải làm sao "biến" lao động trở thành những "siêu nhân" mới tốt và gắn kết bền chặt lao động với doanh nghiệp của mình để họ không nỡ rời đi ngay từ trong tư tưởng", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận