Phóng to |
Thượng úy Mai Tấn Hùng đang dỗ dành một cháu bé khóc đòi đi theo |
Chúng tôi lên đường đi về phía thẳm sâu của rừng núi dọc vùng biên Việt - Lào. Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh nhờ sự tình cờ: “đứa con của rừng” vừa mới trở về từ vùng biên dự đại hội chi đoàn đồn 657...
Đi tìm "đứa con của rừng"
Tên đầy đủ “đứa con của rừng” là thượng úy quân y Mai Tấn Hùng, thuộc tổ quân y của đồn biên phòng 657, đóng quân vùng cửa khẩu Nam Giang (xã La Dê, huyện Nam Giang, Quảng Nam). Học xong cấp III Hùng đăng ký vào quân ngũ, “không hiểu sao mình mê làm lính mà lại thích làm lính quân y”.
Hơn hai năm sau, ra trường anh được điều động về vùng biên giới, từ Tây Giang rồi sang Nam Giang. Từ đó, 16 năm trôi qua anh cũng không nhớ hết bao nhiêu bản làng dọc tuyến biên giới mình đã đi qua, hết làng bản ở VN anh lại xuyên biên giới khám chữa bệnh cho bà con các bộ tộc Lào ở các bản dọc hai huyện Kà Lùm và Đắc Chưng (Lào). “Hồi đó đường lên biên giới còn gian khó lắm, lên Tây Giang mất đúng năm ngày đường đi bộ...” - Hùng nhớ lại. Từ một người lính quân y mang quân hàm xanh, Hùng đã trở thành đứa con của rừng vùng biên giới từ lúc nào anh cũng không nhớ rõ. Lên với rừng rồi ở lại với rừng, hơn 16 năm trời anh không có thời gian để xuống núi.
Cứ thế, anh âm thầm chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng. Năm 1998, trong một lần công tác, anh gặp cô giáo cắm bản và nên vợ nên chồng, rồi quyết định làm nhà gắn cả đời mình với bà con vùng biên...
Những chiến công lặng thầm
Không ai có thể nhớ hết bao nhiêu người đã được cứu sống ở những bản làng heo hút từ bàn tay người lính. Người ta chỉ nhớ rằng bất kỳ thời khắc nào, mặc dù là đêm đông giá rét, giữa mưa nguồn chớp bể, ở đâu có bệnh là “đứa con của rừng” tìm đến với từng viên thuốc chia đôi của người lính.
Người ta vẫn thường kể lại chuyện trong một lần đi rừng, cậu bé A Lăng Dum (10 tuổi), ở làng Công Tơ Rơn, thôn Đắc Óc, xã La Dê, bị một cây gai mây bằng chiếc đũa đâm xuyên bàn chân. Hơn ba ngày cậu bé cứ nằm sốt li bì với vết thương nhiễm trùng. Nhận được tin, “đứa con của rừng” cùng đồng đội cắt đường rừng hơn năm giờ đi bộ đến với cậu bé.
Một đoạn gai mây còn nằm lại giữa lòng bàn chân cậu bé đang sắp hoại tử. “Cứ nhìn đứa bé nằm sốt li bì, bàn chân thì tím bầm đang hoại tử từng giờ, thế là mình quyết định mổ để cứu cho được cái chân của cậu bé”. Lúc anh ở tận đồn 653, xã La Êê, trong một đêm mưa như trút nước, nhận được tin chị A Lăng Thị Nhi ở làng Pà Oi, xã La Êê đã gần ba ngày vẫn không sinh được.
Phóng to |
Thượng úy quân y đồn 657 Mai Tấn Hùng đang khám bệnh cho bà Đơ-Hen-Đơơ ở bản Đắc Tà Oọc Nọi, Lào |
Cũng may là hơn 16 năm trong nghề, gặp hàng nghìn ca bệnh nặng tưởng như không cứu được, nhưng cuối cùng mình đã giành lại được sự sống. Bây giờ ngồi nghĩ lại đôi lúc thấy sợ...” - Hùng kể.Hết các bản làng vùng biên nơi đất Việt, anh lại xuyên biên giới đến từng bản làng của bà con dân Lào dọc hai huyện Đắc Chưng và Kà Lùm. Bà con dân Lào sinh sống dọc vùng biên giới từ Đắc Tà Oọc, Đắc Măn... đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bệnh tật.
Với số thuốc ít ỏi tiết kiệm được, anh và đồng đội đã sẻ chia, cứu giúp hàng nghìn lượt người bệnh. Mới đây, vào tháng 7-2004, tại bản Đắc Tà Oọc Nọi (huyện Đắc Chưng, Lào), cả bản có 162 người thì 158 người bị ngộ độc thức ăn do bà con ăn trâu bị dịch chết.
Nhận được tin báo, anh cùng đồng đội lên đường, đi bộ xuyên rừng hơn năm giờ sang khám và điều trị cho bà con. Đến nơi, các anh thấy cả làng xơ xác, từ già đến trẻ mặt ai cũng tái xanh, nhợt nhạt, nằm tại chỗ ôm bụng quằn quại...
Hơn ba ngày trời quên ăn quên ngủ, anh và hai cán bộ chiến sĩ quân y đã giúp bà con dân bản thoát khỏi bàn tay tử thần đang cận kề. Ông Thoong Chanh, trưởng bản Đắc Tà Oọc Nọi, nói: “Không có cán bộ Hùng giúp đỡ không biết bà con cả bản mình sẽ như thế nào.
Bộ đội Cụ Hồ tốt lắm...”. Ngồi nghe ông Thoong Chanh tâm sự, tưởng chúng tôi cũng là bộ đội Cụ Hồ, ông nằng nặc đòi đưa về bản để bà con giết heo cúng nói lời cảm ơn...“Cái khó của anh em tụi mình là thiếu thuốc điều trị, nhiều lúc khám phát hiện bệnh nhưng thiếu thuốc nên đành bó tay...” - Hùng tâm sự. Nói là bó tay nhưng thật ra Hùng cùng đồng đội chưa một lần chịu buông tay để tử thần cướp đi sinh mạng của người dân.
Thiếu thuốc, anh cùng anh em lần mò đi xin thuốc bổ sung, rồi tự sưu tầm những bài thuốc nam trong dân gian để chữa bệnh. Hàng trăm giống cây thuốc nam quí hiếm ở rừng anh cùng đồng đội tìm kiếm đem về trồng ở đồn. Hôm chúng tôi lên biên giới, gặp được cả hai vị chủ tịch huyện Đắc Chưng (Lào): Khăm May và chủ tịch huyện Nam Giang (Quảng Nam): Chờ Rum Nhiên. Trong câu chuyện kể về vùng rừng dọc biên giới của hai huyện kết nghĩa, cả hai ông cứ lặp đi lặp lại lời “cảm ơn” gửi đến những chiến sĩ biên phòng mang quân hàm xanh.
Tôi hỏi chuyện những chiến sĩ quân y, hỏi chuyện “đứa con của rừng” Mai Tấn Hùng, mắt ông Khăm May chợt sáng lên và siết chặt tay tôi bảo: “Cán bộ Hùng là con của bà con vùng biên của hai nước mình...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận