01/01/2022 09:01 GMT+7

Lắng nghe mùa xuân về

Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ
Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ

TTO - Năm 2021 với bao khó khăn trở ngại đã qua. Cùng chào năm mới với niềm tin mảng tối của năm cũ sẽ được thắp sáng bằng chính nỗ lực của mỗi người, mong năm mới vạn sự hanh thông.

Lắng nghe mùa xuân về - Ảnh 1.

Một nhóm bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm cùng nhau trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM chiều 31-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giờ này, 40 năm trước, trong "bóng đêm mùa cũ" tôi viết Lắng nghe mùa xuân về, một giấc mơ đẹp trong thời kỳ hậu chiến, cái ăn cũng còn khó khăn lắm. Cô giáo dạy văn cấp III đi bán bún riêu ngoài chợ để kiếm thêm, ông luật sư làm thêm nghề xích lô dạo. 

Còn tôi đang là giáo viên của một trường đại học nghệ thuật vẫn phải kiếm chỗ ngã tư xa trường để hành thêm nghề bơm vá xe đạp. Năm sau bỏ dạy đưa ban nhạc về tỉnh, anh em phải bán đồng hồ đeo tay để trả tiền cho chủ quán ăn ngoài chợ.

Lắng nghe mùa xuân về - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Dương THụ - Ảnh: NGỌC VIỆT

Vậy làm sao có giấc mơ đẹp trong thời buổi ấy? Và chúng ta đã đi qua ngày tháng khó. Giờ thì tôi hiểu khi còn lòng tin vào những gì tốt đẹp trong cõi đời này, trái tim còn ngập tràn yêu thương ta có thể có giấc mơ ấy. 

Giấc mơ đẹp không chỉ là sự lãng mạn mà còn thật sự là một năng lượng sống. Nhờ nó mà tôi mới có sức mạnh vượt khó để trở thành tôi bây giờ.

Giờ tôi lại lắng nghe mùa xuân về trong "bóng đêm mùa đại dịch". Hơn một triệu tám trăm ngàn người mắc bệnh, hơn ba mươi ngàn người tử vong. 

Tổn thất về sinh mạng trong cuộc chiến này thật to lớn. Nhưng như một quy luật, trước những gian nguy, khốn khó, những gì trong truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt lại được đánh thức: sự đùm bọc, chia sẻ, thương người như thể thương thân.

Đã có bao nhiêu câu chuyện cảm động của người dân, của nhân viên ngành y khiến ta rơi nước mắt. 

Và còn điều này nữa: đại dịch cũng khiến cuộc sống trở nên rõ ràng hơn. Có bồ tát và cũng có ác quỷ hiện hình. Ai tốt, ai xấu, ai giả danh để trục lợi, đại dịch đã phơi bày một phần. Sự minh bạch đã có mặt trong đời sống để cùng đất nước có thể tiến lên phía trước.

Tôi lắng nghe mùa xuân về trong suy nghĩ chứ không phải trong cảm xúc âm nhạc. Mùa xuân sẽ là có thật chứ không chỉ là giấc mơ trong bài hát xưa. 

Tôi đã nhìn thấy những "nụ hoa mùa xuân" và "mầm non đầu tiên" đang hé nở của một nước Việt - Nam - Mới trong nhiều lĩnh vực. Là giám đốc âm nhạc và trực tiếp biên tập các chương trình hòa nhạc ở tầm quốc gia, tôi được nghe những Symphonie, Concerto, Rhapsody, tứ tấu, tam tấu, độc tấu viết cho nhạc cụ cổ điển của các nhà soạn nhạc trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X: Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Việt Anh, Đỗ Kiên Cường, Trần Lưu Hoàng, Tống Đức Cường, Phó Đức Hoàng...

Thế hệ trẻ này được đào tạo chuyên sâu ở trong nước và ở các quốc gia âm nhạc hàng đầu chắc là giỏi hơn bọn tôi và phần lớn các bậc đàn anh của tôi, những người đã đặt nền móng cho nền Âm nhạc Việt Nam hiện đại bằng ca khúc. 

Giỏi nhưng có lẽ chưa thật hay như những thế hệ đi trước (thế hệ hay nhưng chưa thật giỏi). Muốn vừa thật giỏi lại vừa thật hay như danh cầm Đặng Thái Sơn thật không dễ gì. Cần giỏi về kỹ thuật, khổ luyện, và những trải nghiệm nội tâm với đủ hỷ nộ ái ố do thời đại mang đến cho mình mà vẫn nguyên vẹn sự ngây thơ trong sáng. 

Lớp trẻ bây giờ rất thông minh nhưng cái lo thoát nghèo khiến họ nghĩ nhiều đến hiệu quả. Muốn giàu có thì phải làm việc có hiệu quả, muốn hiệu quả thì phải giỏi: giỏi tổ chức, giỏi giao tiếp, giỏi kết nối, giỏi quảng bá.

Tôi lại phải lắng nghe mùa xuân về bằng một mong ước âm thầm: sẽ có một mùa xuân thật đẹp là mùa xuân của một nước Việt Nam với những con người vừa thật giỏi vừa thật hay, một Việt Nam thịnh vượng hơn, nhân ái và văn minh hơn. Mùa xuân ấy sẽ đến.

Vũng Tàu 31-12-2021

Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ

Đổi thay từ nội lực

Năm 2021 trôi qua, quá nhanh với bao dự tính không kịp làm giữa những ngày tháng trú ẩn trong nhà. Đó cũng là những ngày có cơ hội được nhìn lại bản thân mình và xã hội mình đang sống.

1. Đại dịch đã mang cả thế giới đi qua những ngày tháng với quá nhiều mất mát, khó lường, cần quá và cần thời gian lẫn sức lực để thích nghi.

Nhiều hệ thống y tế, nhiều quốc gia và rất nhiều cá nhân đã phải đối diện với những thời điểm khắc nghiệt. Cả xã hội loài người được thử sức bền, thử tính kiên cường từ thể lý đến tinh thần.

Tôi may mắn nằm trong số những người chưa phải đối diện với ranh giới của sự sống và cái chết trong năm vừa qua. Nhưng tôi có thể thấu hiểu nỗi đau phải chia ly với người thân một cách đột ngột của người khác.

Cuộc đời tưởng dài hóa ra có thể rút ngắn bất cứ lúc nào, mới tương ngộ đây đã có thể lìa xa mãi mãi.

Thay vì sống trong nỗi sợ hãi về một tương lai bất định, tôi chọn trân quý từng cơ hội, những khoảnh khắc được gặp gỡ ai đó và bày tỏ tình cảm của mình với họ bằng lời nói, bằng hành động.

Thay vì ôm sự nuối tiếc về điều mình chưa thể làm, tôi chọn sống trọn vẹn, toàn tâm toàn ý từng ngày.

thanh nien tionh nguyen

Thanh niên tình nguyện phục vụ công tác hậu cần tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

2. Đại dịch không chỉ lấy đi mạng sống và dốc cạn túi tiền của bất cứ ai, mà còn bào mòn sự nhẫn nại, khả năng chịu đựng của con người. Năm mới, mong mọi người ưu tiên xây dựng cho mình ý thức chăm sóc bản thân và gia đình.

Không chỉ là miếng ăn, giấc ngủ mà còn là tập luyện để có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần vững vàng.

Việc tập luyện không cần một pháp môn nào đó quá đặc biệt. Có thể giản dị như nhận biết hơi thở để mỗi lần hít vào - thở ra là một lần gửi lòng biết ơn đến sự hiện diện của không khí trong lành, biết ơn sự tồn tại của bản thân, biết ơn cha mẹ đã sinh mình ra...

Những lúc cảm thấy khó khăn, việc chú tâm cảm nhận đôi chân đang đặt vững chãi trên mặt đất chỉ vài phút thôi đã là một liều thuốc giúp tâm mình sáng hơn, lòng mình nhẹ hơn. Ai mà không sợ cái chết, ai mà chẳng sợ mất mát, ai ai cũng mong đủ đầy hạnh phúc viên mãn. Chỉ có tâm tĩnh tại mới giúp ta đưa ra được những lựa chọn không dựa trên nỗi sợ.

3. Chào năm mới, mong mỗi người cần chọn một loại hình thích hợp với bản thân, thông tin mình tiếp cận, môi trường mình sống. Việc nghe mình, biết những gì đang xảy ra bên ngoài mình cũng là việc cần luyện tập mỗi ngày vậy.

Trong dịch bệnh, nhiều hội nhóm chăm sóc sức khỏe tinh thần lẫn thể chất sẵn sàng cống hiến kiến thức, thời gian, kinh nghiệm với cộng đồng.

Bạn có thể dễ dàng tìm được những khóa học về tình yêu thương, những "vòng tròn thấu cảm", "lòng tử tế và tính kiên cường" ở nơi mình được lắng nghe mà không sợ phán xét trên mạng xã hội. Sau những khó khăn, thử thách và cả mất mát, thêm một người vững vàng là thêm một gia đình yên ấm, thêm một ngọn lửa giúp lan tỏa sự bình an cho xã hội.

4. Đại dịch cũng chỉ rõ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hoạch định kế hoạch chi tiêu, tích lũy tài chính của mỗi người, mỗi nhà. Cái tính cần kiệm ông bà truyền lại cần được nâng cấp lên một cách khoa học hơn.

Chúng ta đã thấy hàng ngàn người tìm đường về quê trên chiếc xe máy cũ, tài sản bé nhỏ. Rồi có người quay lại đô thị lớn để tiếp tục mưu sinh, không ít người đã chọn chuyển nghề, ở lại quê nhà tìm cơ hội sống đời giản dị hơn.

Những mong đất nước mình từ năm 2022 sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu tổ chức sản xuất từ tỉnh lên thành. Mong những hoạch định kinh tế, dân sinh mới để mọi vùng quê, thị xã lại có tiếng cười đùa của trẻ con hòa với tiếng người lớn sau một ngày dài làm việc.

Mong năm mới sẽ có phấn khởi mới để tạo nên sự khỏe mạnh, bình an và cùng chung tay cho những thành tựu mới.

Cẩm Phô

Sống và hy vọng

quan ca phe

Quán cà phê với những mầm xanh, đó là cách chị Tuyền chọn để vượt qua ngày khó - Ảnh: C.T.

Năm 2021 là một năm buồn, nhiều kế hoạch kinh doanh như đổ sông đổ bể. Với chị Nguyễn Lê Thanh Phương Tuyền, quận 8, TP.HCM cũng vậy. Mọi dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của xưởng thiết kế nội thất, mở tiệm cà phê... bị "đóng băng".

Tháng 7-2021, khu dân cư trong con hẻm 1795 Phạm Thế Hiển (quận 8) hầu như nhà nào cũng có F0, vợ chồng chị Tuyền cũng dương tính.

Giờ ai đi qua con hẻm từng diễn ra bao nhiêu khó khăn, mất mát này sẽ thấy một tiệm cà phê rợp đầy mầm xanh trải dài từ ngoài cổng vào trong.

"Cuộc sống là phải hy vọng" - đó là cách chị Tuyền nói về quán cà phê khai trương hồi đầu tháng 11 của mình. "Dù trồng bất kỳ cây nào tôi cũng đặt vào đó những hy vọng rằng chúng sẽ nảy nở, sinh sôi thật nhiều mầm xanh. Quán xá mới mở có thể ít khách nhưng khi dịch bệnh qua đi mọi người sẽ lui tới quán nhiều hơn. Năm mới rồi cuộc sống sẽ đổi mới, kinh tế sẽ lại phát triển", chị Tuyền chia sẻ.

CÔNG TRIỆU ghi

Nghĩ đến 2022, tôi mong hai chữ "an cư"

Tôi từ quê lên phố và đã quyết định trở lại quê nhà khi đại dịch COVID-19 bùng phát. 10 năm sống và làm việc tại TP.HCM, tôi thấm thía nỗi buồn ở trọ, đặc biệt sau khi lập gia đình, có con nhỏ.

Và chung quanh tôi, những người lao động từ nông thôn lên thành phố cũng đều "mắc kẹt" trong nhu cầu tìm một chỗ ở ổn định.

Đại dịch ập đến, mọi thứ đảo lộn và đặc biệt việc thiếu một "chỗ ở chính thức" khiến tôi suy nghĩ giữa hai chiều ở - về. Cuối cùng, tôi quyết định về quê để tìm kiếm một chỗ ở ổn định cho gia đình nhỏ.

Có lẽ, an cư là tiêu chuẩn đầu tiên, tối thiểu trong các chế độ an sinh xã hội, và đây cũng nên là điều kiện cần để người lao động có thể gắn bó và đóng góp vào sự phát triển một vùng đất. Với người lao động như tôi, việc mua nhà hoặc một căn hộ nhỏ ngày càng xa vời.

Về quê, nhìn những dòng người rời thành phố bằng xe máy, những người đã "làm liều", chấp nhận rủi ro mới khi hồi hương, tôi nghĩ nhiều về chuyện phát triển bền vững khi chúng ta đã sống chung với dịch.

Và không chỉ ở thành phố, người rời thành phố về quê trong đại dịch bây giờ cũng cần điều này. Những vùng quê bây giờ cũng đang trong tình trạng "sốt đất". Những người lao động trở về quê mong muốn một mảnh đất làm nhà cũng rất khó khi đất bị "gom" và thổi giá.

Nếu không có một chính sách hiệu quả, bao người dân sẽ rơi vào tình trạng "đi không nỡ, ở chẳng xong". Điều cần nhất năm 2022 là những chính sách bền vững như tìm cách để người lao động có thể an cư (dù ở quê hay thành phố), từ đó họ có thể yên tâm với những công việc, dự tính tương lai.

KHÁNH HƯNG

Đón nụ mầm mới

ct - vo chong tre

Đôi vợ chồng trẻ Phát Tài và Nhã Uyên - Ảnh: C.T.

Đôi vợ chồng trẻ ấy từng phải hoãn lễ bỏ trầu, lễ hỏi và cả ngày cưới cũng hoãn vì dịch bệnh, phong tỏa. Anh Phát Tài (29 tuổi) và chị Nhã Uyên (27 tuổi, ngụ phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) đã có một tiệc cưới "nhớ đời" khi tổ chức online với ba đầu cầu là Đồng Tháp - TP.HCM - Huế, hồi đầu tháng 7-2021. Cô dâu chú rể ở TP.HCM, mẹ cha ở quê nhà.

Cả hai thành F0, được điều trị nhiều ngày tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 7, rồi đến Bệnh viện dã chiến số 6 khi bệnh trở nặng. Để tri ân những người giúp mình, hết bệnh anh Tài tham gia đội tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch, cấp phát lương thực, thuốc men cho các F0, hộ gia đình trong khu vực đến khi dịch bệnh ngớt đi.

Cuối năm, gặp lại anh chị đang ngập tràn trong hạnh phúc khi tình yêu đơm hoa thành "quả ngọt" là đứa con đầu lòng sẽ chào đời đầu năm mới. Anh Tài ví việc vợ mình mang thai như chuyện những mầm xanh vươn lên, sau đau thương là hạnh phúc vỡ òa...

"Nghe tin vợ có thai mà tôi mừng đến rơi nước mắt. Đứa con như mang lại cho cả gia đình nguồn động lực để có niềm tin ngày mai, vào một tương lai tươi sáng, dù có trải qua gian khó thế nào thì mầm xanh vẫn vươn lên", anh Tài tâm sự.

Năm mới mở cửa làm ăn suôn sẻ

Tôi thường chở cả gia đình đi ăn sáng ghé vào quán cơm tấm quen của gia đình ở quận 6, TP.HCM. Chị chủ quán cơm cho biết khách không đông như trước nữa lại còn gánh nặng đủ thứ tiền.

Nặng nhất là tiền thuê mặt bằng, nhân viên bỏ về quê hết rồi. Tôi hỏi chị mong gì cho năm mới, chị trả lời ngay và luôn là chỉ mong sức khỏe bình an, bán có ế chút nhưng dịch kiểu này giữ được tính mạng đã là may mắn.

Anh chủ quán cà phê tôi hay uống nói ngắn gọn là "đóng cửa quán" thôi chú à, chứ bán buôn gì tầm này nữa, mở cửa bán lại nơm nớp lo.

Tạm đóng cửa và chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát để anh có cơ hội thực hiện những kế hoạch ấp ủ bao năm phát triển chuỗi quán cà phê mang tên đứa con trai đầu lòng.

Đồng nghiệp tôi có bốn người thân trong gia đình tại quận 8 đã ra đi mãi mãi không được nhìn mặt lần cuối trong đại dịch. Bạn chỉ ước mong mọi nhà được sum vầy, quây quần bên nhau đón năm mới. Còn tôi mong con mình sớm được về quê thăm ông bà, được thoải mái nô đùa cùng các bạn hàng xóm, được đến trường để gặp bạn chào cô. Mong mọi nhà mở cửa làm ăn vạn sự hanh thông.

TẤN LỘC

Họ đã cùng cống hiến

ct - hoang anh

Nguyễn Hoàng Anh, giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2021 - Ảnh: C.T.

Trước thềm năm mới gặp lại Nguyễn Hoàng Anh, giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2021, một những người từng có mặt ở tuyến đầu chống dịch.

"Là đội trưởng Đội tuần tra hỗ trợ giao thông hướng Nam - TP.HCM từ những ngày đầu TP căng mình chống dịch, hơn ai hết tôi đã chứng kiến được không ít những giây phút chia ly đau buồn nhất.

Nếu ai đó hỏi rằng muốn gì ở năm 2022, tôi sẽ chẳng cần suy nghĩ mà nói rằng tôi mong được nhìn thấy nhiều hơn sự sẻ chia của mọi người, mong mỗi sớm thức giấc được nhìn thấy mọi người bình an, hạnh phúc.

Điều làm tôi tự hào và khâm phục nhất trong năm 2021 chính là hình ảnh những đoàn người không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, công việc... cùng chọn một lối đi đó là dấn thân và cống hiến. Sát cánh cùng nhau từ ngày đến đêm, từ tuần này qua tháng nọ, chẳng kể hết được gian khó. Và điều đọng lại là những sẻ chia, yêu thương, tình người, tình đồng bào.

Chính sự dấn thân của thế hệ người trẻ Việt đã cho tôi sự khích lệ tinh thần rất lớn để có thể duy trì và phát triển mô hình hoạt động của đội tình nguyện ngày một hiệu quả hơn, giúp ích được nhiều hơn cho xã hội".

Omicron ảnh hưởng đến lễ hội mừng năm mới toàn cầu Omicron ảnh hưởng đến lễ hội mừng năm mới toàn cầu

TTO - Các sự kiện đón mừng năm mới 2022 bị ảnh hưởng đáng kể khi chính phủ nhiều nước tái áp đặt các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh toàn cầu ghi nhận thêm hàng triệu ca mắc mới mỗi ngày, phần lớn do biến thể Omicron.

Nhạc sĩ DƯƠNG THỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên