10/05/2022 10:35 GMT+7

Lãnh đạo công ty chứng khoán dùng chứng minh thư bị mất của sinh viên để ký hợp đồng trăm tỉ

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Nhóm bị cáo ở Công ty chứng khoán SME dùng chứng minh thư bị mất của một sinh viên nhằm dựng lên một 'đại gia' chứng khoán để ký kết hợp đồng trị giá 168 tỉ với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam.

Lãnh đạo công ty chứng khoán dùng chứng minh thư bị mất của sinh viên để ký hợp đồng trăm tỉ - Ảnh 1.

Bị cáo Phan Huy Chí - cựu chủ tịch Công ty chứng khoán SME - trả lời thẩm vấn - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng 10-5, phiên tòa xét xử 10 bị cáo trong vụ án lừa đảo hơn 300 tỉ đồng liên quan Công ty cổ phần chứng khoán SME (viết tắt là SMES) và Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí (PVFI) tiếp tục phần xét hỏi.

Theo cáo buộc, từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011, do cần tiền để sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, các bị cáo Phan Huy Chí - cựu chủ tịch Công ty chứng khoán SME, Phạm Minh Tuấn - cựu tổng giám đốc Công ty chứng khoán SME cùng cấp dưới sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) và PVFI, Ngân hàng thương mại CP Habubank Hà Nội (nay là Ngân hàng SHB Hà Nội) gần 300 tỉ đồng.

Trong đó, tính riêng tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 107 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định, do biết PVI có một khoản tiền cần đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán, nên Phạm Minh Tuấn báo cáo với ông Chí để hợp tác.

Ông Chí và Tuấn sau đó chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ giả, lập khống số dư các mã chứng khoán ảo để ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán nhằm chiếm đoạt tài sản của PVI.

Tin tưởng, PVI đã ký hai hợp đồng hợp tác số 15 và 16 vào ngày 21-4-2010, sau đó chuyển số tiền hơn 107 tỉ đồng cho SMES. Thế nhưng đến hạn tất toán, PVI không hề nhận được tiền gốc và lợi nhuận như đã thỏa thuận nên đã kiến nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Đáng chú ý, tại hợp đồng số 15, ba bên tham gia ký kết gồm đại diện SMES (bên C), đại diện PVI (bên A) và khách hàng tên Hoàng Ngọc Anh (bên B, một người sở hữu gần 5 triệu cổ phiếu).

Hợp đồng này có tổng giá trị là hơn 168 tỉ đồng, trong đó PVI góp 40% bằng 49 tỉ đồng tiền mặt, khách hàng Hoàng Ngọc Anh góp 60% bằng số dư chứng khoán (trên thực tế là chứng khoán ảo).

Quá trình điều tra, công an tiến hành xác minh về nhân thân của người ký tên trong hợp đồng hợp tác với PVI là "đại gia" chứng khoán Hoàng Ngọc Anh.

Công an xác định Hoàng Ngọc Anh chỉ là một sinh viên của đại học y dược, người này không ký bất kỳ hợp đồng, cam kết thỏa thuận nào với PVI và SMES. Người này cũng cho biết không có tiền để đầu tư chứng khoán, không biết, không ký kết và không có quan hệ gì với các bên tham gia hợp đồng số 15.

Hoàng Ngọc Anh chỉ thừa nhận số chứng minh thư ghi trong hợp đồng số 15 là của mình, nhưng chứng minh thư này bị mất và đã làm lại chứng minh thư khác.

Kết quả giám định cũng cho thấy, chữ ký đứng tên Hoàng Ngọc Anh trong hợp đồng số 15 và chữ ký Hoàng Ngọc Anh trên biên bản ghi lời khai với công an không phải là chữ ký của cùng một người ký ra.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Chí thừa nhận các cáo buộc của cơ quan điều tra, tuy nhiên sau đó thay đổi lời khai theo hướng phủ nhận.

Tại tòa, trả lời HĐXX về vụ lừa đảo đầu tiên gây thiệt hại 107 tỉ đồng tại PVI, bị cáo Chí phủ nhận việc này. Bị cáo khai không đề ra chủ trương, bàn bạc hay chỉ đạo cấp dưới, cũng không ký hợp đồng đầu tư chứng khoán với PVI.

Cựu chủ tịch Công ty chứng khoán SME khẳng định công ty của ông cần vay tiền PVI nhưng PVI là công ty bảo hiểm, không có chức năng cho vay nên mới phải tạo dựng hai hợp đồng chứng khoán niêm yết để vay. Toàn bộ thủ tục liên quan do trung gian môi giới thực hiện, SMES chỉ làm theo tư vấn.

Nghe vậy, chủ tọa chất vấn "nếu là giao dịch vay tiền thông thường, sao không ký hợp đồng vay mà lại phải che giấu bằng việc ký giả cách hai hợp đồng chứng khoán niêm yết?".

Ông Chí tiếp tục cho hay do PVI không có chức năng cho vay nên đôi bên mới phải làm vậy. Việc tạo dựng khách hàng, khống mã chứng khoán, không nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVI, mà có sự thống nhất của hai bên.

HĐXX truy vấn "làm điều pháp luật không cho phép, vậy rõ ràng là gian dối, là vi phạm, có phải không?". Cựu chủ tịch SMES nói "nếu có gian dối thì là PVI chứ không phải bị cáo", đồng thời cho biết trước khi vụ án đưa ra xét xử đã trả đủ tiền cho PVI, do đó "không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngay sau đó, tòa yêu cầu đại diện PVI đối chất về mốc thời gian và các khoản thanh toán SME đã trả cho PVI, tuy nhiên người này chưa chuẩn bị được các tài liệu cần thiết, xin HĐXX bổ sung sau.

Bắt tạm giam giám đốc Công ty chứng khoán SME chi nhánh TP.HCM Bắt tạm giam giám đốc Công ty chứng khoán SME chi nhánh TP.HCM

TT - Ngày 22-4, thông tin từ Bộ Công an cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra của bộ vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Nam (38 tuổi, trú tại phường 6, quận 3, TP.HCM), giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SME chi nhánh TP.HCM, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên