29/03/2014 17:04 GMT+7

Lang thang trên cung đường tơ lụa Ba Tư

NGUYỄN CHÍ LINH
NGUYỄN CHÍ LINH

TTCT - Mỗi khi chiều xuống, du khách rủ rê nhau thong dong đạp xe trên cung đường tơ lụa huyền thoại quanh co chạy vào các hẻm núi. Đêm xuống, trong hương thơm ngọt ngào của những chậu hoa thủy tiên lan tỏa, tiếng đàn se ta của anh vũ công lại réo rắt vang.

oeBAyi6Q.jpgPhóng to
Iran cũng giữ lại cho mình đậm chất Ba Tư qua các thánh đường Hồi giáo - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Những âm thanh cao vút từ giọng hát anh khiến du khách trôi dạt theo từng bước chân của đoàn người năm xưa cất bước đi giữa sa mạc hoang vu.

Cung đường huyền thoại

Từ thành phố Esfahan đến Yard ở Iran, anh lơ xe tên Lessan liến thoắng kể về con đường tơ lụa huyền thoại ngày xưa đi ngang qua xứ Ba Tư. Anh mách chỉ có trên cung đường tơ lụa ở đoạn Yard, trạm dừng chân của đoàn người năm xưa, được thiết kế lại thành một khách sạn để du khách có những trải nghiệm tuyệt vời hơn khi đến đây.

Sau khi qua Afghanistan, đoàn người ngựa năm xưa dừng chân tập kết ở Bam. Yard là điểm tập kết thứ hai sau một chặng đường dài di chuyển tiếp theo để đến thành phố Kermanshah và qua Iraq áp sát bờ Địa Trung Hải. Một nhánh chính nữa của con đường tơ lụa ở Iran bắt đầu từ thành phố Mashhad, nằm sát nách biên giới với Afghanistan và Turkmenistan, đây là trục đường chính đi ngang qua Tehran để tập kết tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ ) và Damascus (Syria).

Chẳng có gì vĩnh cửu trước dòng chảy của thời gian và chỉ có lịch sử mới ghi lại những dấu vết đó. Con đường tơ lụa ở Iran ngày nay cũng bị chia năm xẻ bảy bởi những con đường cao tốc trải nhựa phẳng lì với những chiếc xe chạy như trôi qua sa mạc.

Rất may, Iran còn giữ lại khá tốt cung đường huyền thoại ngày xưa dù đó chỉ là những con đường đất gồ ghề phủ đầy sỏi đá quanh co trong sa mạc hoang vu. Theo Lessan, cung đường tơ lụa từ Esfahan đến Yard được bảo tồn tốt hơn cung đường tơ lụa từ Mashhad lên Tehran.

Cái tên Kervansaraye lại mang đến cho tôi ký ức hoài niệm về con đường tơ lụa ngày xưa khi vừa đặt chân đến đây. Trong tiếng Ba Tư, “kervansaraye” có nghĩa là “trạm dừng chân cho khách đi qua sa mạc”. Tôi đắm chìm trong sắc màu Ba Tư huyền bí qua những tấm thảm đỏ được trang trí dọc theo các mảng tường khi bước vào bên trong trạm dừng chân.

HjYQmonU.jpgPhóng to
Con đường tơ lụa nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Chí Linh
N36D3u3g.jpgPhóng to
Bên ngoài trạm dừng chân đã thiết kế thành khách sạn - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Bước vào thế giới “nghìn lẻ một đêm”

Trạm dừng chân huyền thoại vẫn giữ lại hình dáng ban đầu và chia làm hai khu: khu nhỏ dành cho ngựa và lạc đà nghỉ chân và khu lớn dành cho đoàn người. Những viên gạch hay các khung cửa gỗ dù được thay mới nhưng màu của chúng vẫn thấm đẫm rêu phong thời gian. Chỉ một sự khác biệt chút ít so với hình ảnh năm xưa khi khu nhỏ ngày nay trở thành bãi xe của du khách.

Saeed, tiếp tân khách sạn, hướng dẫn tôi làm đúng thủ tục đầu tiên của đoàn người năm xưa là ghi lại tên mình vào quyển sổ nhật ký to được đặt tại quầy tiếp tân. Quầy tiếp tân hình trụ lục giác phủ đầy thảm Ba Tư, treo những chiếc đèn dầu cổ kính cũng mang lại cho tôi cảm giác lạ lẫm và quay ngược về quá khứ.

Tôi theo chân Saeed đi một vòng quanh khách sạn để chọn giá phòng phù hợp. Bao quanh sân vườn lớn được thiết kế theo phong cách Ba Tư là những dãy phòng riêng biệt dành cho những người giàu có.

Một phòng lớn hơn chạy uốn lượn quanh co phía sau dãy phòng riêng dành cho những người ít tiền hơn. Đó là phòng tập thể mà giường ngủ của người này được ngăn cách với người kia bằng những tấm màn riđô. Bên trong những tấm màn đơn sơ là phòng ngủ được thiết kế tuyệt đẹp.

Từ tấm thảm trải sàn, những hoa văn trên tường, chiếc gối cho đến những tách uống trà… đều mang hơi thở “Ba Tư”. Tôi như đang từ từ lạc vào thế giới “Nghìn lẻ một đêm”.

jVMmbZbU.jpgPhóng to
Phòng thương gia được thiết kế lại quanh khu vườn đậm chất Ba Tư - Ảnh: Nguyễn Chí Linh
cIT9cldT.jpgPhóng to
Những chiếc bình làm bằng bạc chỉ thấy trong bộ tranh “nghìn lẻ một đêm” được bày bán trong các khu chợ - Ảnh: Nguyễn Chí Linh
pQbSw3y3.jpgPhóng to
Nghệ thuật vẽ tranh graffiti giữa đất sét trắng và vàng thật trong cung điện hoàng gia ở Esfahan - Ảnh: Nguyễn Chí Linh

Những cơn gió lành lạnh thổi lên từ sa mạc mang đến cảm giác dễ chịu khi chiều buông. Cùng một nhóm du khách phương Tây đạp xe trên cung đường tơ lụa, chúng tôi tưởng tượng mình là những thương gia ngồi trên lưng ngựa hay lạc đà tìm mối bán hàng hệt như câu chuyện năm xưa.

Khi hoàng hôn xuống, chúng tôi lại leo lên tháp canh nằm phía trên đầu trạm dừng chân để ngắm nhìn cung đường tơ lụa từ trên cao. Con đường gồ ghề đá sỏi ấy lại trở thành con rắn nhỏ mong manh uốn khúc trườn mình qua sa mạc rộng lớn.

Thỉnh thoảng một vài cơn gió lốc sa mạc thổi qua cuốn theo những đám bụi cát mù trời và con đường tơ lụa chìm khuất hẳn vào trong ký ức của tôi đang trôi giữa những ánh sao đêm.

NGUYỄN CHÍ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên