Trong khi đó, một số công ty khác không mở lại hoàn toàn việc sửa/hủy lệnh cho cả phiên giao dịch mà chỉ mở vào một số khung giờ nhất định.
Với những quy định khác nhau của các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ phải chịu cảnh bất bình đẳng dù cùng giao dịch trên một thị trường. Việc dừng sửa/hủy lệnh xuất phát từ tình trạng nghẽn lệnh nghiêm trọng diễn ra thời gian qua.
Tình trạng này từng ầm ĩ từ hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 và những tưởng mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa nhưng bất ngờ tái diễn từ cuối tháng 5 đến nay.
Mọi chuyện bắt nguồn từ sự yếu kém của HoSE khi để hệ thống quá bết bát, dẫn đến việc không thể tải nổi khi thị trường đón nhận lượng giao dịch lớn.
Thậm chí khi giá trị giao dịch vượt mức 21.700 tỉ đồng trong phiên sáng 1-6, HoSE buộc phải dừng phiên giao dịch chiều với lý do nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Tiếp đó là giải pháp cực đoan, bất công bằng đối với nhà đầu tư khi không cho sửa/hủy lệnh.
Dù vậy, hệ thống vẫn không khá hơn khi xuất hiện tình trạng sai lệch thông số trên bảng giá nên các nhà đầu tư phải giao dịch dựa trên những thông tin không chính xác. Nếu không có ý kiến cho rằng HoSE và các công ty chứng khoán đã sai khi ngăn chặn nhà đầu tư sửa/hủy lệnh, nếu không có sự phản ứng mạnh mẽ của giới đầu tư thì chưa chắc tính năng sửa/hủy lệnh đã được mở lại.
Sau phiên giao dịch ngày 8-6, trên nhiều diễn đàn, các nhà đầu tư đồng loạt lên tiếng kêu gọi lãnh đạo HoSE từ chức. Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN cũng đã từng đề nghị thay thế lãnh đạo HoSE và cam kết sẽ tìm nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm thay các vị trí lãnh đạo HoSE.
Không có một động thái quyết liệt nào từ cơ quan quản lý về tình trạng hiện tại của thị trường chứng khoán.
Ông Lê Hải Trà, tổng giám đốc HoSE, đã lên tiếng nhưng chỉ nêu chung chung rằng việc thay đổi hệ thống giao dịch để nâng cao năng lực là quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư, rồi hứa rằng HoSE đang làm tất cả những gì có thể vì lợi ích chung của thị trường.
Nếu thực sự trách nhiệm, ông Trà cần ấn định mốc thời gian cụ thể và cam kết sẽ từ chức nếu đến thời điểm đó vẫn không khắc phục được tình hình. Còn chỉ hứa suông, không có ràng buộc, sẽ quá ư đơn giản.
Sự tắc nghẽn giao dịch không những ảnh hưởng tới nhà đầu tư, tới các doanh nghiệp niêm yết mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế đang cần nguồn vốn cho phát triển trong đại dịch.
Do đó, cần phải cam kết rõ ràng, có lộ trình xử lý với giải pháp quyết liệt và có người chịu trách nhiệm để thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, thông suốt trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận